Ngày lịch sử của phụ nữ Saudi Arabia

14/12/2015 - 11:57

PNO - Ngày 12/12, lần đầu tiên phụ nữ Saudi Arabia được thực hiện quyền của mình trong cuộc bầu cử các hội đồng thành phố...

Với 979 ứng cử viên nữ và 130.637 cử tri nữ tham gia bỏ phiếu. Dù số ứng cử viên nữ chỉ bằng số lẻ của ứng cử viên nam (5.938 người) trong cuộc chạy đua vào chính quyền địa phương, nhưng động thái mới này đã mở ra cơ hội cải thiện nữ quyền ở Saudi Arabia, vốn theo luật Hồi giáo Sharia cực kỳ nghiêm khắc, quốc gia cuối cùng trên trái đất không cho phép phụ nữ lái ô tô và đến sân vận động xem thi đấu thể thao.

“Đây là bước đầu tiên của thành tựu vĩ đại, chúng tôi cảm thấy mình là một bộ phận của xã hội mà chúng tôi góp phần xây dựng”, Sara Ahmed, 30 tuổi, cho biết khi cô đến điểm bỏ phiếu. Hai cử tri trẻ Reem_assad và Amal Faisal hồ hởi viết trên trang twitter: “Đã bỏ phiếu xong! Lần đầu tiên tôi được đi bầu ở Saudi Arabia như một người trưởng thành. Bạn có thể thấy nó buồn cười, nhưng với tôi, đó là sự khởi đầu”…

Dưới thời trị vì của mình (2005-2015), năm 2011, Quốc vương Abdullah tuyên bố, phụ nữ có thể ứng cử và bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này, Saudi Arabia đang thực hiện các bước để phụ nữ có vai trò lớn hơn trong xã hội, tạo điều kiện cho ngày càng nhiều phụ nữ vào đại học và khuyến khích lao động nữ.

Ngay lich su cua phu nu Saudi Arabia
Lần đầu tiên phụ nữ Saudi được ứng cử và bầu cử - Ảnh: EPA

Theo luật Hồi giáo Sharia, phụ nữ Saudi phải có người giám hộ - cha hay chồng - khi ra ngoài, họ phải trùm khăn che đầu và mặc y phục truyền thống. Tuy nhiên, vai trò của phụ nữ tại vương quốc Hồi giáo này đang dần thay đổi, phụ nữ trong lực lượng lao động ở Saudi đã tăng đáng kể từ 23.000 người vào năm 2004 lên hơn 400.000 người trong năm 2015 (tăng 16,4 lần).

Trước khi Quốc vương Abdullah đưa ra tuyên bố tích cực trên, Grand Mufti, nhân vật tôn giáo quyền lực nhất ở Saudi, đã mô tả việc phụ nữ tham gia chính trị như là “mở cửa cho quỷ dữ”.

Việc tham gia bầu cử của phụ nữ Saudi được coi là bước tiến lớn trong một vương quốc Ảrập vốn do nam giới thống trị. Cuộc bầu cử ngày thứ Bảy (12/12) gửi tín hiệu mạnh mẽ cho xã hội Saudi rằng, phụ nữ đang tiếp tục cuộc “trường chinh” tham gia nhiều hơn vào đời sống cộng đồng, Sarah Leah Whitson, Giám đốc tổ chức Quan sát nhân quyền Trung Đông cho biết.

Theo Fatin Bundagji, phát ngôn viên của phong trào quyền bầu cử của phụ nữ ở Saudia Arabia, mọi chuyện phụ thuộc rất nhiều vào việc phụ nữ thể hiện thế nào trong cuộc bỏ phiếu. Cô nhấn mạnh: “Nỗi sợ của tôi ở giai đoạn này là chúng tôi có động lực, nhưng khi mọi thứ lắng xuống và ứng cử viên nữ không được bầu chọn, cuộc sống sẽ trở lại như trước”.

Amal Badreldinal-Sawari, bác sĩ nhi khoa, 60 tuổi, thổ lộ: “Nói thật, tôi không tranh cử để chiến thắng, nhưng tôi nghĩ mình đã là người chiến thắng khi ra tranh cử”. Chỉ một phần ba số ghế trong 284 ghế của hội đồng thành phố ở Saudi là do Bộ Các vấn đề đô thị bổ nhiệm, nên phụ nữ có thể lạc quan tin rằng ít nhất họ cũng có được đại diện trong các hội đồng.

Sawari, một ứng cử viên nữ cho biết, cô trở thành ứng cử viên xuất phát từ lòng yêu nước và đặt mục tiêu đấu tranh vì nữ quyền. Cô trích dẫn một đoạn kinh Koran và nói: “Nam giới và nữ giới phải bình đẳng về quyền trong nhiều việc”, dù người đàn ông chi phối tất cả nhưng ở đâu cũng có phụ nữ làm việc”.

Một ứng cử viên khác, Aljazi al-Hossaini, chuyên gia quản trị, 57 tuổi, đã tập trung vận động bầu cử 12 ngày trên internet. Bà đưa ra tuyên ngôn trên trang web của mình, nơi cả đàn ông lẫn phụ nữ đều có thể đọc được. Al-Hossaini nói: “Tôi nỗ lực làm tốt nhất trong phạm vi có thể và tự hào vì bản thân làm được điều đó”.

Tuy nhiên, không phải mọi phụ nữ cố gắng phá vỡ khuôn mẫu trong vương quốc Hồi giáo bảo thủ này đều có những trải nghiệm tích cực như vậy. Khi chiến dịch tranh cử khởi động vào tháng trước, đã có ba nhà hoạt động bị loại khỏi cuộc đua.

Vì đây là cuộc bầu cử đầu tiên phụ nữ được phép tham gia, nên các ứng cử viên nữ phải chịu rất nhiều thiệt thòi, đặc biệt là vấn đề thiếu thông tin. Từ chỗ nhất cử nhất động đều phải có người giám hộ, nay ứng cử viên nữ xuất hiện độc lập tại các nơi công cộng để vận động tranh cử - một việc hoàn toàn xa lạ đối với họ.

Ông Ahmad Abdel Aziz Soulaybi, một nam cử tri, 78 tuổi, nói ông biết không nhiều về ứng cử viên nữ trong khu vực của mình để bỏ phiếu cho họ, thế là: “Tôi bầu cho một ứng cử viên nam vì thiếu thông tin về các ứng cử viên nữ”.

Thanh Hải (Theo CNN, Reuters, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI