Ngày lễ Độc lập lịch sử qua ký ức của người đội trưởng công an bảo vệ lễ đài

02/09/2019 - 07:25

PNO - Dù đã ngoài 90 tuổi, ông Phạm Gia Đốc vẫn nhớ từng chi tiết, từng cái tên của đồng đội đã sát cánh cùng ông bảo vệ lễ đài Độc lập ngày hôm ấy...

Mỗi năm, cứ đến ngày 2/9, ông Phạm Gia Đốc (95 tuổi, trú tại phố Hàng Quạt, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), vị đội trưởng công an từng tham gia bảo vệ lễ đài 2/9/1945 lại đón tiếp nhiều người, trong đó có nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu, đến để nghe ông kể lại từng chi tiết khoảnh khắc lịch sử của dân tộc.

Nói về cơ duyên được trở thành một người bảo vệ lễ đài, ông Đốc kể, sau một thời gian học nghề ở Trường Kỹ nghệ Hà Nội, năm 1941, ông vào làm công nhân tại nhà máy điện Yên Phụ. Đến năm 1943, sau khi tổ chức Việt minh đầu tiên của nhà máy điện Yên Phụ được thành lập thì một năm sau - năm 1944, ông Đốc đã vượt qua các thử thách để được kết nạp vào tổ chức.

Ngay le Doc lap lich su qua ky uc cua nguoi doi truong cong an bao ve le dai
Ông Phạm Gia Đốc đã 95 tuổi, vẫn nhớ được từng chi tiết trong ngày 2/9 lịch sử

"Khi đó, nhiệm vụ của tôi là rải truyền đơn, dán áp phích tuyên truyền và cũng làm công tác tuyển chọn những công nhân khác trong nhà máy tham gia cách mạng. Ngày đó, giặc lùng bắt Việt minh rất tợn, các cán bộ hoạt động bí mật là công nhân của nhà máy đều phải hết sức cẩn thận trong công tác tuyên truyền. Chỉ sơ sẩy một chút là lộ ngay", ông Đốc kể.

Sau khi được tham gia tổ chức, ông Đốc cùng các chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi ngày ấy đều hừng hực khí thế, tự rèn luyện bản thân cả về thể lực lẫn học thức để chuẩn bị cho thời điểm giành chính quyền. Kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi tại nhà máy điện, nhóm công nhân lại tập trung để luyện tập võ nghệ, dưới sự hướng dẫn của các võ sư cũng là công nhân trong nhà máy. Các lớp học võ này được mở công khai và hoàn toàn miễn phí. Ông Đốc vẫn nhớ rõ, thầy dạy võ của mình khi đó có hai người là ông Phùng và ông Diệu, nhà ở số 14 đường Yên Phụ.

Đến tháng 8/1945, khi cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra ở Hà Nội, ông Phạm Gia Đốc cùng những đồng chí của mình đã góp sức vào thành công của cuộc cách mạng.

Khi nhắc lại thời khắc lịch sử ấy, người lính già vẫn không giấu được sự hào hùng, ông nói: "Chúng tôi nhận được tin, hội viên chức chuẩn bị tổ chức mít tinh để ủng hộ ông Trần Trọng Kim, đưa chính phủ bù nhìn lên nắm quyền. Mình cũng tận dụng tình huống đó, phổ biến đến các chi bộ, các hội hoạt động cách mạng để cũng đi biểu tình ngày hôm đó. Mọi người đều được dặn dò sẽ nói gì, hô khẩu hiệu gì. Một số người còn chưa biết được ngày hôm đó mình sẽ giành chính quyền.

Ngay le Doc lap lich su qua ky uc cua nguoi doi truong cong an bao ve le dai
Một buổi gặp mặt của những chiến sĩ trong Sở Công an Bắc bộ

Nghe lời kêu gọi, hàng trăm công nhân trong nhà máy đều háo hức tham gia. Thậm chí, một số lãnh đạo nhà máy cũng xin được đi cùng. Tại buổi mít tinh, một bên là thanh niên từ các hội nhóm khác, đối diện là lính bảo an của chính phủ bù nhìn. Khi một quan chức của chính phủ phát biểu bên hông Nhà hát Lớn, người của mình lao lên gạt ông ấy ra để hô khẩu hiệu. Phía bên trên, lá cờ cách mạng tung bay trước sự bất lực của đám lính".

Thấy lá cờ cách mạng, hàng trăm, hàng ngàn người cùng hò reo hô khẩu hiệu. Trước khí thế không thể ngăn cản đó, đám lính bảo an chỉ biết đứng im quan sát, sau đó từ từ rút lui. Nhân cơ hội đó, lực lượng cách mạng cử người canh gác luôn tại những cơ sở đã giành được.

Lễ đài lịch sử

Sau khi cách mạng thành công, Sở Công an Bắc Bộ do ông Chu Đình Sương làm giám đốc được thành lập, với nhiệm vụ bảo vệ chính quyền mới. Ông Đốc cũng được tổ chức tin tưởng và giao nhiệm vụ Đội trưởng. Trên cương vị mới, nhiệm vụ đầu tiên ông Đốc được nhận đó chính là bảo vệ lễ đài Độc lập.

Do tính chất đặc biệt của nhiệm vụ, vai trò của những đội bảo vệ cũng vô cùng quan trọng, nên mọi người chỉ được thông báo trước khi buổi lễ diễn ra hai ngày. Chỉ những chiến sĩ có thể hình, thể lực tốt, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống nguy hiểm có thể xảy ra mới được lựa chọn. Đích thân giám đốc Sở Công an Bắc bộ lựa chọn các chiến sĩ tham gia nhiệm vụ này.

Các chiến sĩ trong tổ bảo vệ lễ đài được sắp xếp ngủ nghỉ luôn tại Sở Công an. Việc trực chiến như vậy, với ông Đốc và các đồng đội, không có gì khó khăn, mới lạ, nhưng cảm giác sắp được tham gia một nhiệm vụ quan trọng đến như vậy khiến mọi người đều mất ngủ vì hồi hộp. Mỗi người trong đội được phát một khẩu súng ngắn cùng mấy viên đạn, do vũ khí lúc đó rất hiếm, chủ yếu cướp được từ quân đội Nhật, Pháp. Các chiến sĩ luôn phải đề cao cảnh giác, vì thời điểm đó, lực lượng chống đối cách mạng vẫn hoạt động rất mạnh mẽ.

Ngay le Doc lap lich su qua ky uc cua nguoi doi truong cong an bao ve le dai
Lễ đài lịch sử ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập - Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

Ngày 2/9/1945, buổi lễ mít tinh lịch sử diễn ra từ lúc 14 giờ, nhưng lực lượng bảo vệ đã phải có mặt từ sáng sớm để chuẩn bị. Các chiến sĩ được phát đồng phục, quần dài trắng, đứng cách khu vực lễ đài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn Độc lập chỉ vài bước chân.

"Lực lượng bảo vệ được chia ra làm 3 đội, mỗi đội có 10 người đứng bảo vệ ở vòng thứ hai. Ngoài ra còn các vòng bảo vệ khác của lực lượng Giải phóng quân và lực lượng thanh niên. Trong suốt hơn ba tiếng đồng hồ diễn ra buổi lễ, tôi cùng anh em chỉ nhìn về phía trước, không được phép quay lại hay ngẩng đầu lên nhìn, nên cũng vì thế mà chúng tôi không được nhìn thấy Bác đọc Bản tuyên ngôn Độc lập thế nào", ông Đốc nói.

Kể lại câu chuyện, ông Đốc vẫn còn run rẩy, bởi trong suốt cuộc đời, chưa bao giờ ông cảm thấy cảnh tượng xúc động như vậy. Cả một biển người trước mặt đứng ngăn nắp, trật tự. Sau nghi lễ kéo cờ và quốc ca, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

Khi Bác Hồ bắt đầu cất giọng "Hỡi đồng bào cả nước!", phía dưới, cả biển người không một tiếng động. Trong suy nghĩ của người chiến sĩ trẻ khi đó, một cảm giác hào hùng mãnh liệt chạy vụt qua đầu. "Độc lập rồi", đó là những gì ông Đốc đã nghĩ đến. Rồi đến khi Bác dừng lại hỏi: "Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?", ở phía dưới, người lính trẻ bất giác thấy mắt mình nhòe đi. Nước mắt ông chực trào ra, nhưng vẫn giữ vững vị trí, nhìn thẳng về phía trước.

Sự tiếc nuối không được nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Đốc sau đó cũng được bù đắp, khi ông được gặp Bác tới bốn lần. Cũng theo lời kể của ông Đốc, chính ông là người đã dẫn ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Bác Hồ) vào Phủ Chủ tịch gặp Bác trong lần từ Nghệ An ra thăm.

Ngay le Doc lap lich su qua ky uc cua nguoi doi truong cong an bao ve le dai
Ông Phạm Gia Đốc (thứ hai từ trái sang) nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

"Tôi còn được gặp Bác nhiều lần khác, một lần ở Sở Công an Bắc bộ, Công an Hoàn Kiếm. Sau khi từ Paris về, Bác còn tặng tôi một huy hiệu hình lá cờ Việt Nam để gắn lên cổ áo. Rất tiếc, những món quà quý giá ấy đã bị bom đạn vùi lấp hết. Đến ngôi nhà của tôi cũng tan nát bởi mưa bom của giặc", ông Đốc bùi ngùi nói.

Sau nhiệm vụ lịch sử đó, ông Đốc tiếp tục tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Sau 8 năm chiến đấu trong lòng địch, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông nhận nhiệm vụ truy bắt gián điệp tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và nhiều trọng trách khác. Với những đóng góp của mình, ông Phạm Gia Đốc đã vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - danh hiệu xứng đáng với người đội trưởng công an năm nào.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI