Từ ngày 12-18/4, Hội LHPN TP.HCM sẽ tổ chức chương trình “10 năm Ngày hội việc làm phụ nữ - Tự hào thương hiệu Việt” tại công viên Lê Văn Tám, Q.1, TP.HCM. Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho biết:
- Chương trình sẽ diễn ra trong bảy ngày với nhiều nội dung như: tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp, tư vấn bảo hiểm thất nghiệp; phỏng vấn và tuyển dụng lao động trực tiếp; trao đổi thông tin hai chiều giữa doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động.
Dự kiến, sẽ có 50 bàn và 300 gian hàng, gồm các bàn tuyển dụng, phỏng vấn trực tiếp, tư vấn bảo hiểm thất nghiệp, các gian hàng tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, các gian hàng làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, giới thiệu sản phẩm...
|
Đông đảo chị em đến với Ngày hội việc làm phụ nữ lần 8 - năm 2016 |
Đây sẽ là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tổ chức các hoạt động tư vấn nghề nghiệp, tư vấn làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tiêu dùng sản phẩm.
Đây là nơi để lao động nữ, nữ thanh niên đăng ký học nghề, tìm việc làm phù hợp, với nhiều vị trí, ngành nghề đa dạng, đồng thời là nơi để Hội LHPN các quận, huyện cũng như các doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, giới thiệu các món ăn ngon, đặc sản của từng vùng, miền, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
* Xin bà cho biết rõ hơn về các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại chương trình này?
- Thực tế, việc hướng và gắn chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp vào hoạt động Ngày hội việc làm phụ nữ đã được Hội LHPN TP.HCM thực hiện từ năm 2017, là năm đầu tiên phụ nữ cả nước cùng nhau thực hiện nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp, trong đó có chỉ tiêu của Đại hội Đại biểu phụ nữ Việt Nam lần thứ XII: giới thiệu, đào tạo nghề cho 75.000 lao động nữ, hỗ trợ 2.500 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, năm 2018 là năm đầu tiên triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, do vậy, Ngày hội việc làm phụ nữ cũng chính là nơi tạo điều kiện cho những người khởi nghiệp giao lưu, hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao - tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh với các doanh nhân thành đạt.
* Được biết, đến năm 2018 này, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức Ngày hội việc làm phụ nữ liên tục 10 năm. Chương trình này đã để lại những dấu ấn gì?
- Có thể nói, qua 10 năm, chương trình Ngày hội việc làm phụ nữ đã có nhiều bước tiến bộ đáng kể. Nếu như Ngày hội việc làm phụ nữ năm 2010 chỉ giới thiệu được việc làm cho 756 lao động, thì đến Ngày hội việc làm phụ nữ năm 2017, đã có 3.150 người được các doanh nghiệp thông báo mời phỏng vấn.
Từ vài chục quầy tư vấn, trưng bày hàng hóa buổi ban đầu với hơn 5.000 lượt khách tham dự, thì đến Ngày hội việc làm phụ nữ lần 9 năm 2017, đã có hơn 100 quầy tư vấn, giới thiệu việc làm, 56 doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm Việt, thu hút hơn 15.000 lượt người tham dự.
Ngày hội lần 9 cũng tiếp nhận giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ tìm việc làm mới cho 1.600 lao động; có 65 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp và 5.866 người đến tìm việc.
Niềm vui, niềm tự hào của chương trình là có 42 gương phụ nữ tiêu biểu phát triển việc làm ổn định và khởi nghiệp thành công sau đào tạo nghề. Như chị Lưu Thị Hai đến Ngày hội việc làm phụ nữ với hai bàn tay trắng, giờ đã là chủ một nhóm nấu ăn, mỗi tháng nhận từ 10-20 tiệc, tạo việc làm, thu nhập cho 20 anh chị em.
Chị Trần Ngọc Nga, sau khi học nghề may gia đình đã mạnh dạn xin xây dựng tổ hợp tác, được Hội chấp thuận, hỗ trợ 20 máy may, đã giúp 25 chị có việc làm, thu nhập từ 50.000 - 300.000 đồng/ngày. Những con số, con người cụ thể đó là minh chứng sống động nhất cho hiệu quả của chương trình suốt 10 năm qua.
* Ban tổ chức đã có những kế hoạch cụ thể gì cho chương trình “10 năm Ngày hội việc làm phụ nữ - Tự hào thương hiệu Việt”?
- Ngay từ cuối năm 2017, Hội LHPN TP.HCM đã xây dựng và triển khai tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn TP.HCM”.
Từ buổi tọa đàm này, chúng tôi đã lắng nghe, ghi nhận nhiều góp ý cũng như giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức các ngày hội việc làm, từ đó, Hội LHPN TP.HCM đã xây dựng kế hoạch, mời gọi các doanh nghiệp, đối tác có uy tín tham gia chương trình, triển khai kế hoạch về tất cả các cơ sở Hội, rà soát hội viên, phụ nữ có nhu cầu tìm việc và học nghề tham gia ngày hội.
Các cán bộ Hội cũng tiếp cận, khảo sát 2.594 phụ nữ từng được đào tạo nghề tại trung tâm giới thiệu việc làm để ghi nhận ý kiến, nguyện vọng các chị khi tham gia ngày hội…
Có thể nói, đến nay, công tác chuẩn bị đã từng bước hoàn thiện và chúng tôi hy vọng với nỗ lực của hội viên, phụ nữ, các cấp Hội cùng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, đối tác, chương trình sẽ xứng tầm vóc 10 năm làm nhịp cầu, mang việc làm, nghề nghiệp đến với phụ nữ.
Hạnh Chi (thực hiện)