Ngày giỗ má

25/12/2015 - 11:09

PNO - Khi má khuất bóng rồi, tôi mới nhận ra rằng, người mẹ chồng “trùm sò, kỹ tính, bắt bẻ và hờn lẫy” ấy đối đãi với mẹ con tôi quá ân tình...

Khi thấy tôi lui cui sửa soạn chén đũa và các thứ đồ khô để “chuẩn bị giỗ bà nội”, Chua thắc mắc “bà nội là bà nào hả mẹ?”. Su trả lời thay mẹ, rằng em không biết, chứ chị thì vẫn nhớ bà nội rất rõ…

Má chồng mất khi tôi đang ở cữ bé thứ hai. Những ngày cuối đời má bệnh nặng phải nằm viện, tôi cũng chẳng thể kề bên chăm sóc. Thậm chí, ngày đưa má về quê, nằm cạnh mồ mả ông bà, tôi cũng vắng mặt, bởi đang trong giai đoạn hậu sản yếu ớt. Tôi biết phía bên chồng hẳn có người trách cứ, nhưng thâm tâm tôi chắc rằng, má hiểu lòng đứa con dâu vốn ít nói đến mức lầm lì…

Ngày giỗ má, tôi nấu những món đơn giản mà lúc còn sống má thích dùng. Canh khổ qua nhồi thịt. Tôi chiên thêm vài miếng thịt gà, ít cái bánh xèo giòn rụm. Mua chục bánh cam đường, loại quà quê hồi đó má hay ăn. Dưa hấu và mận, cùng với hoa cúc vạn thọ, thứ bông má ưa… Chỉ có vậy thôi, dù con tôi cũng thắc mắc, sao má không làm chả giò, nấu cà ri như những đám giỗ khác.

Ngay gio ma
Ảnh minh họa

Ngậm ngùi thương má chỉ quen ăn các thức ăn bình dân, cả đời quanh quẩn nuôi con, giành lấy những thiếu thốn thiệt thòi về cho mình. Đàn bà miền Trung khổ lắm, có lẽ là cúc cung chịu đựng nhiều nhất trong tất cả các vùng miền mà tôi biết...

Tôi làm con dâu má được gần sáu năm, sống cùng một nhà, dĩ nhiên bát đĩa trong sóng cũng có lúc lao xao này nọ. Thế nhưng, khi má khuất bóng rồi, tôi mới nhận ra rằng, người mẹ chồng “trùm sò, kỹ tính, bắt bẻ và hờn lẫy” ấy đã đối đãi với mẹ con tôi quá ân tình, vụng về nhưng chăm chút yêu thương theo kiểu một bà mẹ nông dân vốn quen với vất vả khổ cực.

Mỗi năm giỗ má, tôi đều thấy chồng mình run run khóc khi thắp nhang. Tôi biết anh luôn tự trách bản thân ngày trước đã không dành nhiều thời gian cho má, đã không thể lo cho má đủ đầy chu toàn hơn… Mất mẹ là nỗi đau lớn nhất, mà càng sống và trải qua nhiều được mất trong đời, tôi mới dần thấu hiểu.

Thương chồng. Tôi nhớ lại mấy lần cãi lời má, nhất là từ sau khi sinh xong bé Su, tâm tính tôi ít nhiều thay đổi, khó chịu, lại thích tỏ ra mình là bà mẹ hiện đại, nuôi con theo đúng bài bản khoa học. Tôi phẩy tay vào các loại rượu thuốc, bột nghệ, than củi… má nhọc công chuẩn bị cho con dâu.

Tôi cố tình tỏ ra “có quyền” với con gái đầu lòng của mình, đứa trẻ đang được bà nội thương cưng như trứng mỏng… Tôi thậm chí còn có ý nghĩ, phải tách hai bà cháu ra, không thì sau này mệt lắm chứ chẳng đùa! Cái cảm giác dè chừng mẹ chồng luôn hiện diện đâu đó, dù má chưa từng nặng lời với tôi, chỉ có tôi hay vin vào cớ mệt mỏi vất vả để ngúng nguẩy cáu bẳn…

Con gái tôi, ngày bà nội mất mới lên năm, nhưng đã biết rơi nước mắt khi tôi nghẹn ngào thông báo, sau này con chẳng còn có bà nội để tắm cho, để cùng chơi đồ hàng, để dắt con đi thú nhún nữa…

Trong những năm tháng sau này, tôi vẫn cùng con gái lớn ôn lại những kỷ niệm về bà nội, cho con xem lại các hình ảnh còn lưu lại, để con đừng quên. Thi thoảng có dịp đưa con về quê thăm mộ bà nội, tôi đều như thấy mình vẫn là đứa con dâu trẻ dại ngày nào bước chân vào nhà chồng, lòng day dứt khôn nguôi.

Đến khi mất đi người ta mới nhận ra mình từng đã có. Tận tới sau này, khi má không còn nữa, tôi mới dần hiểu ra, câu nói ấy đúng đến vô cùng. Thèm có má đỡ đần, chờ cơm, chờ cửa. Thèm còn bà nội vui vầy bên hai đứa trẻ thơ. Thèm có người bảo ban hàng ngày, thèm cảm giác ấm cúng sum vầy trong nhà thuở còn má… Ai đó bảo, có con rồi mới hiểu lòng cha mẹ, tôi nghĩ thêm rằng, sinh con trai sẽ biết thương mẹ chồng mình…

Hải Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI