Ngày Gia đình Việt Nam tặng nhau gia sử sức khỏe

28/06/2018 - 11:33

PNO - Sáng 28/6 - nhân Ngày Gia đình Việt Nam, Viện Di truyền Y học, Khoa Y tế Công cộng của Đại học Y Dược TP.HCM cùng báo Phụ Nữ phối hợp tổ chức buổi tọa đàm "Gia sử sức khỏe cho mọi gia đình".

Giáo sư Trương Đình Kiệt, Viện trưởng Viện Di truyền Y học, trường Đại học Y Dược TP.HCM phân tích: “Gia sử sức khỏe là công cụ đơn giản nhất nhưng hiệu quả nhất dùng để sàng lọc các bệnh di truyền. Đây có thể coi là gia sản của gia đình!".

Ngay Gia dinh Viet Nam tang nhau gia su suc khoe
Gia sử sức khỏe gia đình Nữ hoàng Victoria

Lâu nay người Việt chỉ chú tâm đến gia phả, chưa để ý đến gia sử sức khỏe. Nếu gia phả thể hiện tên tuổi, năm sinh - mất và các sự kiện trong cuộc đời thành viên dòng tộc, thì gia phả sức khỏe (đúng hơn là gia sử sức khỏe) chú tâm vào vấn đề di truyền, tìm ra bệnh đó có di truyền trong các thành viên gia đình hay không. Như vậy, gia sử sức khỏe chuẩn hơn, thống nhất hơn so với gia phả.

"Chúng tôi muốn kêu gọi cuộc cách mạng làm gia sử sức khỏe vì chúng ta làm gia phả dòng tộc rất nhiều nhưng gia sử sức khỏe thì chưa làm. Đây là cuộc cách mạng xuất phát từ người dân. Tôi kêu gọi cuộc cách mạng gia sử sức khỏe và xin trao quyền này cho người dân" - GS Trương Đình Kiệt nhấn mạnh.

Ngay Gia dinh Viet Nam tang nhau gia su suc khoe
GS Trương Đình Kiệt (bìa phải) đang chia sẻ về gia sử sức khỏe tại buổi tọa đàm

Sáng kiến về gia sử sức khỏe này được cố vấn trưởng về y tế của chính phủ Mỹ đưa ra Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ để chuẩn hóa. Ở Mỹ có hẳn sách giáo khoa chỉ dẫn về thực hiện gia sử sức khỏe, chẳng hạn có bệnh di truyền hay không, cho phép định hướng làm xét nghiệm, tư vấn như thế nào… thậm chí có người thay đổi chiến lược điều trị.

Ngay Gia dinh Viet Nam tang nhau gia su suc khoe
 

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Đại học Y Dược TP.HCM: “Tôi nghĩ gia sử sức khỏe là thông tin rất quý giá trong Ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Nếu trong gia đình, cha mẹ có bệnh, tôi phải biết để lo sức khỏe cho người thân. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa để nâng cao sức khỏe cho gia đình Việt Nam”.  

Chia sẻ về quy trình thực hiện gia sử sức khỏe và cây gia hệ, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Thơ, Phó Viện trưởng Viện Di truyền Y học nêu: “Trước hết là thu thập thông tin tất cả các thành viên chung huyết thống trong gia đình bạn, kể cả những người ngoài giá thú. Sau đó liệt kê các bệnh tật cần lưu, trong phần sức khỏe bệnh tật phải ghi rõ từng thành viên có bệnh hay không, biểu hiện của bệnh. Ngoài ra cần truy cập vào web Viện di truyền y học để khai thác thêm thông tin cần khai thác khác".

Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM Lê Huyền Ái Mỹ cho rằng: “Sự ô nhiễm môi trường sống, nguồn thực phẩm, hành vi lối sống... khiến chúng ta tin và chủ quan kết luận bệnh tật đa phần là do tác động môi trường sinh dưỡng mà bỏ quên yếu tố di truyền và những đột biến gen trong mỗi cá thể, trong quan hệ huyết thống gia đình. Chính vì vậy gia sử sức khỏe – một công cụ lượng giá nguy cơ sức khỏe cho tất cả các thành viên gia đình – rất cần được hiểu và triển khai đầy đủ, trở thành một kiến thức nền tảng, xuyên suốt cho các gia đình, giúp mỗi chúng ta theo dõi, phòng chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân, người thân một cách hiểu biết và toàn diện hơn trong chẩn đoán, giải pháp.

Với tinh thần đó, báo Phụ Nữ mong muốn cùng các đơn vị chuyên môn thiết lập kế hoạch và thúc đẩy các chương trình tư vấn, tập huấn, cung cấp đầy đủ các nội dung liên quan để các thành viên gia đình hiểu biết và thiết lập gia sử sức khỏe cho gia đình mình, bản thân mình. Xin thay mặt báo Phụ Nữ, xin được cám ơn thầy Trương Đình Kiệt, PGS Đỗ Văn Dũng, tiến sĩ Hoàng Anh Vũ, tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Thơ. Chúng tôi mong được đi cùng với các y bác sĩ để có nhiều đóng góp hơn cho xã hội”.

GS Trương Đình Kiệt: Con người có khoảng 15.000 bệnh di truyền

Gia sử sức khỏe quan tâm đến các bệnh mãn tính, không rõ nguyên nhân và nhất là các bệnh có yếu tố di truyền. Con người có khoảng 15.000 bệnh di truyền.

Đặc biệt riêng bệnh tim mạch, yếu tố môi trường và di truyền là 50/50, đái tháo đường typ 2, yếu tố di truyền hơn 30%; bệnh béo phì, yếu tố di truyền 80%, 20% là yếu tố môi trường, hành vi. Ung thư gần như 100% có yếu tố di truyền.

Về trọng số di truyền/môi trường, bác sĩ lâm sàng ở Việt Nam không có điều kiện tư vấn di truyền, trong khi tại Mỹ, thời gian này là 1 giờ để tư vấn di truyền. Khi tư vấn, bác sĩ sẽ phân tích, cung cấp hiểu biết di truyền, tư vấn xét nghiệm, tư vấn giảm thiểu nguy cơ, tư vấn các hỗ trợ khác.

Những tư vấn này dựa trên chỉ định các xét nghiệm di truyền để xác định biến đổi di truyền, phân tích kết quả và khả năng liên quan giữa kiểu đột biến và bệnh tật.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI