PNO - Cuộc hẹn giữa phóng viên và chị Phạm Phượng (nhân viên truyền thông, ngụ quận 12, TPHCM) phải né những kế hoạch quan trọng của gia đình chị: về thăm quê hay đưa mẹ và cả nhà đi tham quan đây đó.
Mẹ chị Phạm Phượng và các con cháu vào vườn hái trái trong chuyến ghé thăm miền Tây |
Dù lo cho 2 con nhỏ nhưng từ lâu, vợ chồng chị vẫn quan tâm, báo hiếu cha mẹ 2 bên ở Bình Định, Bình Thuận. Khi được hỏi câu “nước mắt chảy xuôi” khiến cho thái độ thờ ơ với cha mẹ già phần nào có vẻ dễ thông cảm, chị Phượng lắc đầu, tươi cười giở những bức ảnh đại gia đình 3 thế hệ quây quần ở nhà hay Đà Lạt, Vũng Tàu, miền Tây Nam Bộ… “Tôi nghĩ sự cân bằng luôn quan trọng dù điều kiện gia đình mình đã tốt hay vẫn còn khó khăn. Gánh cho đồng mới đi được xa. Nếu chỉ chăm lo cho con, đợi đến khi dư dả mới lo cho cha mẹ già thì có khi đã muộn” - chị Phượng chia sẻ.
Chữ “muộn” ấy đến từ dòng hồi tưởng về người cha quá cố của chị. Ba chị rất thích thăm thú đó đây nhưng chị chưa kịp đưa ông đi nhiều nơi. Khi chị mới tốt nghiệp đại học, ba đã qua đời vì bệnh. Ký ức đẹp nhất chị còn lưu giữ được là lần ba đi theo xe chở heo từ Bình Định vào TPHCM, đem vào cho chị cá khô, rau, gạo, thịt ngâm… Đúng vào ngày chị được trống tiết học, 2 cha con chở nhau trên chiếc xe đạp đi tham quan Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và không quên thủ sẵn đầy bụng cơm ở nhà trọ để khỏi phải mua ăn, tốn tiền.
Những gì chưa kịp làm cho ba, chị dồn cho 2 bà mẹ (ba chồng chị cũng đã qua đời). Mẹ chồng chị hay bị say xe nên ngại xê dịch, chị thường sắp xếp về thăm. Còn mẹ chị thích du lịch lại trẻ khỏe hơn tuổi 77 nên hằng năm đều có chuyến đi chơi cùng con cháu. Anh chị thiết kế lịch trình nhẹ nhàng cho vừa sức người già và trẻ nhỏ. Mỗi chuyến đi là dịp đại gia đình thêm gắn bó.
Những bỡ ngỡ, lẫn lộn của bà mẹ quê khi tiếp cận thang cuốn, thang máy, vòi nước phòng tắm hiện đại hoặc đăng nhập bằng thẻ... càng làm con cháu “cưng” bà, bà cũng không ngần ngại mà thêm mở mang, thêm vui vẻ, tự tin. Dần dà, bà ngoại đã sành điệu, biết tự chụp hình và lập tài khoản Facebook để ngắm nghía, tải hình khi sắp nhỏ tung lên.
Được hỏi “lo cho mẹ già thì có khiến con trẻ thiếu hụt không?”, chị Phượng đáp: “Không hề. Người trung niên báo hiếu cho cha mẹ là tạo cơ hội cho các con hiểu ông bà, được sống trọn vẹn trong những khoảnh khắc quý giá của gia đình. Các con cũng có thể nhìn vào cách cha mẹ cư xử để quan tâm ông bà hơn”. Mỗi khi nghe anh chị bàn một chuyến đi, các con bật lên câu hỏi “bà ngoại có đi cùng không hả mẹ?”. Rồi trong hình dung về chuyến đi tương lai, các con có cả những lo ngại: “Không biết xuồng chòng chành vậy, ngoại có sợ không?”, “Đoạn đường đến thác hơi xa và lên cao, không biết ngoại có lội bộ nổi không?”...
Thông qua việc rủ mẹ đi chơi, chị hiểu hơn về mẹ, cũng như chạm đến ngóc ngách sâu kín mà người già không dễ thổ lộ. Chị hiểu rằng mẹ cả đời yêu con cháu, hết lòng vì con cháu và khi ở tuổi U80, hạnh phúc duy nhất cũng chỉ là được gần gũi con cháu, cùng ăn cơm, cùng vui chơi. Có lần em trai của chị Phượng đặt mua cho mẹ một chuyến tham quan miền Bắc khá nhiều tiền nhưng về mẹ lại nói: “Mai mốt đừng mua như vậy nữa, mẹ chỉ thấy thích mà không thấy vui, đi với con cháu mới vui”. Trước những cảnh thiên nhiên kỳ thú lần đầu được chiêm ngưỡng, mẹ cứ chặc lưỡi hít hà: “Cái này mà có tụi nhỏ đi, chắc tụi nó ham lắm”. Chị Phượng đọc trong tiếng hít hà xuýt xoa đó một khao khát được chung vui với con cháu, vậy là chị chờ gom quân đông đủ mới “đề ba”.
Điểm chung của người già là sợ con cháu tốn tiền nên thường từ chối cuộc vui. Biết nỗi lòng này, vợ chồng chị Phượng thường dọa “tụi con đã đặt xe, đặt phòng hết rồi, nếu mình không đi là mất một đống tiền”.
Cả đời tảo tần nuôi 5 con ăn học, đến tuổi già, mẹ chị mới được thảnh thơi theo đuổi các thú vui ngày ngày tám với hàng xóm, tập thể dục, nghe nhạc boléro. Khi xưa nhà quá nghèo, đông em, mẹ chị phải ra đồng sớm, không được đi học. Giờ mẹ chị đã tự học được mớ chữ đủ để lướt mạng và bấm tên bài hát ưa thích, vợ chồng chị khỏi phải chép nhạc vào thẻ nhớ điện thoại cho mẹ.
Các dì, cậu, chị của chị vẫn thường ghé thăm nhà và mua đồ ăn cho mẹ, ở lại đêm. Ở xa, hằng ngày, chị gọi điện thoại cho mẹ, nghe giọng nói của mẹ hôm nay tươi khỏe hay chùng xuống để đo lường tinh thần có tốt không, có hờn giận ai không và chị tìm cách dung hòa, động viên. Chị sợ người già có chút hờn giận, thay vì giải tỏa thì lại âm thầm chịu đựng, chuyện nhỏ sẽ thành to.
Chị Phạm Phượng và tổ ấm nhỏ rộn vang tiếng cười |
Quan tâm, vấn an mẹ già, với chị không chỉ vì bổn phận hay đem lại lợi ích (để cho con cái nhìn vào) mà là hạnh phúc hằng ngày. Hạnh phúc ấy, chị gói gọn trong sự so sánh tương phản mộc mạc và sâu sắc: “Hồi xưa, lúc tôi vào TPHCM học đại học, 2 mẹ con muốn trò chuyện với nhau bằng lá thư tôi viết gửi về nhà cả tuần mới tới hoặc mẹ bán cả gánh rau, chạy ra bưu điện đổi được vài phút gọi, chỉ kịp dặn dò công chuyện chứ đâu tâm sự được gì. Giờ công nghệ quá phát triển, sao mình lại không gọi để nghe tiếng nói, nghe hơi thở, nhìn sắc mặt, nụ cười của mẹ?”.
Tô Diệu Hiền
Tiến sĩ Phạm Thị Thuý (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, phân viện TPHCM): Giàu bao nhiêu đủ mua tổ ấm? Với tôi, để hạnh phúc, việc cân bằng các mối quan hệ luôn khó; nhưng thật ra, điều khiến người ta thấy khó, thấy rối là vì… cầu toàn. Nếu đơn giản đi, “liệu cơm gắp mắm” thì sẽ không bị thiếu hụt, vẫn làm tròn các vai trò. Nếu cầu kỳ, cầu toàn, tự tạo ra áp lực trên vai sẽ thấy bản thân đang gánh quá sức và bị đuối. Khi đó bạn đời sẽ khó chịu. Vì thế, phải điều tiết mọi thứ vừa phải, vừa đủ và phù hợp với hoàn cảnh. Cha mẹ già luôn thông cảm nếu bạn chưa đủ điều kiện để lo thật chu toàn. Nếu ở xa gia đình, không có nhiều tiền đi máy bay thì vẫn có thể đi xe đò. Nếu không về đủ cả nhà thì vợ hoặc chồng sẽ luân phiên đại diện thăm cha mẹ già. Có những giai đoạn khó khăn, tôi từ TPHCM về Bắc thăm nhà không mang quà cáp nhưng gia đình không vì thế mà kém vui. So sánh với người khác hay bắt chước người khác chỉ làm mình khổ. Cân bằng đầu tiên ở tư duy. Kế đến, quan trọng hơn, là ở cảm xúc. Thứ ba mới đến cân bằng về tiền bạc. Người giàu mà không khéo cân bằng có khi lại gây mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Giàu bao nhiêu đủ mua tổ ấm cân bằng, hạnh phúc? Câu trả lời không chỉ nằm ở túi tiền. Quan trọng là cách chúng ta lắng nghe, quan tâm, chia sẻ với nhau. Tất cả những điều này đã làm nên tổ ấm. Hoài Nhân (ghi) |
Chia sẻ bài viết: |
Người thắp sáng tình yêu môn lịch sử cho chúng tôi
Ai rồi cũng tập thể thao: Việc đạp xe giúp tôi... hạn chế đi nhậu
“Thầy ơi, con chọn ngành sư phạm, con muốn đi dạy giống thầy”
Người phụ nữ đẹp nhất là ai? - Vẻ đẹp không thể so sánh của dì Út
Người phụ nữ đẹp nhất là ai? - Mẹ U70 "chất chơi"
Từ nền tảng gia đình - doanh nhân báo hiếu cho nước cho nhà
Với câu hỏi “Tính xấu nào của vợ mà anh thấy cần phải sửa chữa trước nhất?”, gần 90% câu trả lời là: tính nói nhiều.
Cánh tay trái lộ ra chi chít vết rạch lớn nhỏ, cũ mới chồng lên nhau. Em là một bệnh nhân mắc chứng trầm cảm đang điều trị ở phòng khám này...
Học trò ca ngợi cô là “bộ nhớ siêu phàm”, “pho sử vĩ đại”... Cô đã thắp sáng tình yêu lịch sử cho biết bao thế hệ học trò.
Nếu người thầy buông tay, những đứa trẻ nghịch ngợm ấy rồi sẽ đi đâu về đâu?
Con bé có vẻ không hiểu, hay cố tình không hiểu mà đứng ì ra đó. Chị nói với con, giọng có hơi cao: “Ra ngoài, cho mẹ làm việc”.
Những người đàn ông, bé trai thường được gán với tính chất phải mạnh mẽ, che chở, cho đi nhiều hơn trong một mối quan hệ.
Vì tình yêu thương gia đình, dì Út đã dẹp đi những hạnh phúc riêng... Ở tuổi 50, dì có một vẻ đẹp mặn mà đầy sức sống.
Cha mẹ cần chấp nhận sự thay đổi của con và bản thân cũng phải thay đổi cách giao tiếp, quan tâm và tham gia vào tiến trình thay đổi của con.
Tính đố kỵ có bình thường không? Làm sao xua ngay cảm xúc hậm hực đó để xây dựng quan hệ tốt với bạn bè xung quanh?
Làm ăn giỏi thực ra cũng là một cách trả hiếu cho cha mẹ, cho đất nước. Đó thực sự là điều doanh nhân phải suy ngẫm.
Cuộc thi mang nhiều ý nghĩa nhân văn, giúp vun bồi lòng hiếu nghĩa, để gìn giữ nếp nhà, vun đắp hạnh phúc gia đình.
Cha mẹ vẫn đang chấp nhận việc đánh, mắng con như một hình thức giáo dục. Cần xóa bỏ mọi hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ.
Mẹ chồng tôi giữ vững 2 niềm vui sống trong cuộc đời: chăm sóc gia đình và mua sắm trang phục cho mình.
Dẫu biết phải buông bỏ, dọn lòng, nhìn về phía trước, nhưng nhiều người không thể gỡ được vết dằm quá khứ.
1 tiếng tập luyện môn thể thao yêu thích mỗi ngày giúp bạn tăng cường sức khỏe thể chất và cải thiện tinh thần.
Nội, ba má và bác tôi hiểu thế nào là mất mát nên chắt chiu từng niềm vui. Không, đúng hơn là họ dành cho nhau từng hơi ấm.
Hình như bố cũng gửi lời nhắn riêng cho mẹ. Đó là lý do lâu nay mẹ hết lòng yêu thương phi điệp và chăm sóc cây cối trong vườn.
Giữa lằn ranh sự sống và cái chết, tôi hiểu ra dù có nhiều tiền đến mấy cũng không mua được sức khỏe.