Cha mất hồi tôi mới 4 tuổi. Sau này, má kể lại, đám tang cha, tôi lon ton leo cây ổi trước nhà, được ai đó ẵm vô quấn cho khăn tang ngang đầu, xong tôi ù chạy chơi tiếp. “Mùi vị” của cuộc đời có cha tôi chưa từng cảm nhận nhưng không cảm thấy mất mát, thiếu thốn bởi có vòng tay má đã ấm áp biết bao.
Cũng trên mạng xã hội, mới đây có đơn vị phát động cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc gia đình” nhân kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Nhìn những tấm ảnh cha con, mẹ con, anh chị em hoặc cả nhà của nhiều người tham gia, tôi bật cười trước muôn vẻ đáng yêu. Song, nụ cười nhanh chóng thành từng tràng nấc nghẹn. Tôi có rất nhiều khoảnh khắc như vậy trong kho ảnh nhưng nhiều tháng qua chưa một lần dũng cảm mở xem, kể từ ngày má tôi mất. Hình ảnh bà vướng víu trong giấc mơ hàng đêm đủ giày vò tôi trong nhớ thương. Cha mẹ là gia đình. Má tôi, nhiều năm tròn trịa thêm vai trò một người cha cho các con - là gia đình tôi.
Những đêm giật mình từ giấc mơ, tôi thường rảo bộ mấy con phố vắng tanh; muốn leo xe vượt nửa ngàn cây số về căn nhà có má sống năm xưa; muốn chạy nhanh đến nhà các anh chị, thả mình trên giường rồi nũng nịu “xin” bữa cơm y chang má nấu. Nhưng rồi những thời hạn báo cáo, kế hoạch, cuộc họp của ngày hôm sau phá tan mọi mong muốn.
Những đêm cạn kiệt đó, tôi thường sà vào chỗ nằm của mấy người vô gia cư trú bên hiên một ngôi nhà nào đó, hỏi “gia đình đâu, người thân đâu?”. Họ ngỡ ngàng, phân trần ai không có cội nguồn, gốc rễ nhưng… đói quá nên quên. Ngày nào cũng nhọc nhằn kiếm ăn, no bụng là hạnh phúc, riết tâm trí không hình ảnh một người thân thích. Bà Q. - một người vô gia cư, giờ đã thành bạn tôi - có câu nói cửa miệng: “Có gì lót dạ chút không? Nếu được 1 bữa ăn, chắc tôi ăn no luôn cho 3 ngày”. Bà không bao giờ ăn quá 1 tô bún nhưng lần nào bụng no cũng khóc òa, cảm ơn tôi tử tế.
Nước mắt cảm tạ lòng tử tế đó rơi miết trên hành trình sống của bà Q. từ năm bà 7 tuổi rời miền Trung theo một người quen vào Nam ở đợ; rồi chiến tranh qua, tháng năm qua, tuổi đời thêm đã quên mất đường về. Là lần ai đó giữa đêm “dựng” bà dậy, cho cái bánh bao; ai đó dìu bà từng bước qua đường khi con lộ đầy xe xuôi ngược; ai đó mời bà vào nhà để tạm tránh cơn mưa như trút nước, mặc lỉnh kỉnh bao ve chai nặc mùi dính chặt trên lưng bà…
Tâm hồn đơn côi toang hoác khoảng trống, là khát khao 1 lần đặt chân lên mảnh đất quê nhà hoặc gặp lại ai đó thân thích dẫu xa vời, vẫn ngày ngày được lấp đầy bằng ấm áp đến từ những con người không quen. Và những đối đãi đó nuôi sống bà qua tháng năm dằng dặc. Bà hạnh phúc. Càng mất mát, thiếu khuyết càng trân quý hạnh phúc.
Remi trong Không gia đình - cuốn sách gối đầu của biết bao thế hệ - cũng vững vàng nhờ ngọn đuốc luôn soi sáng tâm hồn: ông già Vitalis - người thầy của những bài học về niềm tin, ý chí, xây dựng những đức tính cao đẹp và lòng tự tin đối diện những khó khăn trên mọi nẻo sống.
Ngày Gia đình Việt Nam, tôi tự hỏi mái gia đình của những người không gia đình là gì. Nếu không có một mái ấm hữu hình của tình thân, ruột rà, huyết thống; của rường cột che chắn bởi mẹ cha thì những viên gạch đến từ hành xử, đối đãi nhân từ, tử tế, bao dung nơi những ông già Vitalis có lẽ cũng giúp họ dựng nên “mái gia đình” trừu tượng nào đó cho cõi riêng đời mình.
Tuyết Đan