Ngày gặp lại của những nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô

11/11/2024 - 16:42

PNO - Sáng 11/11, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức buổi họp mặt nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô năm 2024, nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024).

Đến buổi gặp mặt từ sớm, nhà giáo Trần Thị Vinh (sinh năm 1941) cho biết, bà đi B năm 1965 và được giao làm phóng viên Báo Quân giải phóng. Sau giải phóng, bà trở về với ngành giáo dục, làm Phó hiệu trưởng Trường Gia Long (hiện là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai). Gặp lại bạn bè, bà rất vui mừng nhưng nghẹn ngào vì tuổi trẻ đã qua đi, ai nấy sức tàn, lực kiệt. Mặc dù vậy, tình yêu cuộc sống và yêu đời, ước vọng về tương lai vẫn nguyên vẹn.

Những nhà giáo đi B, nhà giáo nội dô mừng gỡ ngày gặp lại nhau - Ảnh: Trang Thư

Những nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô mừng gỡ ngày gặp lại - Ảnh: Trang Thư

“Theo tôi, đã là nhà giáo thì thế hệ nào cũng yêu tổ quốc, yêu nghề và các thế hệ học trò, toàn tâm toàn ý đào tạo cho đất nước những người công dân có ích. Những nhà giáo ngày nay rất năng động, cầu tiến và ham học hỏi. Mong các bạn tiếp tục phấn đấu, kiên trì, phải làm cho thật tốt, cống hiến nhiều cho cộng đồng" - bà nhắn nhủ.

Bà Trần

Bà Trần Thị Vinh (ngồi giữa) chia sẻ những câu chuyện ngày xưa cùng bạn bè - Ảnh: Trang Thư

Nhà giáo nội đô Ngô Ngọc Dung kể: "Chúng tôi hoạt động trong lòng địch, ta và địch đan xen, việc sống, giảng dạy và truyền tải tinh thần yêu nước cho học sinh không phải điều dễ dàng. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì sinh hoạt đơn tuyến, bị mất liên lạc. Đặc biệt, có những oan khiên các nhà giáo trong nội đô phải gánh chịu. Nhưng dù thế nào, mọi người vẫn không nao núng tinh thần, vẫn hoàn thành nhiệm vụ” - bà Dung tâm sự.

Bà nhắn nhủ các thế hệ nhà giáo trẻ luôn phải đảm bảo 2 yếu tố "hồng và chuyên" trong công tác, tức vừa phải giỏi về chuyên môn, vừa phải vững về đạo đức để cống hiến hết mình cho đất nước, cho xã hội.

Nhà giáo Ngô Ngọc Dung tự hào kể về thời kỳ vừa dạy học, vừa chiến đấu - Ảnh: Trang Thư
Nhà giáo Ngô Ngọc Dung tự hào kể về thời kỳ vừa dạy học, vừa chiến đấu - Ảnh: Trang Thư

Có mặt tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết: “Hiện nay vẫn còn nhiều thầy cô tiếp tục tham gia các hoạt động gắn với công tác giáo dục, tham gia Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học... Tinh thần, ý chí, phẩm chất và sức cống hiến bền bỉ của thầy cô đã truyền cảm hứng cho thế hệ nhà giáo trẻ hôm nay có thêm sức mạnh, niềm tin để nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn trong công tác, làm tròn sứ mệnh “trồng người”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - gửi lời tri ân đến những bậc tiền bối - Ảnh: Trang Thư
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - gửi lời tri ân đến các bậc tiền bối - Ảnh: Trang Thư

Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM - tâm sự, hôm nay ngồi đây, lớp cao tuổi nhất là quý thầy cô đã bước qua tuổi 90, phần lớn là trên dưới 80, chỉ một số ít thầy cô trên dưới 70 tuổi, cũng là lớp người “xưa nay hiếm”. Những câu chuyện và hồi ức, kỷ vật của các thầy cô là những bài học sống động về lòng yêu nước, ý chí kiên cường và sự hy sinh cao cả, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ nối tiếp.

Phó Bí thư thường trực thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải gửi lời tri ân và trao hoa cho những nhà giáo
Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải gửi lời tri ân và trao hoa cho các nhà giáo - Ảnh: Trang Thư

“Chúng tôi - thế hệ sau, luôn biết ơn và trân trọng những gì các thầy cô đã làm cho đất nước. Những bài học quý giá về ý chí, nghị lực, sự tận tụy và lòng nhiệt huyết của các thầy cô đã và đang là động lực giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống và công tác. Chúng tôi luôn ghi nhớ và xin hứa sẽ làm hết mình để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung tay xây dựng TPHCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình” - ông Nguyễn Hồ Hải khẳng định.

Nhà giáo đi B là những giáo viên được huy động từ miền Bắc vào Nam chiến đấu và công tác. Trong giai đoạn từ năm 1961 đến 1973, đã có 10 chuyến đi B với hơn 2.700 thầy cô giáo rời bục giảng các trường phổ thông và đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam, được phân công về các chiến trường trọng yếu, từ miền Trung - Tây Nguyên đến Đông - Tây Nam bộ và đã trở thành những “nhà giáo cầm súng”. Còn “nhà giáo nội đô” là những thầy giáo, cô giáo hoạt động âm thầm trong các đô thị miền Nam, một lực lượng đã góp phần rất quan trọng vào việc truyền bá tư tưởng cách mạng, khích lệ lòng yêu nước và đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc ngay giữa lòng địch, một bộ phận tham gia phát triển nền giáo dục giải phóng ở các căn cứ lõm và vùng địch hậu.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI