Ngày đầu thi THPT quốc gia: Bộ đang chọn sự 'an toàn'?

23/06/2017 - 17:30

PNO - Kỳ vọng ban đầu cho đổi mới thi cử dường như lụi dần sau ngày thi đầu. Đổi mới không chỉ là sự thay đổi hình thức, sự đổi mới tư duy và chất lượng đề thi - thước đo quan trọng - lại khoác chiếc áo cũ…

LTS: Phụ huynh, học sinh mừng vì đề dễ và trúng tủ; giáo viên, dư luận, người nói đề dở, nhàm, kẻ bảo hay, nhân văn. Điều chúng ta cần, là chính những học sinh sắp trở thành cô tú cậu tú ấy, nghĩ gì, viết gì, bởi dù muốn hay không, một chút “thấu cảm” thật lòng của họ, là ánh xạ cho cái nhìn về tương lai, khi hiện tại, sự vô cảm đang lan tràn.

Lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu, như một sự truyền tâm từ mình sang người, chính là thước đo giá trị làm người. Nhưng, cánh diều chỉ no gió, khi mặt đất không luẩn quẩn, bịt bùng trong mớ bòng bong. Muốn đứa trẻ lớn, thì người lớn phải lớn trước đã.

Câu chuyện giáo dục, hay quy ước cũ càng cố hữu vẫn chưa bị đập bỏ, từ một đề văn ra thi ở xứ mình, mà ngó sang xứ khác, bỗng lần nữa, chạnh lòng thấu cảm cho… chính mình.

Ngay dau thi THPT quoc gia: Bo dang chon su 'an toan'?
Hôm qua, hơn 860.000 thí sinh hoàn thành ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia 2017 với hai môn thi Văn và Toán. Những kỳ vọng ban đầu cho cuộc đổi mới thi cử dường như đang lụi dần sau ngày thi đầu tiên.

Dù nhiều chuyên gia dự báo lần đầu thực hiện đổi mới thi, Bộ sẽ ra đề khá “dễ thở”. Thế nhưng, không ai ngờ đề có thể vừa dễ, vừa không hay và cũ như vậy. Dở và cũ, không tạo hứng thú cho người học là nhận định của rất nhiều giáo viên, thí sinh sau ngày thi đầu tiên. 

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) đánh giá, đề nghị luận xã hội mãi loanh quanh những vấn đề đã cũ, giờ chuyển sang… thấu cảm. Ở phần nghị luận văn học, đoạn thơ trong bài Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm) đã được chọn ra đề cách đây vài năm, vẫn yêu cầu cũ: cảm nhận, bình luận…

“Đọc đề văn năm nay, tôi cảm thấy không vui”, là cảm nhận của thầy Trương Minh Đức, giáo viên môn văn Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM).

Theo thầy Đức, câu Đọc hiểu: sự thấu cảm - quá dễ để một học sinh trung bình đạt điểm tối đa mà không cần tư duy. Câu 2, học sinh chỉ cần chép lại văn bản. Các câu hỏi còn lại, kể cả phần viết đoạn văn cũng chỉ mang tính một chiều, không có yếu tố kích thích tư duy cá thể. Câu 4 mặc dù cho học sinh thể hiện quan điểm cá nhân, nhưng thực chất ý kiến đã quá rõ ràng, một chiều.

Ngay dau thi THPT quoc gia: Bo dang chon su 'an toan'?
Thí sinh dự thi tại điểm thi THPT Nguyễn Hữu Huân

“Thiết nghĩ, nên đưa ra một vấn đề thời sự xã hội, một câu chuyện trái chiều để học sinh thể hiện quan điểm, để các em cọ xát với những vấn đề của thực tế, ít nhất là trong suy nghĩ”, thầy Đức chia sẻ. 

Phần nghị luận văn học thiếu tinh thần của tư duy mới. Dạng đề này đã sử dụng từ nhiều chục năm nay. Với đà này, dự báo trong tương lai, những quyết sách của đổi mới môn văn sẽ ít có ý nghĩa. Bởi giáo viên sẽ quay lại, tổ chức giảng dạy theo kiểu cũ… cho khỏe. Học sinh giỏi và yêu thích môn văn “thiếu đất để dụng võ”, ít đầu tư thời gian, tâm huyết nhiều vào môn này.

Một giáo viên dạy văn tại Q.3, TP.HCM thú thật: “Học trò mình trúng tủ nhưng chẳng thấy vui. Đề thi quá “an toàn”, chưa có tính phân hóa, chỉ phù hợp với thi tốt nghiệp hơn là kiêm nhiệm vụ tuyển sinh. 

Môn toán - lần đầu tiên thi bằng hình thức trắc nghiệm. Sự thay đổi dường như chỉ nằm ở hình thức. Học sinh mừng vì đề dễ, nhưng nhiều chuyên gia thì nhận định đề toán còn nhiều khuyết điểm. ThS Phạm Hồng Danh, Trưởng bộ môn Toán cơ bản Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, đề thi tương tự như đề thi minh họa lần 3 và dễ hơn đề minh họa lần 1, 2.

Học sinh sẽ rất phấn khởi khi ra khỏi phòng thi vì học lực trung bình có thể được 4-5 điểm, học sinh khá giành được 6-7 điểm, học sinh học giỏi sẽ đạt 8-9 điểm. Thêm nữa, độ khó giữa 24 mã đề vẫn chưa thật sự cân bằng nên sẽ không có sự công bằng tuyệt đối với thí sinh. Đề thi trắc nghiệm chỉ cần bấm máy là đạt được kết quả, nhưng có những câu hỏi học sinh không thể bấm máy mà phải đặt bút tính mới có kết quả. Đây cũng là khuyết điểm của đề thi.

Nhiều người nhận định, với kiểu ra đề đúng “cấu trúc” quy định, nhất là với môn văn vốn không thể đổi mới việc dạy và học, thậm chí còn khuyến khích… đoán đề, học tủ.  

TP.HCM: Năm nay số thí sinh vắng giảm

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm nay số thí sinh vắng giảm, kể cả thí sinh tự do. Buổi thi ngữ văn có 67.734 thí sinh dự thi trên tổng số 68.037 đăng ký. Môn toán có 70.589/71.022 thí sinh (vắng 433 thí sinh). Số thí sinh vắng năm nay giảm mạnh, chủ yếu là thí sinh tự do.

Ngày mai, 23/6, buổi sáng thí sinh thi tổ hợp khoa học tự nhiên, chiều thi môn ngoại ngữ. Vì thế, cần khối lượng đề thi khủng khiếp với hơn 500 thùng đề. Theo ông Đạt, từ 3 giờ sáng, các cán bộ vận chuyển đề đã tỏa ra các điểm thi để kịp thời gian.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI