Ngày đầu thi lớp Mười tại TPHCM: Đề văn thỏa sức sáng tạo

07/06/2023 - 06:03

PNO - Hôm qua 6/6, gần 96.000 thí sinh tại TPHCM đã hoàn thành ngày thi đầu tiên với 2 môn văn (buổi sáng) và ngoại ngữ (buổi chiều). Năm nay, đề văn tiếp tục gây bất ngờ bởi sự mới mẻ, mang tính giáo dục và “rộng đất” cho thí sinh sáng tạo.

Ngữ liệu mới lạ, chạm vào tâm tư bạn trẻ

Đề thi văn lớp Mười của TPHCM năm nay lại một lần nữa gây bất ngờ về tính nhân văn và sự tinh tế. Thạc sĩ Võ Minh Nghĩa - giáo viên văn Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) - nhận xét: về mặt cấu trúc, đề vừa sức và phù hợp với học sinh khối Chín, phù hợp với thời gian làm bài 120 phút và vẫn có sự phân hóa rõ rệt trong khả năng nhận định và đánh giá vấn đề của học sinh. Về mặt nội dung và giá trị giáo dục, đề thực sự rất tinh tế khi chạm đến một biểu hiện tâm lý dù nhỏ nhưng luôn hiện hữu trong đời sống tinh thần của mỗi con người, đó là “ngại nói ra những lời yêu thương”. 

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương (quận 5) dò lại kết quả sau khi kết thúc môn thi tiếng Anh - Ảnh: Tam Nguyên
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương (quận 5) dò lại kết quả sau khi kết thúc môn thi tiếng Anh - Ảnh: Tam Nguyên

Câu số 2 của đề rất ý nghĩa và sâu sắc. Đặc biệt, học sinh ở độ tuổi 15 nhiều cảm xúc nhưng lại rất ngại ngùng, đề thi đã chạm đến đặc điểm tâm lý của tuổi mới lớn này. Dù có bao yêu thương nhưng bấy lâu nay ngại nói ra thì trong 120 phút lần này, các em có sự trải nghiệm được tự mình thốt lên những điều ý vị đó. Bên cạnh đó, với câu 3, đề hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đổi mới việc dạy và học trong môn ngữ văn. Đó là không còn đất cho học tủ, học thuộc lòng như trước. Với 2 chủ đề là tình yêu nước của con người Việt Nam và tình cảm gia đình, các em cũng được dịp bày tỏ “những điều chưa dám nói” thông qua tác phẩm văn học mà mình tâm đắc. 

“Tuy nhiên, sự yêu cầu trong tư duy và khả năng ngôn ngữ ở cả 3 câu là rất cao. Do đó, đề cũng sẽ gây khó khăn cho các học sinh trong quá trình suy nghĩ và lập luận làm bài. Dù không gài bẫy hay đánh đố nhưng yêu cầu cao trong cách viết, cách xử lý cũng sẽ làm cho mức điểm trung bình năm nay, theo tôi, rơi vào khoảng từ 5,5 đến 6,8” - thầy Võ Minh Nghĩa dự đoán.

Còn thạc sĩ Phan Hoàng Tấn - Tổ phó tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10) - đánh giá câu nghị luận xã hội năm nay có sự khác biệt và là câu phân hóa học sinh. Từ một đoạn thơ và những trải nghiệm của bản thân, học sinh viết nghị luận xã hội với chủ đề “Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời…”.

Đề đòi hỏi học sinh phải đọc thật kỹ từ phần dẫn đến câu lệnh để đưa ra luận đề phù hợp. Với phần nghị luận văn học tiếp tục có độ mở khi cho phép thí sinh lựa chọn 1 trong 2 đề. Ở đề 1, chủ đề quen thuộc là “tình yêu nước của con người Việt Nam” rất gần gũi với học sinh. Các em có nhiều sự lựa chọn như bài thơ Đồng chí, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Mùa xuân nho nhỏ… để làm rõ chủ đề. Ở đề 2, đưa ra tình huống để các em giải quyết bằng sự hiểu biết về văn chương. Đây cũng là một dạng mới đòi hỏi các em phải tư duy trong việc xử lý đề, phân tích và cảm nhận tác phẩm, cũng như đưa ra được suy nghĩ độc lập thông qua tác phẩm đó.

Muốn học sinh “cất lời”, người chấm phải “lắng nghe”

Thạc sĩ Phan Thế Hoài - giáo viên văn Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) - bày tỏ sự tâm đắc với ngữ liệu phần đọc hiểu vì lá thư được viết từ “cô giáo của em” với nội dung đong đầy yêu thương khi bàn về tuổi trẻ giàu suy nghĩ về cuộc sống xung quanh và những người thân yêu. Ngữ liệu dẫn dắt người đọc từ nhật ký Đặng Thùy Trâm, qua đoạn thơ của Lưu Quang Vũ, đến một triết lý về cái tôi. Câu nghị luận xã hội là một đề rất mở được tích hợp từ ngữ liệu phần đọc hiểu và ý thơ của Lê Minh Quốc. Từ đó, học sinh tiếp tục được theo mạch của đề về “cất lời”. Học sinh khá giỏi có thể thỏa sức sáng tạo theo quan điểm bản thân, học sinh trung bình cũng làm được những yêu cầu cơ bản của đề. Với độ mở cao của câu này, học sinh đạt điểm khá, giỏi phải có cách viết sáng tạo, lập luận chặt chẽ, góc nhìn riêng.

Câu nghị luận văn học tiếp tục có độ mở cao và cũng hướng đến thúc giục học sinh cất lên những lời ca ngợi tình yêu đất nước. Độ mở cho phép các em có thể lấy cả tác phẩm ngoài sách giáo khoa để phân tích, chứng minh. “Như vậy, nhìn chung đề thi rất mở và rộng đất cho học sinh sáng tạo. Đề mở thì cách chấm tất nhiên cũng sẽ mở theo quan điểm của học sinh nhưng vẫn phải có những quy chuẩn. Giám khảo sẽ phải căn cứ vào hướng dẫn chấm của Sở GD-ĐT. Có thể có những vấn đề chuyên môn phát sinh thì 2 giám khảo cần thảo luận. Nếu cả 2 không tìm được tiếng nói thì có tổ chuyên môn” - thầy Phan Thế Hoài nói.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - giáo viên ngữ văn Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8) - cũng cho rằng đề có độ mở cao giúp học sinh có sự lựa chọn phù hợp để làm theo đúng yêu cầu. Như vậy, học sinh không bị làm khó song cũng không dễ lấy được điểm cao. Dự kiến mức điểm trung bình khá và khá sẽ nhiều, điểm giỏi ít. Bởi có những câu đòi hỏi học sinh phải tích lũy được vốn kiến thức trong quá trình học, phải tự nghiên cứu, tìm tòi đọc thêm sách báo. Với đề này, giáo viên chấm bài phải chờ hướng dẫn của sở để có thể định hướng cách chấm vừa đảm bảo chuẩn vừa tôn trọng những quan điểm riêng của học sinh. 

Nhiều thí sinh cười, nhưng cũng có thí sinh khóc

Thí sinh Đỗ Anh Kiệt - học sinh Trường THCS An Nhơn (quận Gò Vấp) - chia sẻ rất hài lòng sau ngày thi đầu tiên. Với môn văn, em chọn khổ thơ cuối trong bài Đồng chí để phân tích chủ đề “tình yêu nước của con người Việt Nam”. Theo em, đề thi năm nay giúp thí sinh thỏa sức sáng tạo, được tự do lựa chọn tác phẩm mình yêu thích. 

Tuy vậy, với đề văn cũng có một số học sinh bị nhầm lẫn vì không đọc kỹ đề. Em N.N. - học sinh Trường THCS Lam Sơn (quận 6) - đã bật khóc sau khi ra khỏi phòng thi vì phát hiện mình bỏ qua yêu cầu của câu nghị luận văn học là chọn bài thơ hoặc khổ thơ, cho nên em đã chọn tác phẩm văn xuôi là Làng của Kim Lân để phân tích cho chủ đề về “tình yêu nước”.

Đề tiếng Anh không khó, phân hóa đẹp

Đối với đề thi môn tiếng Anh, nhiều thí sinh cho biết khá dễ so với mặt bằng chung vì các em đã được ôn luyện rất kỹ ma trận đề này. Thầy Trần Hữu Thắng - giáo viên tiếng Anh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) - nhận xét đề thi năm nay rất hay, phân hóa đẹp. Đề dễ hơn năm ngoái một chút, nhưng tất cả các phần đều có 1 hoặc 2 câu phân hóa cho những học sinh khá, giỏi. Học sinh trung bình có thể làm được khoảng 50%, dễ dàng lấy điểm 5-6. Phổ điểm chủ yếu sẽ rơi vào điểm khá 7-7,5 điểm. Học sinh được 9-9,5 cũng không hiếm. Những em học giỏi, làm bài cẩn thận có thể chinh phục điểm 10.

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI