Ngày đầu năm, thầy cô giáo kỳ vọng nhiều đổi mới cho giáo dục

12/02/2021 - 08:13

PNO - Năm 2021 đã đến, nhiều người kỳ vọng đổi mới giáo dục, các tồn tại được giải quyết mang lại gam màu tươi sáng cho bức tranh giáo dục…

Thầy Trần Mạnh Tùng – Giáo viên trường THCS- THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): Trước đại dịch toàn cầu, cần có quy chế chính quy cho dạy học trực tuyến

Với tình hình thực tế như hiện nay, tình huống phải dạy học trực tuyến sẽ không còn hiếm hoi, tôi mong Bộ GD-ĐT sẽ  ban hành đầy đủ quy chế chuyên môn, quy chế kiểm tra, đánh giá… theo hình thức trực tuyến.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng rất cần Bộ xây dựng kho tư liệu, bài giảng trực tuyến và tài nguyên để giáo viên, phụ huynh và học sinh có thể sử dụng.

Thầy Trần Mạnh Tùng – Giáo viên trường THCS- THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)
Thầy Trần Mạnh Tùng – Giáo viên trường THCS- THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)

Bước sang năm thứ 2 thực hiện sách giáo khoa mới, tôi tin là, với sự nỗ lực của ngành giáo dục và sự đồng hành của toàn xã hội, những hạn chế, yếu kém sẽ dần được khắc phục. Giáo dục năm 2021 sẽ khởi sắc, là bước quan trọng để triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một trong những mong muốn của tôi là việc đào tạo, tập huấn giáo viên lớp 2, lớp 6 được làm bài bản, kĩ lưỡng và thực chất…

Muốn đạt được những kỳ vọng trên, tôi cho rằng tăng thu nhập tương xứng cho giáo viên là việc làm cần thiết và chính đáng.

Thầy giáo Đinh Văn Huấn- Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS  Mai Long, Nguyên Bình (Cao Bằng): Đề ra nhiều "yêu sách" cho học sinh vùng cao

Tôi hi vọng năm 2021 sẽ có thêm những chính sách đãi ngộ cho giáo viên công tác tại những vùng đặc biệt khó khăn.

Học sinh dân tộc thiểu số vùng cao có nhiều thiệt thòi nên tôi mong ngành giáo dục quan tâm hơn nữa đến việc chăm sóc đời sống tinh thần, tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu trong việc học.

Thầy giáo Đinh Văn Huấn- Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS  Mai Long, Nguyên Bình (Cao Bằng)
Thầy giáo Đinh Văn Huấn- Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mai Long, Nguyên Bình (Cao Bằng)

Hiện nay, việc áp dụng đổi mới các phương pháp dạy học còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có những phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh nhưng điều kiện chưa cho phép. Bởi vẫn còn nhiều điểm trường không có điện, không có đường, thiếu giáo viên....Tôi mong những tồn tại này sẽ được giải quyết sớm để học sinh vùng cao có thể thuận lợi hơn trong việc đến trường.

Ngoài ra, học sinh vùng dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn, chưa nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh. Rất nhiều em chỉ học xong THCS thì không được tiếp tục học lên THPT. Tình trạng bỏ học nhiều cũng gây khó khăn cho nâng cao chất lượng giáo dục.

Vì thế, chúng ta cần quan tâm đến việc tuyên truyền cho bố mẹ các em về tầm quan trọng của việc cho con em đến trường.

Ngoài ra, những học sinh vùng cao đến bậc THPT là phải đi học ở thị trấn. ở trọ khá tốn kém khiến phụ huynh không mặn mà việc cho con đi học cấp THPT). Vì vậy, cần có chính sách để hỗ trợ chỗ ăn ở cho các em nhà xa yên tâm học tập...

Cô giáo Cứ Thị Pàng Dinh – giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng (Mù Cang Chải, Yên Bái): Mong có chế độ đãi ngộ tốt hơn cho giáo viên 

Hiện nay nhiều điểm trường vùng cao còn thiếu thốn khá nhiều về trang thiết bị dạy học, nhất là cơ sở lẻ. Có những điểm trường "4 không": Không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch, không trạm y tế.

Ví như điểm trường Lùng Cúng – nơi này được người dân gọi là “ốc đảo”, muốn đến đây giáo viên phải đi trên con đường dài gần 30 cây số với những cung đường hiểm trở, bên thì vách cao, bên thì vực sâu, mặt đường thì sẻ 4, 5 rãnh, đoạn thì đá lởm chởm, mưa thì trơm như bôi mỡ....

Cô giáo Cứ Thị Pàng Dinh – giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng (Mù Cang Chải, Yên Bái)
Cô giáo Cứ Thị Pàng Dinh – giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng (Mù Cang Chải, Yên Bái)

Giáo viên dạy ở điểm trường xa xôi này thường chấp nhận sống xa gia đình, 1 tuần thậm chí 1 tháng mới về nhà một lần…Thế nhưng hiện nay mức lương với giáo viên cắm bản khá thấp nên có những giáo viên không mặn mà với việc gieo chữ vùng cao…

Trong khi đó, thu nhập hiện nay của nghề giáo được cho là khá thấp so với nhiều ngành nghề.

Tôi mong năm mới, ngành giáo dục sẽ có những chế độ đãi ngộ tốt hơn cho giáo viên yên tâm gieo chữ…

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI