“Chúng tôi tổ chức đám cưới đúng ngày kỷ niệm Quốc khánh lần thứ năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1950) ngay trong trạm giao liên trên núi Tản Viên. Ấm cúng, hạnh phúc lắm. Tôi với ông ấy đều là chiến sĩ giao liên. Yêu nhau gần một năm, được chi bộ đứng ra công nhận là vợ chồng. Đến nay đã 66 năm, mỗi khi kỷ niệm ngày quốc khánh của cả nước, vợ chồng tôi nhân tiện kỷ niệm ngày cưới của mình”, cụ bà Bùi Thị Tân, 91 tuổi, 67 tuổi Đảng (trú tại phố Tân thành, P. Tân Dân, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) xúc động kể.
Duyên trời se
Tháng 3/1950, trạm giao liên của Ty Bưu điện Sơn Tây được chuyển từ Bất Bạt sang Ba Vì. Cơ quan đang chuẩn bị làm nhà mới, các chiến sĩ hàng ngày vào rừng chặt nứa về để dựng lán. Cô gái Bùi Thị Tân năm đó 25 tuổi, vừa trốn khỏi nhà địa chủ ở quê, lên rừng theo cách mạng. Tổ lao động của cô tiếp nhận một thanh niên ốm yếu, gầy còm, khéo cân nặng chưa đến 40kg.
Anh tự giới thiệu với cô tổ trưởng: “Tôi là Đỗ Khắc Thạch, vừa mới trốn khỏi nhà giam của địch, được phân công về đây. Mong các anh chị nhiệt tình giúp đỡ”. Người trong tù trốn ra, không thể coi thường. Sau mấy ngày, vừa lao động, vừa tâm sự, cô Tân mới nắm rõ nhân thân người đội viên mới. Đỗ Khắc Thạch 22 tuổi, được cấp trên phân công phụ trách tuyến giao liên từ vùng địch tạm chiếm ra vùng tự do. Một đêm công tác từ xã Lạc Trị xuống xã Ngọc Tảo (Hà Nội), anh bị bắt. Sau khi tạm giam ở bốt Kim Lũ hai ngày, bọn chúng giải anh về Phòng nhì của Pháp ở Sơn Tây khai thác tin tức.
|
Hai cụ Thạch - Tân bên nhau năm mừng thọ 80 tuổi |
Thấy Thạch nhỏ bé, thư sinh, giặc giở đủ trò tra tấn dã man, nhưng không ngờ gặp phải anh chàng “bé hạt tiêu lì đòn". Không khai thác được gì, Pháp đưa anh lên làm lao công ở sân bay. Tại đó, nhân lúc địch sơ hở, anh tìm cách bỏ trốn vào rừng, tìm về cơ quan cũ. Vì đã bị lộ, nên anh được chuyển về cơ quan mới cùng cô Tân.
Bà Bảy Tân cười mơ màng nhớ lại: “Hồi ấy ông nhà tôi ốm nhớt ra. Vào rừng mà lóng nga lóng ngóng không biết làm gì. Tôi phải chặt nứa, bó sẵn cho mà vác về, còn ì ạch mãi chẳng vác nổi”. Ông Thạch vừa phe phẩy quạt cho vợ, vừa kể. “Tôi mới ở tù ra, người toàn xương. Bà ấy thương, ngày nào cũng qua thăm, lúc mang cho bát cháo, lúc viên thuốc. Nhờ vậy mà tôi mới nhanh hồi phục sức khỏe. Đến lần bà ấy tặng cho tôi chiếc khăn tay tự làm thì tôi biết bà đã thương mình”.
Cô Tân chủ động ngỏ lời yêu. Cô cũng “khai” thật là hơn anh tới ba tuổi, nhưng anh bảo chuyện tuổi tác không quan trọng, cốt thực lòng yêu thương nhau là được.
Ngày đáng nhớn
Đám cưới của họ được tổ chức đúng ngày Quốc khánh. Anh chị em trong cơ quan góp mỗi người 5 xu để mua bánh kẹo, thuốc lá. Họ chặt cây dựng một sân khấu nhỏ, giết thịt con lợn 30kg, vừa liên hoan mừng Quốc khánh, vừa mừng đám cưới của đôi trẻ Thạch - Tân. Cuộc vui đang dở, thì có lệnh phải sơ tán ngay trong đêm. Đôi vợ chồng trẻ chia tay nhau hai ngả, mất cả đêm tân hôn. Sáng 3/9, địch tổ chức trận càn lớn vào căn cứ. Máy bay ném bom, pháo bắn dồn dập, sau đó bộ binh tràn vào, toàn bộ lán trại của trạm giao liên bị phá sập. May mà cơ quan đã sơ tán kịp lên núi Ba Vì.
Ngay hôm sau, cơ quan được phân tán thành hai bộ phận để tránh địch truy lùng. Anh Thạch cùng một nửa cơ quan chuyển lên tỉnh Hòa Bình. Cô Tân cùng bộ phận khác vượt sông Đà sang vùng tự do Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Được sáu tháng, anh lại chuyển về Nho Quan - tỉnh Ninh Bình, chị chuyển vào Thanh Hóa. Lâu lâu, anh lại đi bộ từ Ninh Bình vào tận Nông Cống - Thanh Hóa, lấy thuốc cho cơ quan, nhân tiện ghé thăm vợ.
Mãi tới năm 1953, cô Tân được chuyển ra Ninh Bình. Hai vợ chồng mới có được một tuần trăng mật trọn vẹn. Cuối năm ấy, cô Tân vẫn giấu tài liệu trong người đi công tác, dù có bầu sắp tới ngày sinh. Hôm ấy, cô cùng tổ giao liên Trạm 4 đi công tác thì gặp máy bay địch ném bom, phải tránh vào hang đá ở Hòa Bình. Đúng lúc đạn bom nguy hiểm ấy, cô Tân đau bụng đẻ. Anh Hân trưởng trạm giao liên làm bà đỡ bất đắc dĩ, lúng túng một hồi rồi cũng mẹ tròn con vuông. Anh Thạch lúc đó đang đi học lớp chính trị ngoài chiến khu, không hề hay biết. Lúc trở về, thấy con gái đầu lòng o oe trong lòng vợ thì bật khóc.
|
Vợ chồng cụ Thạch - Tân bên con cháu ngày 2/9/2015 |
Sướng khổ cùng đất nước
Sau hòa bình 1954, hai vợ chồng chuyển về quê ông Thạch ở Bất Bạt - Sơn Tây (cũ) công tác. Họ sinh thêm hai trai, ba gái nữa. Những năm giữa thập niên 1960, gặp một hoàn cảnh đáng thương, họ nhận thêm người con nuôi nữa. Bảy người con được nuôi ăn học trưởng thành, nay có người đã về hưu, người còn tham gia công tác.
Mỗi năm, cứ dịp 2/9, con cháu tụ tập về nhà ông bà, vừa mừng lễ Quốc khánh, vừa kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ, ông bà. Hai cụ lại có dịp ôn lại những ngày tháng đáng nhớ, mà hạnh phúc gia đình gắn bó vui buồn cùng đất nước. Con trai thứ năm của hai cụ là nhà báo Đỗ Quốc Long chia sẻ: “Chuyện tình của ông bà không đơn giản là gắn bó với một ngày kỷ niệm đáng nhớ của cả nước, mà luôn nhắc nhở chúng tôi phải sống thủy chung, chia sẻ. Ông bà, cha mẹ là tấm gương sáng cho đại gia đình chúng tôi”.
Phương Qúy