Ròng rã ngồi chờ rồi cũng đến lượt mình, cô gái bước vào phòng khám, người đàn ông đi cùng theo sau trong sự ngỡ ngàng của bác sĩ. “Xin lỗi, bác sĩ cho tôi được giải thích. Tôi đã 38 tuổi rồi, rất mong con, chỉ muốn sau khi cưới sẽ có một đứa bé khỏe mạnh, trai gái gì cũng được. Nhờ bác sĩ khám thật kỹ cho vợ tương lai của tôi xem khả năng sinh sản có tốt không” - người đàn ông nói gọn. Bên ngoài hàng ghế chờ râm ran tiếng xì xào. Người cho là ông ta quá thực dụng, người bảo “đã yêu thì dù thế nào cũng phải chấp nhận chứ”; nhưng cũng có người khoát tay tỏ ý không nên phán xét chuyện người khác...
Không lo xa sẽ buồn gần
Đến với những mảnh đời bất hạnh đang cần xã hội trợ giúp, dễ nhận thấy không ít người từng rơi vào bi kịch không lối thoát ngay sau khi kết hôn chỉ vài năm. Bệnh tật bất ngờ ập đến khiến tiền bạc, sức khỏe cạn kiệt, gia đình tan vỡ. Nhiều người thậm chí còn phải gánh nỗi đau kép: bản thân bệnh tật hoặc con cái bệnh tật, nợ nần chồng chất, vợ/chồng bế tắc, tuyệt vọng, sa vào tệ nạn hoặc bỏ đi biệt tăm.
Thật ra, một phần những tai họa ấy không hẳn là bất ngờ mà có thể dự báo và ít nhiều can thiệp trước được qua việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tuy nhiên, không phải cặp đôi nào cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm tra này và vượt qua rào cản tâm lý để công khai tình trạng sức khỏe của mình với người bạn đời tương lai.
Người Việt Nam thường ngại đề cập đến những vấn đề được cho là xui xẻo, không vui, thiếu tình yêu và lòng tin vào nhau khi khởi đầu hành trình hạnh phúc. Nếu thật sự yêu thì phải tin nhau trọn vẹn, đến với nhau vô điều kiện, không toan tính. Thế nhưng, “không lo xa sẽ buồn gần”, nhiều người vợ/chồng mới cưới ngã bệnh, người còn lại bị động, lúng túng vì không có tiền tích lũy, cũng không được chuẩn bị tinh thần để ứng phó.
Chị Hoàng Yên (bán thịt gia cầm ở Q.7, TP.HCM) hoàn toàn không ngờ ở tuổi 33, chỉ bốn năm sau ngày cưới, chị phải làm trụ cột “bất đắc dĩ” cho gia đình. Những ngày chăm vợ sinh con thứ nhì chồng chị có biểu hiện đuối sức và ngất xỉu ngay lúc đưa chị xuất viện. Ban đầu, các bác sĩ chỉ cho là anh bị cao huyết áp, sau các xét nghiệm, anh bị xác định mắc suy thận mạn, có thể đã khởi phát từ nhiều năm trước.
Còn non ngày tháng nhưng chị buộc phải ra chợ buôn bán thay chồng, đứa con nhỏ đành dứt sữa sớm, gửi về nhà ngoại tận An Giang nhờ nuôi giúp. Cách ngày là chị phải đưa chồng đi chạy thận nhân tạo; cách tuần thì chị về quê thăm con. Đứa con lớn cũng chỉ mới ba tuổi, chị lo đưa đón ở trường mầm non, lo buôn bán, lo chuyện nhà cửa cũng đã… hết hơi. Thuê người giúp việc không phải dễ, lại quá tốn kém, chị không kham nổi. Nặng gánh là thế, chị còn phải luôn động viên, an ủi chồng vì căn bệnh quái ác khiến anh suy sụp tinh thần, tuyệt vọng.
|
Tư vấn tiền hôn nhân tại BV Từ Dũ (ảnh: Phùng Huy - chụp sáng 25/12) |
Giờ thì hễ nghe ai hỏi chuyện gia đình là chị rớt nước mắt than: “Khổ lắm! Vừa chồng, vừa con, đường dài thăm thẳm, không biết tôi có chịu nổi không”. Nhớ lại, trước khi kết hôn chị từng gợi ý vợ chồng cùng đi khám sức khỏe xem thế nào nhưng anh gạt ngang vì tự tin sức mình “trâu vật không chết”, kiểm tra làm gì cho tốn tiền, thời còn làm công nhân anh cũng đã được công ty cho khám tổng quát rồi, dù cái thời đó, tính đến lúc họ định kết hôn đã… tám năm. Chị cho rằng, nếu biết trước bệnh của anh thì vợ chồng sẽ lên kế hoạch điều trị sớm, hiệu quả và đỡ tốn kém; vợ chồng có thể tạm thời chưa sinh con hoặc chỉ sinh một đứa…
Hoàng Hương (thu ngân một nhà hàng ở Q.3, TP.HCM) quen và phát sinh tình cảm với một sinh viên năm cuối trong… bệnh viện tâm thần, khi cả hai cùng nuôi người thân. Nhà anh này có tám anh chị em thì đã ba người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Về phía Hương, chị ruột của cô đang là công nhân, đã phát bệnh vì bị người yêu bỏ theo cô gái khác.
Có hai người chị ruột cùng mắc bệnh tâm thần, nằm cạnh giường nhau, Hương và anh sinh viên thường tâm sự, hỗ trợ nhau. Hương từng nghĩ đến việc về chung nhà với “người đồng cảnh”, nhưng tìm hiểu trên internet và qua tư vấn trực tiếp của bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh, Hương nhận ra hai người không nên tiến xa, vì do anh chị em ruột đã mắc bệnh tâm thần nên anh ta là người cũng có nguy cơ cao với chứng bệnh này.
Hơn nữa, cuộc sống thuê trọ đắt đỏ ở thành phố, cộng với nghĩa vụ chăm sóc các anh chị mắc bệnh là một sức ép lớn đối với hai người trẻ chưa có thu nhập ổn định. Lo nhất là bệnh còn có thể di truyền sang con. Vì thế, Hương đã tỉnh táo dừng ở tình bạn.
Cù cưa chuyện tự ý thức
Khi chúng tôi tìm hiểu vấn đề với chính những cô dâu chú rể tương lai đang dắt nhau khám sức khỏe thì nhiều bạn cũng không thực sự thấu hiểu tầm quan trọng của việc này. Đa số họ đi khám chỉ để bổ túc hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài, vì là thủ tục… bắt buộc!
Một số cô khác thì “lùa” bạn trai đi khám chỉ vì “thấy anh ăn chơi quá, sợ vướng ma túy, nhiễm HIV” và chỉ yêu cầu kiểm tra những “hạng mục” nghi vấn đó thôi. Với bản thân, các cô tự tin là… không cần khám, hoặc trường hợp thấy đối tượng có vẻ “lành” thì cũng tự cấp… giấy thông hành. Đã đến lúc cần nhìn nhận việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không phải là chuyện riêng của mỗi cặp đôi mà là chuyện của xã hội, của nòi giống.
Theo bác sĩ Hồ Hoàng Tuấn (trưởng đoàn bác sĩ Tâm Việt thuộc Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM). Các cặp chuẩn bị kết hôn phải kiểm tra sức khỏe hiện tại, các nguy cơ tiềm năng, các bệnh lây qua đường tình dục và cả các bệnh lý di truyền ảnh hưởng đến thế hệ tương lai.
Từ kết quả thăm khám, nếu phát hiện có bệnh, cả hai sẽ có thời gian điều trị dứt điểm trước khi kết hôn để yên tâm về gia đình tương lai của mình. Mặt khác, việc này còn giúp các cặp đôi hiểu rõ về sức khỏe của mình để chuẩn bị chu đáo trước khi bước vào hôn nhân; hiểu được quá trình thụ thai, sinh con và có kế hoạch sinh con phù hợp.
Không ít trường hợp chỉ vì thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản mà tình cảm vợ chồng rạn nứt, suy giảm kinh tế, sức khỏe, tâm lý… đe dọa hạnh phúc gia đình. Phần lớn những rắc rối đó đều có thể dự phòng nếu hai người trẻ được tư vấn chu đáo về sức khỏe tiền hôn nhân. Những bệnh tật ở người cha, người mẹ tương lai có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi cần phải được phát hiện và điều trị sớm; thậm chí nếu không thể khắc phục thì phải tính đến việc không sinh con.
Do thiếu hiểu biết về kiến thức, nhiều cặp vợ chồng đã sinh con bị dị tật, chết ngay khi chào đời. Lại có những đứa trẻ ra đời bị sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tứ chi, dị tật bộ phận sinh dục… dù sống được thì cũng khổ bản thân, khổ cho gia đình và xã hội.
Hạnh phúc phải đồng hành với tình yêu và sức khỏe nên việc khám sức khỏe tổng quát và khám hệ sinh sản cho cả hai người, kể cả việc tư vấn những vấn đề nhạy cảm khó nói khi sắp bước vào ngưỡng cửa hôn nhân nhưng vô cùng cần thiết. Lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân có lẽ không cần bàn cãi thêm, vấn đề là hiện thực hóa nó như thế nào.
Bắt buộc hay chỉ vận động, khuyến khích? Khám ở những bệnh viện nào? Khám những chuyên khoa nào? Chi phí khám tự túc hay được hỗ trợ?... Với tình trạng ý thức chung về vấn đề này chưa cao, nếu không có quy định bắt buộc, e rằng nhiều bạn trẻ không dễ bỏ ra bạc triệu để đi khám, dù số tiền đó chỉ bằng một góc chi phí thự c hiệ n album ảnh cưới, tiền vé đi hưởng tuần trăng mật, hoặ c một phần nhỏ của tiền mua bia rượu trong lễ thành hôn!
Sức khỏe của vợ chồng ảnh hưởng trực tiếp đến nhau và đến cả con cái, gia đình hai bên, nhưng nhu cầu biết được sức khỏe của nhau lại còn vướng về pháp lý. Luật sư Phạm Lĩnh Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: “Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về quyền nhân thân, là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác (điều 25).
Ở trường hợp khám sức khỏe tiền hôn nhân, nếu bản thân người đó không muốn đi khám thì vợ/ chồng tương lai cũng không thể ép buộc. Nếu có khám thì kết quả cũng chỉ có bác sĩ và người đó được biết. Hồ sơ khám bệnh được bảo mật, trừ trường hợp bản thân tự nguyện công khai cho vợ/chồng tương lai biết.
Tô Diệu Hiền