Ngày cuối năm với hậu phương người lính

31/12/2014 - 12:15

PNO - PN - Đất nước đã hết chiến tranh, nhưng cuộc đời những người vợ lính vẫn nhiều nhọc nhằn, vất vả. Khi biển Đông “dậy sóng”, những phụ nữ ấy hồi hộp chờ đợi từng tin chồng và đồng đội đang vững tay súng bảo vệ...

edf40wrjww2tblPage:Content

“BA ĐI BẢO VỆ BIỂN ĐẢO RỒI!”

Tiếp chúng tôi với gương mặt bơ phờ vì hàng tá công việc trong ngày, chị Trần Thị Châm (38/13A Đường số 2, KP3, P.Cát Lái, Q.2, TP.HCM) vẫn nở nụ cười hạnh phúc khi nghe tôi nhắc về chồng chị. Chị Châm và anh Vũ Huy Thưởng cùng quê Thái Bình. Lúc mới yêu nhau, anh đã ước mơ sau này trở thành bộ đội. Năm 2006, ngay sau khi cưới, anh Thưởng nhận công tác ở Lữ đoàn 125 Hải quân.

Chị Châm kể: “Lúc đó mọi người cứ lo, lấy lính biển phải ở nhà một mình mãi, tôi cũng có phần ái ngại, nhưng nghĩ kỹ thì quan trọng là anh hoàn thành tốt công việc”. Đến năm 2008, khi con trai tròn một tuổi, một hôm đi làm về, anh ngập ngừng nói với chị, anh nhận được nhiệm vụ làm nhân viên báo vụ, theo đoàn vận tải từ đất liền ra Trường Sa, mỗi tháng chỉ về nhà một - hai ngày. “Nghe ảnh nói xong tui vừa mừng, vừa lo. Bấy lâu nay hai vợ chồng luôn có nhau, giờ tui chưa biết phải làm sao để tự xoay xở mọi chuyện. Dù vậy, phải tự nhủ lòng cố gắng nhiều hơn để anh yên tâm công tác”, chị Châm chân tình kể.

Không may mắn như những đứa trẻ khác, từ lúc sinh ra đến năm bốn tuổi, con của anh chị nằm viện nhiều hơn ở nhà. Vò võ một mình chăm con, không ít lần chị Châm tủi thân ứa nước mắt, nhưng mỗi khi chồng hoặc ông bà ngoài quê điện thoại vào hỏi thăm, chị đều trấn an: “Hai mẹ con trong này vẫn ổn”. Để cuộc sống của mình “ổn” hơn, chị Châm đăng ký tham gia sinh hoạt ở Hội LHPN KP.3, P.Cát Lái, Q.2. Chị nói: “Mấy năm qua, nhờ tham gia phong trào, tôi thấy mình có thêm sức mạnh, vững tin hơn vào cuộc sống. Sức khỏe thằng bé đầu đã tạm ổn. Giờ hễ ai hỏi ba đâu, con nói gọn "Ba đi bảo vệ biển, đảo rồi”.

Ngay cuoi nam voi hau phuong nguoi linh

Chị Châm đang "học bài" cùng con trai

TÌNH YÊU SẼ VƯỢT QUA TẤT CẢ

Chị Nguyễn Thị Quyến Hương, cán bộ chuyên trách của Hội LHPN Q.3 cũng là hậu phương của lính biển Trường Sa. Đến nay gần tròn một năm anh Nguyễn Quyết Thắng, chồng chị Hương phục vụ tại đảo Trường Sa Lớn. Kể với tôi về tình yêu của hai người, chị nói: “Tôi không nghĩ mình sẽ lấy chồng là bộ đội; phải chịu cảnh “chờ chồng” nên “sợ” lắm. Lần gặp anh vào dịp lên Quân đoàn 4 thăm tân binh địa phương, tôi đã bị “hút hồn" bởi vẻ ngoài chín chắn, tinh thần trách nhiệm với công việc của anh. Rồi tôi cảm mến lúc nào không hay”.

Sáu năm sau ngày kết hôn, anh Thắng trải qua nhiều lần luân chuyển công tác; tháng ngày vợ chồng bên nhau thật ít ỏi, nhưng vì hiểu đó là công việc, là nhiệm vụ của chồng nên chị càng thương anh hơn. Lo lắng vì anh ở nơi đầu sóng ngọn gió, điều kiện sống thiếu thốn, thương anh phải chịu cảnh nhớ nhà, nhớ con… chị luôn nhắc nhở bản thân phải thật mạnh mẽ để thay anh làm tròn trọng trách của người cha với cô con gái Nguyễn Hoàng Nguyên Ngọc (năm tuổi).

Chị Hương kể: “Mỗi khi nghe con gái tíu tít chuyện trò với ba qua điện thoại, tôi thấy con thiệt thòi quá. Dường như hiểu được nỗi trăn trở của vợ, anh rất siêng gọi điện về nhà hàn huyên với vợ con; hỏi thăm chuyện nhà cửa, công việc của vợ. Ngược lại, tôi cũng tranh thủ cập nhật tình hình ngoài đó, nắm thêm thông tin để phổ biến lại chị em trong Hội”.

Chị Hương cho rằng mình may mắn hơn nhiều phụ nữ khác vì có cha mẹ, gia đình kề bên. Chị nói: “Một số chị có chồng bộ đội, một mình nuôi con mới là một thử thách lớn”. Trong khi đó, chị Châm thì tự tin: “Dù khó khăn mấy, mình cũng vượt qua, bởi tình yêu thương chồng con. Tôi cảm thấy ấm lòng khi có nhiều đoàn thể, đặc biệt là Hội Phụ nữ thường xuyên quan tâm chia sẻ với chúng tôi. Đôi khi đó chỉ là một lời động viên, nhắc nhở nhau cùng cố gắng nuôi dạy con ngoan, chăm tốt việc nhà, nhưng cũng giúp tôi tự tin hơn trong quãng dài chờ đợi”.

 VIỆT PHƯƠNG - HOA LÀI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI