Thân nhân người bệnh trải chiếu chờ đợi |
Tết nghèo cũng được, chỉ mong người thân sum vầy
Ngày cuối năm, ở khu chờ thân nhân Bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng 50 người đang trải chiếu nghỉ ngơi. Người nằm, người ngồi trò chuyện, người tranh thủ chợp mắt... để chờ bệnh viện thông báo người nhà của họ khi nào được xuất viện về quê ăn tết. Chờ đợi, ai cũng ủ rũ, thẫn thờ. Dường như với họ, thời gian nơi đây trôi thật chậm.
Không khí đang trầm buồn thì tiếng thông báo của cô điều dưỡng như đem xuân về cho gia đình bệnh nhân N.H.D.: "Mời gia đình chị D. vào làm thủ tục để chiều người nhà xuất viện".
Vui mừng, chồng chị D. ngồi bật dậy, vội gật đầu chào mọi người xung quanh và những "chiến hữu" cùng chăm sóc người nhà ở Bệnh viện Chợ Rẫy, rồi rảo bước đi theo sau cô điều dưỡng.
Nhìn dáng đi của anh, cô Nguyễn Thị Bảy (54 tuổi, quê Đồng Tháp) kể, chồng chị D. thật thà, những ngày chăm vợ mổ bướu cổ, lúc nào anh cũng gọi điện thoại về quê dặn dò các con chăm ngoan, như vậy mẹ mới mau hết bệnh, sớm về quê ăn tết.
Nói về hoàn cảnh của mình, người phụ nữ trung niên đỏ hoe mắt.
Cô Bảy đang chăm sóc em trai chạy thận ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Cô cho biết, em trai cô không có vợ con, sống một mình ở quê. Sau khi sốt cao, ông bị phù hai chân. Lo lắng, người nhà đưa ông đến bệnh viện tỉnh và được chẩn đoán suy thận mạn nên chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy làm phẫu thuật tạo mạch máu để chạy thận.
Cô Bảy buồn bã: “Tôi và con trai vừa đưa nó lên sáng nay, nhưng phải chờ hơn 6 tiếng mới được nhập viện. Bệnh nhân đông quá, bác sĩ mệt mà tôi cũng mệt. Em tôi đã mệt không đi được còn phải đứng chờ lâu, tội nghiệp lắm”.
Cô Bảy cho biết, lẽ ra giờ này cô đang ở nhà sắp đồ tết, đón tết vui vẻ với em trai và chồng con. Ai ngờ bệnh tật đến bất ngờ với em trai, cô đành gác lại mọi việc để lo cho em. Vì bệnh viện chỉ cho phép một người nhà vào chăm sóc bệnh nhân, nên cô Bảy và con trai thay phiên nhau vào. Được những người tới trước chỉ dẫn, cô mua một mảnh chiếu và trải dưới gốc cây ngồi nghỉ.
|
Người nhà bệnh nhân tranh thủ ngủ lấy sức để thay ca chăm sóc người thân |
"Ngồi ở đây từ sáng đến giờ, buồn nhiều mà cũng lo nhiều. Không gọi về nhà thì chỉ ngồi nhìn người qua lại. Bệnh viện có tổ chức đường hoa xuân đẹp lắm, nhưng không dám đi đâu vì lỡ bác sĩ gọi người nhà lại không có. Không biết làm gì nên tôi tìm người xung quanh trò chuyện, hỏi han nhau cho đỡ buồn”, cô Bảy rầu rĩ.
Bệnh suy thận mạn của em trai cô Bảy ở giai đoạn cuối nên bắt buộc phải chạy thận gấp. Vì thời gian phẫu thuật và sử dụng được đường mạch máu vĩnh viễn mất rất nhiều thời gian nên bác sĩ phải phẫu thuật tạo đường mạch máu nhân tạo để chạy thận tạm thời.
Sau khi bệnh nhân được chạy thận và sức khỏe ổn định, lúc này bác sĩ sẽ phẫu thuật tạo đường mạch máu vĩnh viễn. Sau khi phẫu thuật tạo đường mạch máu, em trai cô Bảy phải đến bệnh viện một tuần 3 lần để chạy thận.
Phải ở lại bệnh viện nhiều ngày để chăm sóc em trai sau khi phẫu thuật, cô Bảy than thở: “Tết sắp tới rồi mà em tôi bị vậy, cả nhà vui không nổi. Tôi chỉ mong em trai được xuất viện sớm để về quê đón tết. Bị bệnh đã buồn rồi, không được đón tết nữa lại buồn thêm”.
Ở đây có không ít trường hợp giống như cô Bảy, cũng thấp thỏm lo lắng, đợi chờ. Và để đỡ lo, đỡ buồn, họ làm quen với nhau, chia sẻ với nhau những câu chuyện của mình. Có lẽ chỉ như vậy họ mới bớt cô đơn và cảm thấy ấm áp hơn nơi xứ lạ quê người.
Mong muốn của cô Bảy cũng là mong muốn chung của tất cả những người đang mòn mỏi đợi chờ ở đây. Ai cũng chỉ mong người thân mình mau chóng khỏe, được xuất viện về quê ăn tết.
|
Ai cũng mệt mỏi và âu lo |
Chỉ mong người thân khỏe mạnh đón tết
Chị Kim Phỉ, 26 tuổi quê ở Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp đang ngồi chờ ba làm phẫu thuật.
Cách đây 1 tháng, ba chị bị méo miệng sang bên trái. Khám ở bệnh viện gần nhà, bác sĩ chẩn đoán có khối u ở não và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy kết luận ba chị Phỉ bị u não trán trái, phải nhập viện phẫu thuật.
Trong quá trình chờ đợi để điều trị cho ba, chị Phỉ phải xin nghỉ việc gần 1 tháng. Chị tâm sự: “Bệnh của ba phải điều trị thời gian dài, trong khi mẹ cũng lớn tuổi, nếu để mẹ chăm sóc ba thì bản thân cảm thấy có lỗi, nên tôi xin nghỉ làm. Sau tết xin việc lại cũng được, dù gì gia đình vẫn quan trọng nhất”.
Cầm chiếc điện thoại trên tay, chị Phỉ vừa trò chuyện mà mắt không ngừng nhìn vào điện thoại. Chị đang chờ cuộc gọi từ phòng phẫu thuật. Dù được biết khối u của ba lành tính nhưng chị vẫn không thôi lo lắng.
Chị cho biết, ba mẹ chị là nông dân, thu nhập chủ yếu từ rẫy trồng đậu bắp chỉ đủ chi tiêu trong gia đình chứ chẳng dư bao nhiêu. Chị Phỉ làm công nhân ở Bình Dương, có dư chút đỉnh nhờ tăng ca. Gần một tháng ba chị nhập viện điều trị, gia đình đã phải chi hơn 30 triệu đồng. Đây là số tiền lớn đối với gia đình chị.
“Tết này không ăn lớn được đâu. Tôi giờ không thấy không khí tết gì cả. Đi ngoài đường thấy người ta bày hoa, đồ tết bán nhộn nhịp nhưng tôi không vui nổi”, chị Phỉ thoáng buồn.
|
Có nhiều người đã ở đây gần 1 tháng |
Nếu ở trong hoàn cảnh của chị Phỉ thì sẽ chẳng ai có thể vui vẻ được. Nhưng so với cô Bảy, chị Phỉ ít ra có thể về quê sớm để đón tết vì ba chị sau khi phẫu thuật 1 tuần là đã có thể xuất viện.
Theo chị Phỉ, dù chưa biết sau khi xuất viện ba chị có được về nhà luôn hay phải tiếp tục theo dõi tại bệnh viện gần nhà, nhưng mẹ con chị vẫn rất phấn khởi vì tết mà được về quê là vui rồi.
“Tết nghèo cũng được, không mua đồ tết cũng được. Chỉ cần người thân khỏe mạnh đón tết cùng mình thôi. Bây giờ tôi mới cảm thấy sức khỏe quan trọng đến dường nào”, chị Phỉ tâm sự, ánh mắt chị đã vui hơn phần nào.
Ngoài cô Bảy, chị Phỉ, những người đang mòn mỏi chờ đợi ở đây đều mang những nỗi lo, những nỗi buồn, ngày tết đang cận kề nhưng với họ lúc này sao thật xa xôi, mơ hồ.
Những hình ảnh người nhà bệnh nhân chờ đợi, cầu nguyện mong phép mầu sẽ đến với người thân, để sớm được về quê:
|
Họ vẫn kiên nhẫn chờ người thân được xuất viện để về ăn tết |
|
Cùng cảnh đợi chờ khiến những người ở đây từ không quen trở nên thân thiết |
|
Để chăm sóc người thân nằm viện, nhiều người phải đem theo cả con cái |
|
Những người đang chờ đợi ở đây chỉ mong người thân mình nhanh khỏe và được xuất viện về nhà |
|
Không khí ngày cuối năm hối hả, nhưng với thân nhân bệnh nhân, thời gian như chậm trôi. |
|
Một bệnh nhân may mắn được xuất viện về nhà ăn tết |
Đinh Tiên