Ngày cuối năm, bác sĩ tặng món quà đặc biệt cho các bé có người thân mất vì COVID-19

31/12/2021 - 15:28

PNO - Sáng 31/12, các bác sĩ ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã dành tặng món quà đặc biệt cho 10 cháu bé có người thân mất vì COVID-19.

Dịch COVID-19 vừa qua đã để lại nhiều mất mát, đau thương cho người dân TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Không ít gia đình đã mất đi người thương yêu nhất của mình, trong đó, các cháu nhỏ có lẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn hết khi chỉ trong thời gian ngắn, các con trở thành trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.

Trước sự khó khăn, thiệt thòi của các bé đột ngột mất đi người cha, người mẹ, ông bà của mình, các bác sĩ tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh quyết định chăm lo, hỗ trợ cho 10 trẻ mồ côi bố, mẹ hoặc người nuôi dưỡng trực tiếp do COVID-19 ở TP. Thủ Đức.

Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh tặng quà cho các bé
Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh tặng quà cho các bé

Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, ngoài hỗ trợ chi phí chăm sóc các bé trong 5 năm, sự bảo trợ còn thể hiện ở nhiều mặt. 

Bác sĩ Khanh chia sẻ: “Nếu người thân, người nuôi dưỡng các em đau ốm, chúng tôi cũng có chế độ chăm sóc khám chữa bệnh, hoặc nhà cửa mưa dột hay thiếu thốn… chúng tôi sẽ kêu gọi để sửa sang. Ngoài ra, các con thiếu máy tính học chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ”.

Hôm nay, bé N.KV. (5 tuổi, ở P. Bình Trưng Tây, TP. Thủ Đức) cùng dì ruột Nguyễn Thị Kiều (38 tuổi) ngồi trong hội trường Bệnh viện Lê Văn Thịnh tham dự chương trình hỗ trợ. Bé V. mong chờ sẽ nhận được món quà bất ngờ, đó là món đồ chơi bé V. sẽ mang về trong năm mới, các bác sĩ thay cho người mẹ đã mất vì COVID-19 trao tặng cho em.

Ở đây có những bé còn nhỏ chưa biết gì, nhưng cũng có bé sớm biết về thiệt thòi của mình
Ở đây có những bé còn nhỏ chưa biết gì, nhưng cũng có bé sớm biết về thiệt thòi của mình

Nhìn bé V. hồn nhiên cười tươi khi nhận quà, chị Kiều xót xa cho đứa cháu nhỏ sớm mất đi tình thương của mẹ. Chị Kiều cho biết, ngày 3/8, cả gia đình chị gồm 6 người đều bị dương tính với SARS-CoV-2. Mọi người được đưa vào bệnh viện dã chiến điều trị. Bé V. cũng mắc bệnh nhưng nhẹ nên sớm khỏi bệnh, xuất viện, còn mẹ của bé không may chuyển nặng, 10 ngày sau chị mất tại bệnh viện. 

“Từ khi cháu tôi được sinh ra đã không có cha. Bây giờ tôi mang cháu về nuôi, nương tựa vào nhau. Bé V. khóc đòi mẹ hoài, tôi phải nói mẹ của bé đi làm xa lắm, chưa về. Cháu tôi không biết, cũng không hiểu mẹ đi đâu. Mong rằng không biết, cháu sẽ bớt đau lòng”, chị Kiều nói.

Hiện tại, bé V. đã được chị Kiều đón về nhà, trong vòng tay yêu thương của dì và bà ngoại.

Mới 13 tuổi, bé N.D.N.N. ở Bình Trưng Đông trở thành trẻ bơ vơ khi cha mất trong đại dịch, mẹ bỏ nhà đi. Do mắc chứng tự kỷ nên N. chưa biết tự sinh hoạt, tự phục vụ. Bà nội già yếu lo lắng lỡ như trái gió trở trời, N. sẽ lần nữa không biết nương tựa vào đâu. Thời gian qua, các bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã đến tận nhà thăm khám, tặng quà cho 2 bà cháu. Sắp tới đây, bác sĩ cũng sẽ cùng tham gia hỗ trợ tâm lý cho N.

Các bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh nhận bảo trợ cho 10 bé trong vòng 5 năm với hiện kim hàng tháng cùng việc chăm lo sức khỏe cho các bé và người thân
Các bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh nhận bảo trợ cho 10 bé trong vòng 5 năm với hiện kim hàng tháng cùng việc chăm lo sức khỏe cho các bé và người thân

Trước những hoàn cảnh như bé V., bé N... Bệnh viện Lê Văn Thịnh cùng các Mạnh Thường Quân đã nhận bảo trợ cho các em trong vòng 5 năm tới đây. Gói bảo trợ bao gồm chi phí chăm sóc gửi trực tiếp cho gia đình theo hàng tháng. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng sẽ thăm khám khi các bé gặp vấn đề về sức khỏe.

Chị Kiều vui mừng: “Tôi đã quyết định không lấy chồng, dành thời gian nuôi dạy cho bé V., tôi sẽ xem bé như con ruột của mình. Nỗi lo lớn nhất là vấn đề kinh tế khi chăm sóc một đứa trẻ, tuy nhiên những hỗ trợ của bệnh viện, Mạnh Thường Quân và các tổ chức xã hội đã giúp tôi phần nào vơi đi nỗi lo này”.

Bác sĩ Lê Uyên Diễm, đại diện Mạnh Thường Quân cho biết, trong 4 tháng chống dịch COVID-19, chị chứng kiến quá nhiều mất mát đau thương. Đặc biệt, với những đứa trẻ đột ngột mất đi cha, mẹ, người nuôi dưỡng sẽ không có gì có thể bù đắp trọn vẹn.

“Trong một lần vào xóm trọ nghèo tiêm vắc xin cho người dân, tôi gặp 3 đứa trẻ mồ côi cha, sống cùng mẹ ở căn phòng 6 mét vuông, cuộc sống rất cực nhọc. May mắn, khi tôi vận động gia đình, bè bạn cùng tham gia bảo trợ cho trẻ mồ côi thông qua Bệnh viện Lê Văn Thịnh tất cả mọi người đều sẵn lòng. Tôi chỉ mong san sẻ được phần nào cho các con yên tâm học hành”, chị Diễm chia sẻ.

Toàn TP. Thủ Đức có 166 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ sau dịch COVID-19. Chính quyền, các tổ chức xã hội, các Mạnh Thường Quân với trách nhiệm và tình thương đã có những chia sẻ bằng tinh thần, vật chất đến các em. Dù không thể bù đắp cho những mất mát vì vắng cha mẹ trên đường đời, nhưng các em sẽ không đơn độc một mình.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI