Với “dân ngoại đạo”, ông Hòa cũng được biết tiếng với danh xưng “ông tàu ngầm”. Còn với những kỹ sư chế tạo máy, với những ai hoạt động trong ngành in ấn, ông Hòa là “vua chế tạo”.
Người làm “cách mạng” ngành công nghiệp in ấn
Trong nhà xưởng nằm ven TP.Thái Bình, kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa sải những bước dài vội vã. Gần như cùng một thời gian, ông và anh em phải hoàn thành hai cỗ máy theo đúng kế hoạch: hoàn thiện và chạy thử máy in liên hoàn model 2018 và hoàn thành máy in ghim tự động.
Kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa chế tạo tàu ngầm để hiện thực hóa ước mơ của bố.
|
Hơn 20 năm trước, ông Hòa từng là người Việt đầu tiên thiết kế, chế tạo thành công máy in cuốn dùng cho ngành in ấn, sản xuất bao bì, giấy vở. Mỗi khi nghe nhắc đến những thành công đó, ông Hòa lại tủm tỉm khiến đám râu như chổi xể của ông trông càng ngộ nghĩnh: “Nó đã là quá khứ, trong khi làm khoa học thì phải không ngừng cải tiến, không ngừng hoàn thiện. Máy móc công nghiệp mà nhắc chuyện từ mấy chục năm trước thì buồn cười lắm”. Ông Hòa luôn thế, vừa khe khẽ kiêu hãnh, vừa tự xếp những thành công của mình vào hạng “thường thường bậc trung”.
Khiêm tốn, có một chút “phớt đời”, song trong lịch sử ngành in của nước ta, ông Hòa không khác nào “huyền thoại”. Mấy chục năm về trước, ngành giấy vở ở nước ta chủ yếu sử dụng máy kẻ dòng bán thủ công khá lạc hậu, cả nước có vài máy in cuốn được viện trợ.
Sau đó, đầu những năm 2000, cũng có doanh nghiệp đầu tư, nhập máy in cuốn với giá cao ngất ngưởng (14 tỷ đồng/máy mới và 2,5 tỷ đồng/máy cũ). Công ty của ông Hòa cũng từng sản xuất giấy vở, sau ông nghĩ “mình được Nhà nước gửi đi học chế tạo máy tận bên Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ), nhận bằng đỏ, mà không làm đúng ngành thì thật có lỗi với cơm áo quốc gia”, thế là công ty của ông chuyển sang chế tạo cơ khí.
Ngay sau đó, ông đã thiết kế và chế tạo thành công máy cắt, kẻ tự động liên hoàn (cắt và kẻ trực tiếp trên cuộn giấy, thay vì xong công đoạn này lại phải chuyển sang máy khác để làm công đoạn tiếp theo). Rất nhanh chóng, loại máy của ông được các cơ sở sản xuất giấy vở trong nước đưa vào sử dụng. Và sự kiện đó được ví như cuộc cách mạng của ngành giấy vở.
Gã hàn chuồng gà mơ giấc mơ đáy biển
Sau thành công lớn, thị trường chững lại, công ty ông Hòa làm ăn thua lỗ, ông phải bán toàn bộ gia sản mà vẫn chưa trả dứt nợ ngân hàng. Ông bèn xoay sang thành lập tổ cơ khí chuyên làm chuồng gà, chuồng vịt, cửa sắt thép.
Năm 2002, ông Hòa quyết tâm vay vốn để ban ngày làm anh thợ hàn, ban đêm nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy in cuốn tự động sử dụng công nghệ in Flexo. Bấy giờ, ngành in thế giới đã đưa vào công nghệ này để in các loại sản phẩm với số lượng rất lớn. Một năm sau, ông chế tạo thành công.
Thế nhưng, ba chiếc máy đầu tiên xuất xưởng bị trả về vì khi đưa vào vận hành, sản xuất liên tục, chúng “hiện ra” nhiều vấn đề kỹ thuật. Sau một năm mang “ba đứa con” về cải tạo lại, những chiếc máy in cuốn công nghệ Flexo đã thực sự đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, chúng có thể thay đổi được các lô bản, từ đó thay đổi kích thước của giấy in, nên trên cùng một máy, có thể in ra các loại sản phẩm khác nhau. 90% thiết bị, phụ tùng do ông Hòa chế tạo, chỉ 10% phụ tùng phải nhập ngoại, mà giá bán chỉ bằng 30% giá máy mua từ nước ngoài.
Bấy giờ, ông Hòa nghĩ, chỉ cần ba máy trên của ông, cộng với một nhà máy giấy Bãi Bằng nhập khẩu là đã đủ cho ngành công nghiệp giấy của cả nước. “Ấy thế mà ngành giấy lại ngày càng phát triển, và tôi vẫn tiếp tục thiết kế, chế tạo máy in giấy suốt mấy chục năm, cho đến tận những ngày cuối của năm 2018 này. Nhưng công nghệ mà, nên mỗi năm, máy móc của tôi lại tiếp tục cải tiến”.
Ông Hòa giới thiệu những thiết kế máy móc với khách.
|
Trước đây, máy in xong, phải mang sản phẩm qua máy cắt, sau đó phân loại, đếm, rồi ghim; nhưng bây giờ, trên một máy đã bao gồm tất cả công đoạn từ in, cắt, tách trang, vào bìa, ghim gáy. Rất thực tế, ông Hòa cười khà khà: “Cải tiến máy móc vừa là yêu cầu tự thân của kỹ sư chế tạo, vừa để làm kinh tế. Không cải tiến liên tục, hoàn thiện liên tục thì người ta đâu có tìm đến để đặt thêm máy”.
Mới đây, ông Hòa còn thiết kế và chế tạo thành công cả một dây chuyền sản xuất gốm sứ tự động. Cỗ máy khổng lồ đến mức nhà xưởng của nó phải rộng đến 13.000m2, và tự động đến mức đầu vào là nguyên liệu bùn đất, đầu ra là thành phẩm, các công nhân chỉ làm khâu tráng men và đưa vào lò nung.
Ông Hòa tiết lộ: “Ở bản thiết kế của tôi, mức độ tự động đã đến tận khâu ra thành phẩm rồi, khi nào khách hàng có thêm vốn đầu tư, tôi ráp nốt khâu tự động tráng men, tự động đưa vào lò nung nữa là hoàn toàn không cần đến công nhân. Tôi vừa chế tạo máy, vừa nuôi giấc mơ làm tàu ngầm lặn chơi dưới đáy biển. Không bán máy móc thì tôi lấy đâu ra số tiền lớn để làm tàu ngầm?”.
Hiện thực hóa “giấc mơ tàu ngầm” của bố
Công nhân lẫn kỹ sư của Công ty Cơ khí Quốc Hòa đều không thể quên chuyện suốt mấy năm trời, ông Hòa ban ngày chế tạo máy để duy trì hoạt động công ty, ban đêm trường kỳ thức trắng để nghiên cứu làm tàu ngầm. Một công nhân cơ khí kể: “Mấy năm đó, ông Hòa gầy xọp đi, râu ria như chổi xể. Khi đó, ông ta còn già hơn bây giờ hàng chục tuổi.
Tàu ngầm Trường Sa 1 và Hoàng Sa đều đã thử nghiệm thành công trên biển và chúng tôi vẫn đang chờ để làm tàu Trường Sa 2 lớn hơn, tốc độ cao hơn, chở được nhiều người hơn, lặn được sâu hơn.
Bây giờ, với chúng tôi, việc làm tàu ngầm đã quá đỗi bình thường, chứ trước đây, dù đã làm cho công ty ông Hòa lâu rồi, lúc chuẩn bị lắp ráp, chúng tôi mới biết là ông làm tàu ngầm. Anh em còn giật mình bảo nhau “không lẽ ông Hòa tính chuyển sang nghề “mổ rồng” (ý nói làm điều ảo tưởng)”.
Ông Hòa nghe anh em trong xưởng kể vậy, càng cười lớn: “Nhiều người hỏi tôi gửi gắm lý tưởng gì qua việc chế tạo tàu ngầm. Thực ra, tôi làm chỉ đơn giản là luôn muốn khám phá khoa học. Tất cả loại máy tôi làm, hay cả tàu ngầm nữa, chỉ là chuyện lạ với ta thôi, chứ trên thế giới, họ làm lâu rồi. Tôi làm cũng vì “cú”, vì thế giới họ làm được, tại sao người Việt mình lại không?”.
Lâu nay, khi nghe, đọc về “ông tàu ngầm”, quả thực, tôi đã mường tượng về một người đàn ông gàn gàn, mơ giấc mơ “mổ rồng” khi đã lên hàng bô lão. Thế nhưng, khi trò chuyện với ông Hòa, tôi lại thấy điều hoàn toàn trái ngược. Ông rất tỉnh, cái tỉnh của một người làm khoa học. Cái quyết liệt của ông cũng là quyết liệt đi đến cùng của một nhà khoa học.
Đang chăm chú bên bàn làm việc, có vị khách đường xa vì cảm phục “ông tàu ngầm” mà đường đột gõ cửa. Họ muốn góp chút nhỏ bé vào việc làm tàu ngầm của ông qua cách kêu gọi xây dựng “Quỹ Tàu ngầm Trường Sa”. Ông Hòa trễ cặp kính lão, thủng thẳng đầy tự trào: “Sao lại có người còn điên hơn mình”.
Lúc sắp xếp lại kho giấy tờ, tài liệu, ông Hòa vô tình thấy quyết định điều chuyển (năm 1970) từ Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Hải quân sang làm Tham mưu phó Quân khu Tả ngạn của cụ thân sinh Nguyễn Văn Sáng.
Ông Hòa sững lại, im lặng một hồi rồi vừa như tự sự, vừa như đang nói với người cha quá cố: “Ngày còn sống, cụ vẫn luôn mong ước Việt Nam chế tạo được tàu ngầm, mà tàu ngầm phải bắn được pháo từ dưới nước. Có lẽ phải bắt tay vào việc thôi”.
Hình ảnh ông Hòa hôm ấy đã khiến cái giá buốt của mùa đông xứ Bắc vơi đi rất nhiều. Và dường như những khối sắt thép trong xưởng chế tạo máy của ông cũng không còn là những vật vô tri.
Bích Ngọc