Ngày Của Mẹ, nghĩ về câu nói dối kinh điển của mọi bà mẹ

09/05/2021 - 11:40

PNO - Làm mẹ thì phải biết hy sinh, đó là suy nghĩ ăn sâu vào đầu, khiến mỗi ngày những người mẹ lại hy sinh nhiều hơn.

Trong những bữa cơm ngày xưa, tôi nhớ mãi câu: “Mấy đứa ăn thịt đi, mẹ ngán thịt, mẹ thích ăn rau”. Rồi mẹ cũng thường thích ăn những thứ đám con chê bai, thảy ra… 

Nếu hôm nào nhà nấu món ngon hoặc cha mang về món đặc biệt nào đó từ bữa nhậu, như có khi là quả trứng lộn, có khi là trái táo, trái thanh long... mẹ chia cho 3 anh em chúng tôi, không hề có phần của mẹ.

Bữa cơm hết thức ăn, mẹ sẽ nói: “Mẹ thích ăn cơm trắng”, hoặc “Mẹ thích ăn cơm với nước mắm”. Nếu nồi hết cơm, mẹ sẽ thường nói: “Mẹ no rồi, mấy đứa ăn đi”…

Tôi đã lớn lên với hình ảnh một người mẹ siêu nhân có thể làm hết mọi việc và không thích ăn ngon, hoặc ăn rất ít. Mẹ tôi đêm dậy từ 2-3 giờ sáng chạy chợ, đi làm đồng, đi gặt… là chuyện thường ngày. Không cần báo thức, mẹ dậy bởi tiếng chuông đánh động về bữa cơm gia đình từ chính trong lòng mình.

Bức ảnh chạm đến trái tim của hàng nghìn người con. Nguồn: Internet.
Bức ảnh chạm đến trái tim của mọi người con được chia sẻ Ngày Của Mẹ - Ảnh: Facebook

Anh chị em tôi cứ thế lớn lên, chưa một lần tự hỏi những câu nói “mẹ no rồi”, “mẹ không thích ăn” của mẹ là nói dối hay nói thật. Chỉ đến khi tôi làm mẹ, bản năng làm mẹ khiến tôi cũng muốn nhường tất cả những gì ngon nhất và tốt đẹp nhất cho con, và tôi nhớ về hoàn cảnh của mẹ những năm nghèo đói.

Và tôi hiểu, "mẹ no rồi" là lời nói dối kinh điển nhất mà có lẽ bất kỳ đứa con nào cũng từng nghe. Chẳng vậy mà hình ảnh người mẹ ngồi lặng lẽ nhìn con ăn ngon lành bát phở với câu bình: “Mẹ no rồi, con ăn đi” đã khiến bao người xúc động. Ai cũng nhìn thấy mình trong hình ảnh đứa con và kỷ niệm ào về... 

Nhớ lại cả thời thơ ấu, tôi chưa bao giờ thấy mẹ đau bệnh mà nghỉ một bữa chợ. Hay dù có bệnh và mệt cỡ nào đi nữa, việc trong nhà vẫn chẳng thiếu tay mẹ. Tôi vẫn luôn tự hỏi mẹ lấy đâu ra nhiều sức lực đến thế, để có thể vượt qua những cơn mệt và làm được mọi việc.

Đến khi làm mẹ rồi, những lần bản thân bệnh mà con cái nheo nhóc bên cạnh, cơm không ai nấu cho, con không ai đón, chồng đi công tác, tôi dù ước được nằm một chút nhưng vẫn phải gượng dậy mà làm.

Qua cơn bệnh ấy, tôi thấy mình hệt “siêu nhân” và tôi hiểu hơn về sức mạnh ngày xưa của mẹ. Có câu nói: “Bạn sẽ không biết mình mạnh mẽ thế nào cho đến khi bạn làm mẹ” và nó đang đúng với tôi.

Ngày nay, nhờ quan điểm sống của những phụ nữ hiện đại; nhờ tham gia những diễn đàn phụ nữ để được chia sẻ tâm tình, nghe lời động viên nhau hãy yêu thương bản thân, hãy ngừng hy sinh, chúng tôi ít nhiều biết cách thu xếp để nghỉ ngơi và chiều chuộng mình.

Nhưng vẫn còn rất nhiều người mẹ chưa bao giờ ngừng chịu thiệt thòi, họ dành hết mọi điều tốt đẹp cho con, gom hết khó khăn thiếu thốn về mình. Suy nghĩ "làm mẹ phải biết hy sinh vì con" ăn sâu vào đầu, khiến các bà mẹ mỗi ngày thêm nhường nhịn, chỉ biết "vì chồng vì con"...

Một người mẹ là siêu nhân ngay cả khi mình ốm. (Ảnh: Internet)
Bức ảnh được chia sẻ nhiều nhân Ngày Của Mẹ. Hình ảnh người mẹ là siêu nhân ngay cả khi mình đau bệnh - Ảnh: Facebook

Với họ, mẹ là phải dành những miếng ngon cho con, thà mình chịu đói để con no đủ.

Mẹ là phải biết xem nhẹ sự nghiệp để dành thời gian chăm sóc con, tề gia nội trợ và lấy hạnh phúc của chồng con làm hạnh phúc của mình.

Mẹ, thà chịu buồn khổ trong cuộc hôn nhân, chịu đựng người chồng vô tâm, ngoại tình, vũ phu, cờ bạc… còn hơn khiến con rơi vào cảnh gia đình đổ vỡ.

Nhưng sự hy sinh nào cũng cần giới hạn, mẹ cũng cần được sống cuộc đời vui vẻ, hạnh phúc. Và nên nhớ, đôi khi sự hy sinh có thể trở thành vô ích hoặc phản tác dụng vì con. 

Tôi thường nói với các con về cảm xúc của mình, nhằm dạy con hiểu: mọi thứ trong gia đình cần phải được công bằng, mẹ có thể nhường cho con, nhưng con cũng cần phải biết tôn trọng, quan tâm tới mẹ… Tôi không đòi hỏi con sự đáp đền, nhưng ít nhất con cần phải hiểu những gì tôi làm cho con.

Mẹ tôi bây giờ già rồi, vẫn không thôi lo lắng cho chúng tôi. Bà hay gom góp mớ rau, cân thịt, mớ cá, chút trái cây… ở quê để gửi cho con cháu. Vì thấy mẹ cực, nhiều lần tôi không muốn nhận, nhưng rồi tôi biết đó chính là việc khiến mẹ thấy vui.

Như hình ảnh người mẹ ngồi nhịn, dành cho con ăn tô phở kia, nhìn con ăn ngon, chắc lòng chị đang tràn ngập niềm hân hoan, hạnh phúc...

Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI