Ngày của mẹ: Giá như con còn mẹ

12/05/2024 - 06:29

PNO - Cha mẹ dù ở nơi nào cũng muốn con cháu sống tích cực, an vui, thay vì ủ ê dằn vặt bởi những điều chẳng thể thay đổi.

12 năm từ ngày mẹ mất, có lúc tôi vẫn giật mình không tin mẹ đã rời bỏ tôi. Khi ấy, tôi lại ước “giá như còn có mẹ”. Đó là khi tôi chiêm ngưỡng một vẻ đẹp đến sững sờ ở địa điểm du lịch mình đến, hay những lần thưởng thức món ăn ngon, cả khi có chút thành quả công việc mà nếu mẹ biết, mẹ sẽ rất vui…

Như hôm qua, biết thông tin người hàng xóm dưới quê, cũng bằng tuổi mẹ vừa mới qua đời, tôi lại chạnh lòng: “Vậy mà mẹ bỏ con đi sớm quá”.

Giá như mẹ ở với tôi đến giờ mới đi, ít ra tôi cũng thực hiện được những việc muốn làm cho mẹ, làm cùng mẹ, như là những chuyến đi, nấu cho mẹ những món ăn ngon, hay chỉ đơn giản là chở mẹ lên nhà tôi chơi - căn nhà mà tôi đã mua được từ sự nỗ lực của bản thân. Mẹ đến nhà, hẳn mẹ sẽ mừng cho tôi lắm.

Tôi mong được nắm lấy bàn tay mẹ thật lâu (ảnh minh họa)
Tôi ước mong được nắm lấy bàn tay mẹ thêm lần nữa (ảnh minh họa)

Tôi đã tha thứ cho mình, với lý do tuổi trẻ còn nhiều lo toan vất vả, chẳng thể nào ở bên cạnh mẹ nhiều hơn. Tôi tha thứ cả cho tôi thời còn nhiều nông nổi, khi mà cả những lúc ở cùng, cũng chưa chắc tôi làm cho mẹ vui.

Đến khi mẹ nằm viện, tôi vẫn nhấp nhổm với biết bao thứ bên ngoài, chẳng thể ở yên trong bệnh viện với mẹ. Chẳng cùng mẹ trải qua những cơn đau đớn tột cùng. Kể cả cái nắm tay cuối đời để níu kéo chút hơi ấm từ thân thể mẹ, hay gọi là tiễn mẹ đến cuối chặng đường, tôi cũng không thực hiện được.

Tôi có người chị đồng nghiệp mất mẹ đã 2 năm, chị không thoát ra khỏi những dằn vặt bản thân, kể cả có lý lẫn vô lý, bởi nó chẳng phải lỗi của chị. Những lần sẻ chia, tôi đều thấy mắt chị ngấn nước. Một lần chị hỏi tôi: “Liệu bao lâu thì cảm xúc khó chịu này mới mất đi?”. Tôi cho rằng chẳng có câu trả lời chung cho tất cả mọi người ở trường hợp này.

Có người biết cách hướng mình đến những kỷ niệm tốt đẹp khi nhớ đến người thân đã khuất, bằng cách đó để nhận ra họ luôn ở trong trái tim mình. Cũng có những người mãi chìm sâu vào những dằn vặt, nhất là khi có quá nhiều điều chưa thực hiện được với người thân mình, tệ hơn nữa là có những lầm lỗi với người thân đã khuất.

“Nếu biết mẹ ra đi nhanh vậy, chị đã bỏ tất cả để về với mẹ rồi!”. Phải, sẽ chẳng ai “bỏ tất cả” để trở về, khi ba mẹ vẫn mạnh khỏe. Họ chỉ trở về khi hay tin người thân mình không qua khỏi. Đó có phải là sự trừng phạt cho hầu hết những người con? Để rồi ai cũng mang một nỗi dằn vặt không trọn vẹn được với cha mẹ mình.

Hãy để mẹ cười thật nhiều khi về già (ảnh minh họa)
Hãy mang lại thật nhiều niềm vui, tiếng cười cho mẹ (ảnh minh họa)

Trong lớp yoga tôi đang học, có chị 60 tuổi đang sống với mẹ già. Công việc mỗi ngày của chị là chăm sóc mẹ già, nấu cơm, tắm rửa, pha sữa, trò chuyện cùng mẹ. Chị nói, chị chỉ rời mẹ đúng giờ đi tập yoga, mà có khi còn thấy mình có lỗi vì nếu như mẹ xảy ra chuyện gì thì sao. Cũng may, bà cụ ngoài 80 nhưng rất khỏe mạnh, vẫn “lướt” điện thoại được, nên chị yên tâm.

Người già thì như ngọn đèn trước gió. Mẹ chị ra đi nhẹ nhàng sau hơn một tháng nằm điều trị ở nhà, do bệnh tuổi già.

Sau đám tang mẹ, chị nghỉ ít hôm rồi đi tập lại bình thường. Trò chuyện cùng chị, tôi nhận ra trong nỗi đau mất mẹ của chị không có sự dằn vặt, vì bản thân chị đã sống trọn vẹn với mẹ, cho đến tận giây phút cuối đời. Tôi cho đó là phước đức của chị. Bởi không phải ai cũng may mắn sống trọn vẹn với bậc sinh thành, như chị.

Tôi tin, cha mẹ dù ở nơi nào cũng luôn muốn con cháu sống tích cực, an vui, thay vì ủ ê những dằn vặt chẳng thể thay đổi được.

Và những người con may mắn còn có mẹ ơi, hãy dành thời gian thật nhiều ở bên mẹ nhất có thể nhé!

Ánh Hường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI