Ngày của mẹ: Dòng suối mẫu tử

06/05/2016 - 10:56

PNO - Mẹ tảo tần nuôi con - con một lòng hiếu kính, đạo lý ấy từng phút từng giờ lan tỏa như dòng suối rào rạt tưới mát cây cỏ ven bờ.

Trên nền ghi ta não nuột, lời ca dừng bặt, anh Ngô Hoàng Trúc (sinh năm 1979, bệnh nhân khoa C, Bệnh viện Nhân Ái, tỉnh Bình Phước) gạt nước mắt, thều thào gọi mẹ dù bà không hiện diện trước mặt mà đang ở trời Tây xa xôi. “Mẹ cứ an tâm, con ở đây, được các dì yêu thương săn sóc vô cùng chu đáo. Từ ngưỡng cửa tử thần, con đã bình phục, có thể di chuyển bằng xe lăn và giờ là chống gậy tự đi được. Con may mắn có những người mẹ luôn bao dung mình. Nhân ngày của mẹ, con kính chúc mẹ Nguyễn Phương Mai tràn đầy hạnh phúc, gặp nhiều may mắn. Mẹ lúc nào cũng khỏe mạnh để tiếp tục thương con, hướng về đứa con trai hư đốn, lầm lạc, dại khờ, từng làm mẹ buồn khổ, thất vọng. Con mong hằng năm mẹ từ Hà Lan bay về thăm con. Những ngày này, con càng nhớ mẹ!” - anh Trúc nghèn nghẹn nói với nhóm ghi ta Nguyên Phát - Ngọc Lâm (từ TP.HCM đến trao quà từ thiện, giao lưu văn nghệ tại hội trường BV và tại giường người bệnh nặng).

Ngay cua me: Dong suoi mau tu
Bệnh nhân Ngô Hoàng Trúc hát tặng người mẹ nơi xa

Xa gay gần, mẹ ơi!

Anh Trúc bùi ngùi nhớ lại đợt tết Bính Thân, mẹ về thăm, lúc ấy chân anh bị sưng phù, đau nhức muốn khóc nhưng cố giấu để mẹ không lo lắng, bận tâm. Mẹ mua gì cho ăn, cho mặc, anh cũng giả vô tư, hồn nhiên đón nhận như đứa trẻ. Để rồi khi mẹ chia tay, khi bóng mẹ khuất khỏi cổng bệnh viện, Trúc chống nạng vào nhà tắm òa khóc vì đớn đau dồn nén và vì “biết bao giờ mới được gặp lại mẹ”.

Sức mỏi hơi mòn do bệnh AIDS hoành hành mười mấy năm, anh Trúc vẫn không buông xuôi, ngày ngày sống lạc quan với tiếng nhạc lời ca. Không gian xa cách, chính tiếng hát đã thay anh an ủi mẹ trong tuổi già hẩm hiu. Những lần về thăm, mẹ đều ghi âm tiếng hát của con trai để giữ bên mình, hàng đêm bật lên nghe cho đỡ nhớ. Dù làn hơi ấy không còn cao vút, đầy đặn như ngày xưa, thời anh còn đi hát ở những phòng trà, tụ điểm âm nhạc nhưng đó là giọng ca mà mẹ muốn nghe nhất trần đời.

“Mẹ giữ những băng cát sét này để lỡ mai con có nằm xuống thì mẹ vẫn còn được nghe tiếng con” - lời chân thành của mẹ không khiến anh bi quan mà anh hiểu thẳm sâu lòng mẹ thương anh đến nhường nào. Anh hiểu cuộc đời mình là lẽ sống của mẹ và ngược lại. Giờ đây, lẽ sống của Trúc còn là trả nợ ân tình cho những người mẹ trong mái nhà Nhân Ái.

Phòng bên, chợt vọng sang tiếng đàn nỉ non của một nam bệnh nhân trẻ tuổi. Anh đã đến giai đoạn cuối của bệnh tình nhưng chờ mãi không được mẹ đến thăm. Không còn ngồi nổi, anh nằm đàn, ngón tay gầy guộc mải miết lần dò trên phím gẩ y những bài về tình mẹ. Những thanh âm ấy rồi cũng rơi vào thinh không...

“Người Con Kiên Trì” là tên mà bác sĩ chuyên khoa II Trần Duy Tâm (BV Tâm Thần TP.HCM) tạm đặt cho một phụ nữ có mẹ già mắc chứng rối loạn tâm thần hoang tưởng. Bà luôn lo sợ người khác rắp tâm hại mình, thường xuyên gây xung đột nên con bà phải nhiều lần đưa mẹ dọn nhà đi nơi khác. Mỗi lần cho uống thuốc là một trận chiến vì bà cho đó là… thuốc độc.

Chị nhẹ nhàng, kiên nhẫn dỗ dành, động viên, chăm sóc mẹ và đặc biệt, tranh thủ tìm hiểu kiến thức về bệnh để đồng cảm, hỗ trợ mẹ. Sau thời gian dài, người mẹ dần nhận thức được bệnh và đã hợp tác trị liệu, chuyển biến tích cực. Ngày mẹ cầm viên thuốc uống hay tới giờ biết nhắc chị lấy thuốc uống, chị mừng vui trào nước mắt.

Ôm mẹ, chị nói: “Con biết mà, mẹ giỏi lắm, mẹ của con. Chưa bao giờ con thôi thương mẹ, chưa bao giờ con nghĩ mẹ con mình sẽ xa nhau”. Chị còn chia sẻ kinh nghiệm, củng cố niềm tin nơi những thân nhân khác để quyết lòng, bền chí nuôi dưỡng, điều trị người bệnh. Bác sĩ Tâm cho biết, theo khảo sát của BV, người chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân, đa số rơi vào giới nữ. Đó là những người mẹ dào dạt tình thương con, những người vợ thủy chung, son sắt với chồng và níu giữ lại người cha cho các con mình…

Nơi đâu có tình thương, đấy là mẹ tôi!

Mẹ là người mang nặng, đẻ đau tạo ra con, nhưng đôi khi mẹ cũng là một phép chọn của trái tim con. Như tình cảm keo sơn, gắn bó của ông Diệp Chung (xã Tham Đôn, H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) dành cho người mẹ nuôi Trà Thị Son (dân tộc Khơ me, hiện 96 tuổi). “Nơi đâu có tình thương, nơi đó là mẹ tôi!” - ông Chung khẳng định.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI