Ngày của cha: Lần đầu thấy ba khóc

16/06/2024 - 13:43

PNO - Nghe tiếng nghẹn ngào: "Hải ơi! Con đang ở đâu?". Tôi chạy ra chỗ ba ngồi, thấy ba đang khóc. Lần đầu tiên tôi thấy giọt nước mắt của ba.

Thương ba cả đời ba cực nhọc (ảnh minh hoạ)
Thương ba cả đời ba cực nhọc (ảnh minh ho

Chị Hai kể, lúc mấy chị em tôi còn nhỏ, ba một mình lên Đà Lạt thuê đất trồng cải. Suốt mấy tháng ba dầm nắng mưa, chăm chỉ gieo trồng. Trời không chiều lòng người, ba không có kinh nghiệm với đất đai xứ lạ nên bắp cải ba trồng nhỏ xíu, phải bán rẻ.

Ba về nhà, ốm nhom, mắt hõm sâu. Thành quả ba mang về cho má là 2 giỏ bắp cải, cái nào cái nấy chỉ lớn hơn cái chén ăn cơm.

Lần thứ hai ba rời nhà là theo mấy người bạn xuống tận miệt Cà Mau để đốt than. Ba làm công suốt nửa năm, được chủ trả công bằng mấy tạ than. Ba mang về cho mấy chị em vài ký ốc len - thứ mấy chị em chưa từng được ăn. Lớn khôn rồi tôi mới hiểu, ba vì vợ con nên không ngại khó, siêng năng làm lụng, chỉ vì ba không gặp thời. Hẳn những thất bại liên miên khiến ba rất cực lòng.

Rồi má mất, để lại cho ba đàn con 6 đứa. Chị Hai khi đó 16 tuổi, tôi là con Út, mới được 5 tháng. Căn nhà tràn ngập khói nhang và tiếng khóc của đàn con mất mẹ. Cả tuần liền ba không ngủ, ngồi lặng trước bàn thờ má. Nỗi đau khiến ba như thể đã hoá đá. Các con ba còn quá nhỏ, lo đau nỗi đau của riêng mình, không thể thấu nỗi đau của ba.

Mấy cha con lay lắt qua mấy mùa đói khổ. Những cơn đau hành hạ ba không ngừng do di chứng của những năm tháng bị giặc tù đày. Ba gắng gượng ra đồng cày cấy, gắng gượng đan lờ đan lợp, bắt cá bắt ốc để các con ba có cơm ăn. Ba phải cố gắng gấp đôi, thay cả phần của má.

Năm anh Tư tôi học hết lớp 12, anh chần chừ mãi mới dám xin ba cho đi Đức hợp tác lao động. Những năm 1980, từ “hợp tác lao động” ở xứ người còn quá mới mẻ, không ai biết sẽ làm gì và cuộc sống bên đó ra sao. Ba bằng lòng để anh Tư đi, bằng lòng đặt cược với số mệnh.

Thời đó, cách thức liên lạc chỉ là gửi thư, nhà ở quê nên nhận thư không dễ dàng gì. Anh Tư đi 5 tháng không có tin tức về nhà. Cả nhà trông đứng trông ngồi. Hằng đêm thắp nhang lên bàn thờ má, ba đứng lặng rất lâu, hẳn ba nguyện cầu má phù hộ anh Tư bình an.

Hôm ấy, đã nửa đêm tôi nghe tiếng nghẹn ngào: “Hải ơi! Con đang ở đâu?”. Tôi bật dậy, chạy ra chỗ bàn trà ba ngồi, thấy ba đang khóc. Lần đầu tiên tôi thấy nước mắt của ba. Có lẽ những nỗi lo lắng, mong chờ và nhớ thương trong ba đã vỡ oà. Tôi khóc theo ông…

Lá thư đầu tiên của anh Tư ba nhận được sau đó 7 tháng. Tay ba run bần bật khi mở thư. Lá thư đó ba xem tới xem lui một ngày mấy lượt, tới sờn rách… Tình thương của ba, mừng vui của ba sau này tôi có con cái rồi mới hiểu: Với mẹ cha, an nguy của đứa con khác nào sinh mệnh của chính mình.

Ngày giỗ và lễ tết,  đại gia đình tôi tụ họp, ra vườn viếng mộ ông bà, ba má, cùng chụp với nhau tấm hình (ảnh Thuỳ Gương)
Ngày giỗ và lễ tết, đại gia đình tôi tụ họp, ra vườn viếng mộ ông bà, ba má, cùng chụp với nhau tấm hình (ảnh nhân vật cung cấp)

Tôi nhớ có lần anh rể mang về cho ba 2 cây lạp xưởng - thứ cả nhà chưa từng được ăn. Ba treo cặp lạp xưởng bên hiên nhà, gặp ai ba cũng khoe “của con rể cho”. Ba quý món ăn ngon, để dành hoài không nỡ ăn.

Rồi bữa tôi đi học về, mệt mỏi nên nằm lịm. Ba lấy lạp xưởng nướng cho tôi ăn. Miếng ngon hiếm hoi giữa những ngày đói khổ, hẳn sẽ rất ngon lành. Nhưng tôi lạt miệng, trệu trạo nhai lạp xưởng không thấy ngon gì. Ba ngồi bên, nhìn tôi đau xót… Cảm giác đau xót và bất lực của ba, mãi sau này tôi mới thấu.

Tôi nhớ thùng quà đầu tiên anh Tư gửi về nhà có mấy quyển tập cho tôi và vài mét vải. Ba đã không kịp nhìn thấy thùng quà đó. Vải may áo anh gửi thành vải liệm cho ba. Những cơn đau ốm liên miên và khó nghèo đã kéo ba về phía khác, để các con ba mồ côi...

Sau này, mỗi lần ngồi trước món ăn ngon, tôi luôn ước có ba má, tôi ước giá như ba má được ăn ngon, được đủ đầy… nhưng điều ước mãi không thành hiện thực.

Tôi hay kể với các con những kỷ niệm về ba má, về những ngày nghèo khổ nhưng tràn đầy tình thương, để các con tôi hình dung ông bà ngoại thương con cái thế nào. Con trai lớn của tôi lúc nhỏ đã nói: “Con không biết mặt ông bà ngoại ra sao, nhưng thấy rất gần gũi, thấy rất thương ông bà ngoại”. Tôi mừng suýt khóc. Tôi đã thành công khi đã gieo trồng yêu thương trong lòng các con, nối liền những yêu thương để không đứt nối mối dây ruột rà.

Ngày của Cha, xin thắp nén nhang lòng tưởng nhớ ba má. Những cơn đau, những nỗi khổ nghèo đã qua rồi, xin ba má hãy yên nghỉ...

Thuỳ Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI