Ngày con trở thành thiếu nữ

09/01/2016 - 06:26

PNO - Con gái tôi chính thức trở thành thiếu nữ khi chưa tròn 11 tuổi, mới bắt đầu vào năm học lớp 6.

Con bé đã chuẩn bị tâm lý trước, khi học bài về nội dung này ở lớp 5, cũng như đã biết từ người chị họ, nên cũng không hoảng hốt. Chỉ có điều con hơi buồn, là nhằm vào ngày học bơi, nên đành phải bỏ mất một buổi.

Phải nói rằng đó là ngày quan trọng của một người. Sự chuẩn bị về mặt tâm lý là rất cần thiết để trẻ không khóc ré khi thấy có hiện tượng quá khác lạ hoặc có các xử sự không phù hợp. Tức là trẻ cần biết khi một cô bé lớn lên sẽ trải qua một số hiện tượng đặc biệt, như ngực nở nang và nhô cao, có kinh nguyệt, nổi mụn, “nhổ giò” nhanh, kể cả tiếng nói có sự thay đổi… Cha mẹ cần thông tin trước những điều đó để khi xảy ra trẻ không bất ngờ.

Ngay con tro thanh thieu nu
Ảnh minh họa: Internet

Việc quan trọng đầu tiên là phải hướng dẫn trẻ cách xử lý. Hướng dẫn trẻ sử dụng “phương tiện có cánh” có lẽ không ai tốt hơn là người mẹ. Trong trường hợp không có mẹ bên cạnh, trẻ cần người phụ nữ có kinh nghiệm giúp đỡ (cô, dì, thậm chí là cô giáo). Cần có chỉ dẫn thật tận tình, kể cả những lần sau đó, để trẻ thấy việc phải “xử lý” điều này là hết sức bình thường, không tỏ ra ghê sợ hay “không thuộc bài” dẫn đến “giải quyết hậu quả” không hợp lý.

Ngoài ra, cũng phải trang bị cho trẻ những kiến thức bổ sung như nếu lỡ những ngày đó quá dài hoặc “ra” quá nhiều, nếu có những sự cố như “rơi vãi” ra ngoài hoặc bị bất ngờ mà không có “phương tiện” xử lý…

Song song đó, trẻ cần được hướng dẫn cách giữ gìn vệ sinh thật tốt. Cách ăn mặc, sử dụng “phương tiện có cánh” thế nào phù hợp, việc đi đứng, sinh hoạt, tắm rửa, ăn uống… đều cần được chỉ bảo cụ thể, tận tình. Dù chương trình khoa học thường thức lớp 5 bây giờ đã có giới thiệu một số nét chính về chu kỳ kinh nguyệt; ngoài ra, cũng có nhiều kiến thức thông qua sách báo, mạng internet… nhưng trẻ vẫn cần sự giúp đỡ của người thân.

Dĩ nhiên, mẹ là người gần gũi và có thể giúp trẻ tốt nhất nhưng người cha, người chị… cũng có thể chia sẻ , để trẻ thấy rằng điều đó tuy có vẻ rất riêng tư song vẫn được thấu hiểu từ người thân. Chẳng hạn, vào những ngày này, trẻ nên ăn nhiều thịt nạc (heo, bò, dê, gà…), trứng, cá biển, sữa tươi, bí đỏ, bưởi…

Ngoài ra, trẻ cũng cần được chuẩn bị tâm lý trước những tình huống khó khăn như đau bụng khi hành kinh, chóng mặt, chuột rút, đau ngực… với các cách thức ứng phó phù hợp cũng như chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.

Bên cạnh động viên tinh thần, giúp trẻ thoải mái, vui vẻ trong những ngày đó, cha mẹ cần thể hiện cách ứng xử với con gái tế nhị, như tỏ ra quan tâm, chăm sóc nhiều hơn, tạo môi trường sống thoải mái trong gia đình, tránh nặng lời hoặc gây kích động cho trẻ, hạn chế trách mắng khi trẻ cau có, khó chịu…

Vấn đề hết sức quan trọng là cha mẹ phải có biện pháp giáo dục hợp lý và cần thiết về sức khỏe sinh sản. Học sinh lớp 5 đã được dạy về việc thụ tinh nhưng chưa được dạy đầy đủ cách phòng ngừa bị xâm hại, lợi dụng, cách tránh thai. Có khi cha mẹ quá ngại ngần việc nói với trẻ về quan hệ tình dục, tuy nhiên, trước khi xem xét điều đó ở góc độ “vẽ đường cho hươu chạy” thì phải chú ý việc bảo vệ trẻ tránh các hành vi xâm hại, lợi dụng.

Chẳng hạn, tránh có quan hệ quá thân mật, gần gũi với người khác giới, kể cả một số người thân; tránh ăn mặc hở hang khi ra đường hoặc trong môi trường có nguy cơ bị xâm hại; tránh những phim ảnh, truyện có tính kích dục; tránh đi chơi xa, đi qua đêm nếu không có người thân bên cạnh…

Chú ý dạy trẻ một số hiểu biết, kỹ năng, phản ứng khi rơi vào trường hợp có thể bị xâm hại, như khi bị cố ý “đụng chạm” ở hồ bơi hoặc ở nhà vệ sinh; khi bị rủ rê đi chơi đâu đó, nhất là đến những chỗ có thể bị lợi dụng; khi bị quấy rối hoặc tấn công bất ngờ… Những kiến thức này hiện có khá nhiều, trên sách báo, diễn đàn, cha mẹ có thể rút tỉa để hướng dẫn cho con gái.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI