Gần tròn ba năm chị sang trời Âu theo chồng. Không chỉ khoảng cách địa lý nới dài đường về mà COVID-19 còn dựng thêm mấy hàng rào ngăn trở. Chị chưa kịp làm xong hộ chiếu vắc-xin thì đứa trẻ bất ngờ đến với thế giới này. Cháu ngoại của ba là một cô bé xinh xắn và ngoan ngoãn. Bé hay ngủ và ít khóc, có lẽ vì bé thương chị đã vất vả nhiều.
Một ngày như hôm nay, ba có muốn nói chuyện cùng đứa con gái út của ba không? Để con về kể lại ba nghe…
Nơi chị sống cách cha con mình một phần tư trái đất, nhiệt độ lúc này là -8 độ C. Chồng chị chỉ được vào thăm một tiếng mỗi ngày nên có lẽ chị sẽ thèm lắm một cái ôm ấm áp. Con ước gì mình đang có mặt ở đó, để được nhìn ngắm cháu ngoại của ba, để được dìu con gái của ba khi chị cần một bờ vai bên cạnh.
***
Ba còn nhớ không, cái hồi chị mới lẫm chẫm tập đi, trọ trẹ học nói, ba đã đèo chị ra chợ cùng ba? Đứa con gái “rượu” ngồi cười đùa bên giỏ gà ba bán. Chị đòi ăn bánh đúc, chị muốn ăn bánh đập, chị thèm ăn bánh căn… Nào là chè đậu, xoa xoa, rồi đến bột lọc, bún mắm… Mỗi lần nhắc lại, ba đều cười khà khà, bảo chị ăn nhiều mà sao vẫn còi như… con mắm.
Ngày chị đi học, mỗi lần chị thức khuya ôn bài, ba đều thức cùng chị. Mấy cái hột vịt lộn ba luộc để dành sẵn luôn ấm nóng suốt tuổi thơ chị. “Trái rạ” nổi khắp người chị, ba cẩn thận thoa từng chấm thuốc. Chén thuốc bắc dẫu đắng nhưng chứa cả một trời yêu thương ba dành trong đó.
Con ra đời, chị bắt đầu tất tả ngược xuôi.
Nhạc phẩm nổi tiếng gần đây của Đen Vâu có đoạn lời như thế này:
“Tiếng nói đầu tiên là do ai dạy?
Nét chữ đầu tiên là tay ai cầm?
Sai lầm đầu tiên là nhờ ai sửa?
Vấp ngã đầu đời là được ai nâng?”.
Với chị, đó chính là ba. Còn với con, đó luôn là chị. Cho tới giờ, con vẫn không thể hình dung một đứa trẻ mới năm, sáu tuổi thì bồng ẵm, chăm em như thế nào. Đã có lần con trách chị vì lỡ làm con bị phỏng lửa. Những ám ảnh lở loét của mùa hè năm đó vẫn theo con mãi tới tận ngày trưởng thành. Vết sẹo còn rõ trên da thịt con là tủi hờn xa xót của quãng đời thiếu vắng bàn tay mẹ. Thật may ngày ấy, thay vì mẹ, chị đã đút con ăn từng chén cháo, ôm con ngủ từng buổi đêm đầy ác mộng.
|
Cháu ngoại của ba là một cô bé xinh xắn, ngoan ngoãn, hay ngủ và ít mè nheo (ảnh chụp bé Elisa, cháu gái của tác giả, vừa chào đời cuối năm 2021) |
Từ nhỏ, con vốn ốm yếu, dễ đau bệnh. Có lần, con sốt tới co giật, chị thức thâu đêm lau người cho hạ nhiệt. Những khi ba say rượu, nổi cơn thịnh nộ mất kiểm soát, chị đã chở che con đi trốn. Từng bước con tới trường, chính tay chị dìu dắt.
Con vẫn chưa quên những ngày tết, ba hay cùng chị em con về quê nội. Con ngồi trên gác-ba-ga chiếc xe đạp cọc cạch của ba, đường xóc muốn ê mông còn chị lóc cóc đạp xe bên cạnh. Ba dẫn tụi con lên gò cát thắp nhang cho ông bà. Những năm mưa xuân lất phất bay, cát trở nên ẩm, dễ đi. Năm nào nắng lên sớm, chân con lún sâu dưới cát khô và cỏ bụi, nhấc từng bước khó khăn vòng vèo ngang dọc. Những lúc ấy, chị đã nắm tay hoặc cõng con đi.
Nếu đời con không có chị thì làm sao có thể lớn lên kiêu hãnh như bây giờ được, phải không ba?
***
“Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Phải chăng vì câu này mà chị em con nối tiếp nhau rời xa nhà? Ba ngày càng già đi, đường về nhà của tụi con lại ngày càng dài ra tít tắp.
Buổi sớm trước khi vào Nam, con đã muốn gọi ba dậy để chào tạm biệt. Nhìn thấy tấm lưng cong cuộn vì lạnh, con không nỡ làm phiền giấc ngủ của ba, đành cứ thế mà đi, trong lòng vững tin rằng tới khi quay lại, ba vẫn ở đó cười mừng: “Con gái út của ba về rồi đó à!”.
Con đã qua bao mùa sứa trộn, mùa ốc lể, mùa khoai nướng nhưng không ở cùng ba và chị. Ở xứ người, chưa một lần con ăn trứng vịt lộn bởi vì “phần con vịt lộn” không có ba ăn giùm. Nhiều lúc con da diết mong được chạy vù ra chợ mua mớ cá chuồn về kho mít non cho bữa cơm ba con mình.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Chị vào Sài Gòn, rồi chị theo chồng bay sang Đức. Vì COVID-19 nên chị khó có thể đến chợ người Việt để mua mấy món quê. Lúc gọi điện cho con, chị bảo chị thèm quay quắt món mắm cái xứ mình. Chị cũng muối cá, ủ mắm như ngày xưa ba dạy nhưng chẳng thể nào tìm được chút hương vị quê xưa.
Trời lạnh thế này mà bưng chén cơm nóng ăn kèm mắm cá cơm thì hết veo ba nhỉ?
Ba biết không, tháng lương đầu tiên khi con đi làm, con đã tự thưởng cho mình một bữa thịt bò nướng ngon đã đời. Con ăn luôn cả phần mà ba không thể. Tụi con trưởng thành, làm ra tiền rồi nhưng chiếc áo sơ mi cũ sờn của ba lại chẳng cách nào thay mới được nữa. Tụi con chưa kịp làm được gì cho ba…
Mùa xuân năm đó đã lấy đi của chị em con cơ hội được nói lời tạm biệt với người tụi con yêu thương nhất cuộc đời.
Đáng lẽ vào cái ngày ba nhận nhầm con là chị, con phải nhận ra là ba đã đi đến đoạn cuối của cuộc đời. Giá như con nhạy cảm hơn chút nữa thì đã không để lỡ lời yêu thương ở lại trong hai chữ “lần sau”.
Ba không ra đi vì COVID-19. Khi cơn dịch bệnh khủng khiếp ùa tới làm tất thảy mọi người đều quay về với gia đình thì chị tận bên kia đại dương và con ở đây lại chẳng còn ai để tựa vào. Có lẽ phước lành lớn nhất mà mọi người nhận được trong đời chính là vào những lúc yếu đuối, mỏi mệt, vẫn có nơi để trở về và người thân, gia đình vẫn còn ở đấy, bình an.
***
Bữa trước, khi dọn dẹp mớ sách còn sót lại của ba, con nhìn thấy một xấp giấy khen. Đó là những phần thưởng mà chị em con nhận được trong suốt mấy năm đi học. Ba đã treo tất cả giấy khen lên tường với niềm tự hào vô bờ.
Bây chừ, dù tụi con có đi qua bao hành trình nữa trong đời thì cũng chẳng còn ba ở phía sau cổ vũ hay tự hào nữa rồi. Thế nhưng nếu tấm bằng khen quan trọng nhất trong cuộc đời ba là chúng con đã nên người, thì ba cứ yên tâm rằng chị em con sẽ cố gắng giữ gìn và trở thành người thiện lương như ba mong muốn.
Con còn tìm thấy tờ lịch cũ mèm, vàng hoen mà ba ghi chú vào đó ngày giờ chị ra đời. Năm dài tháng rộng, thời gian trôi qua không ai kịp nắm lấy, hôm nay con cũng sẽ đánh dấu lên tờ lịch như ba từng làm để dù bao lâu chăng nữa, những gì quan trọng vẫn được lưu giữ lại giống như sự nâng đỡ và tình thương của ba đã theo tụi con suốt cả cuộc đời.
Ngày chị sinh cháu ở một châu lục khác, bên này, con òa khóc như chính ngày mình sinh ra. Nếu chưa đi xa vĩnh viễn, hẳn ba sẽ khoe khắp mọi người, rằng ba vừa lên chức ông ngoại và mỉm cười hạnh phúc vì con gái ba giờ đây đã thực sự có một gia đình để yêu thương.
Vào ngày chị sinh, dù chỉ trong mơ thôi, con thực sự muốn được gặp ba một lần.
Mộc Yên