Ngày càng nhiều trẻ mắc các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài

03/02/2022 - 06:51

PNO - Mặc dù chiếm tỷ lệ khá thấp nhưng số lượng trẻ em ở một số quốc gia bị các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài đang tăng lên. Các chuyên gia y tế cho rằng, tiêm ngừa cho trẻ vẫn là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ.

Javanese Hailey - giáo viên dạy toán trung học cơ sở và trung học phổ thông, sống tại thị trấn Manassas, phía bắc bang Virginia, Mỹ - phát hiện con gái của mình đang cúi rạp người vì đau đớn khi đang ở nhà.

Haley Bryson đang chịu đựng các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài
Haley Bryson đang phải chịu đựng các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài

Đó là vào một buổi tối Chủ nhật của tháng Mười năm ngoái, khi cô bé 9 tuổi - đang học lớp Bốn, rất yêu thích môn bóng rổ và thể dục dụng cụ - gần như không thể đi lại do bị đau bụng dữ dội.

Khi Hailey hỏi con gái - Haley Bryson - cho điểm trên thang điểm từ 0 đến 10 về mức độ đau đớn của mình, cô bé đã trả lời trên mức 10.

Trong khoảng 2 tháng, Haley đã trải qua một số triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, đau bụng, đau họng, đau tai hoặc khó thở. Bé tự chấm mức độ đau đớn thường vào khoảng 6 hoặc 7. Hailley cho biết, con gái mình thường gục xuống giường mỗi khi đi học về và đã sụt gần 8kg, trong khi thân hình bé vốn đã nhỏ nhắn.

“Các triệu chứng của bé dường như không xuất hiện theo một quy luật nào. Có một số ngày, bé bị đau hơn những ngày khác. Cũng có lúc, bé thậm chí không thể ra khỏi giường do quá đau. Đó là điều đáng sợ nhất mà tôi từng trải qua trong đời” - Hailey cho biết.

Haley bắt đầu bị các triệu chứng nói trên ngay sau khi bé và mẹ bị nhiễm COVID-19 vào đầu tháng 8/2021. Cả hai đều có phản ứng tương đối nhẹ và đã hồi phục nhanh sau đó. Nhưng vài ngày sau, Haley lại phát bệnh.

Vào tháng 10/2021, sau gần 10 lượt được khám với bác sĩ nhi khoa, đưa vào khu chăm sóc khẩn cấp và phòng cấp cứu, bé đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia ở Washington DC. Tại đây, bé được chẩn đoán mắc chứng hậu COVID-19 kéo dài và được điều trị trong Chương trình Nhi khoa hậu COVID-19 dành cho các bệnh nhân dưới 21 tuổi.

Theo tờ The Guardian, mặc dù trẻ em là đối tượng ít bị các triệu chứng hậu COVID-19, nhưng tại Mỹ, ngoài Haley, còn nhiều trẻ em khác đang phải đối mặt với một loạt triệu chứng - từ đau đầu, đau bụng, chóng mặt, đến mệt mỏi, sương mù não và thay đổi tâm trạng - kéo dài sau khi các em bị nhiễm bệnh lần đầu tiên.

Các bác sĩ cho biết, các triệu chứng hậu COVID-19 có thể kéo dài từ 4 tuần đến vài tháng, và biểu hiện khác nhau tùy theo từng giai đoạn phát triển, nhưng nhìn chung đều ảnh hưởng đến hầu hết mọi lứa tuổi, ngay cả trẻ sơ sinh.

Một nghiên cứu của Đan Mạch - dựa trên khảo sát khoảng 37.500 trẻ em và được công bố trên Tạp chí Nhi khoa châu Âu vào tháng 12/2021 - cho thấy, có chưa đến 1% trẻ em dương tính với COVID-19 báo cáo các triệu chứng kéo dài hơn 4 tuần.

Một báo cáo vào tháng 4/2021 ở Ý - dựa trên khảo sát 129 trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 - cũng cho kết quả, khoảng 43% gặp ít nhất một triệu chứng, kéo dài hơn 60 ngày sau lần nhiễm bệnh đầu tiên.

Carlos Oliveira - bác sĩ bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Trường Y khoa Yale Medicine - cho biết, chương trình chăm sóc hậu COVID-19 dành cho trẻ em Yale New Haven đã tiếp nhận 6-8 em đến điều trị triệu chứng hậu nhiễm kéo dài mỗi tháng, trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11/2021.

Theo ông Oliveira, hiện chỉ có một số giả thuyết về nguyên nhân gây ra các triệu chứng hậu COVID-19. Một trong số đó cho rằng, do một số protein của virus tồn tại trong cơ thể và liên tục rò rỉ vào máu, gây ra phản ứng lên hệ thống miễn dịch. Một giả thuyết khác cho rằng, đó là một loại quá trình tự miễn dịch, trong đó các kháng thể được tạo ra để chống lại virus tấn công vật chủ, dẫn đến những tổn thương kéo dài sau khi virus đã không còn.

Trong những tháng gần đây, cũng đã có một số nghiên cứu về triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài. Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết, đang bắt đầu các nghiên cứu về đề tài này trên phạm vi toàn quốc, bao gồm cả đối tượng trẻ em.

Trong khi đó, tiến sĩ Frank Bell - bác sĩ bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Trung tâm Y tế Thụy Điển ở Seattle - nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc phòng ngừa những triệu chứng này.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trong số hơn 848.000 người tử vong do COVID-19 ở nước này, có 727 người dưới 18 tuổi. Theo Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), số trường hợp trẻ em bị bệnh phải nhập viện chiếm chưa đến 1,5%.

Tuy nhiên, việc tiêm chủng cho trẻ em ở Mỹ diễn ra khá chậm so với cho người lớn. Đến tháng 5/2021, CDC mới khuyến nghị tiêm vắc-xin  Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi, và đến tháng 11/2021, cơ quan này mới cho phép sử dụng cùng loại vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Hiện, trẻ em dưới 5 tuổi vẫn chưa đủ điều kiện để được tiêm ngừa.

Theo CDC, đến nay, chỉ có 20% trẻ từ 5 đến 11 tuổi và 55% trẻ từ 12 đến 17 tuổi ở Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ này ở tất cả các nhóm tuổi trưởng thành là 60%.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI