Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Hữu Thịnh - Quản lý và Điều hành Khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, sau cao điểm dịch COVID-19, lượng khách đến khoa này tăng gấp đôi so với trước đó, trong đó nam giới chiếm khoảng 20% tổng số khách hàng.
Ông cho hay, cánh mày râu ngày càng quan tâm hơn đến nhan sắc, hình thức bên ngoài. Trước đây, đàn ông hay hút thuốc, cho rằng răng ố vàng, da sạm nắng mới giàu nam tính. Nhưng hiện nay, nhiều người đến thẩm mỹ viện làm trắng da và răng. Nam cũng chọn các kỹ thuật làm đẹp như nữ, gồm trị sẹo lồi, sẹo rỗ do mụn, xóa nhăn, tiêm botox hoặc filler để trẻ hóa da, cắt da mỡ thừa mí mắt, nâng mũi, cấy mỡ tự thân vùng mặt, căng da mặt, cắt da mỡ thừa vùng bụng, hút mỡ bụng…
Theo phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Hành - Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam, cố vấn chuyên môn Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy - trước đây, can thiệp thẩm mỹ trên nam giới và nữ giới có khá nhiều điểm khác biệt. Có những cuốn sách chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ cho nam giới. Những bộ phận thường được chỉnh sửa ở nam giới là mũi và cằm bởi chúng quyết định nét nam tính trên khuôn mặt.
|
Hình ảnh quảng cáo về gói làm đẹp cho nam giới trên mạng xã hội Facebook |
Gần đây, sự khác biệt giữa phẫu thuật cho nam và nữ không còn rõ như trước do có một bộ phận nam giới chạy theo nét đẹp phi giới tính, muốn chỉnh sửa các đường nét trên khuôn mặt theo hướng mềm mại hơn, như mũi cao hơn, nhọn hơn, cằm nhọn, cung mày cong, mắt to.
“Nam giới cũng có nhu cầu hút mỡ bụng cho nhỏ lại. Một số ông cũng muốn đặt túi ngực để ngực to ra thay vì tập luyện” - bác sĩ Lê Hành nói.
Thành bại do hên xui?
Hiện nay, không chỉ những người của công chúng, người nổi tiếng trên mạng, nam giới làm văn phòng cũng phẫu thuật thẩm mỹ để có vóc dáng, gương mặt đẹp hơn. Nhưng, nếu chọn phẫu thuật “cải tạo nhan sắc” ở bệnh viện thì khả năng thành công luôn cao hơn; chọn phẫu thuật ở những cơ sở không có chức năng và chuyên môn cao thì mức độ rủi ro luôn cao hơn.
Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh kể, Khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM từng tiếp nhận khách hàng V.T.Đ. - 30 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai. V.T.Đ. có mũi tẹt, mắt một mí, làn da đen, đang làm người mẫu ảnh, youtuber nhưng chưa thành công do nhan sắc kém thu hút. Sau khi được nâng mũi, bơm môi, nhấn mí mắt, lấp đầy 2 rãnh rồng (khóe miệng), làm trắng da, Đ. lột xác hoàn toàn, sau đó khoe đã nhận được nhiều hợp đồng làm người mẫu ảnh và kênh YouTube của anh tăng lượt theo dõi nhanh chóng.
Năm ngoái, youtuber Khoa Pug gây xôn xao cộng đồng mạng khi chi 5 tỉ đồng để phẫu thuật kéo dài chân ở Mỹ. Từ chiều cao chỉ 1m67, sau khi kéo chân, Khoa Pug cao 1m75, đi lại bình thường. Theo Khoa Pug, việc quyết định phẫu thuật là để trải nghiệm và chia sẻ lại quá trình này cũng như đánh giá (review) về dịch vụ y tế ở Mỹ cho khán giả của kênh Khoa Pug trên YouTube với thông điệp “Nếu bạn xấu, bạn có thể làm cho mình đẹp hơn”.
|
Một spa quảng cáo việc truyền tế bào gốc làm đẹp cho một người đàn ông trên mạng xã hội |
Trước khi đăng quang quán quân chương trình Cười Xuyên Việt 2015 (Đài truyền hình Vĩnh Long), diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm từng gặp nhiều trở ngại với sân khấu do ngoại hình có phần hạn chế. Năm 2007, với mong muốn vào Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, anh đã bán dây chuyền của mẹ, mượn thêm tiền của bạn được 13 triệu đồng để vào bệnh viện sửa mũi. Nhờ tự tin vào ngoại hình, Bảo Lâm đã thi đậu vào trường này và có những thành công trong sự nghiệp. Tương tự, ca sĩ Đức Phúc cũng từng phẫu thuật thẩm mỹ để chỉnh sửa ngoại hình, nhờ đó tự tin trước đám đông khán giả và có nhiều cơ hội tiến xa hơn trong con đường âm nhạc của chính mình.
Tuy nhiên, không phải ai trải qua phẫu thuật thẩm mỹ cũng thành công, nhất là những quý ông chọn chỉnh sửa dung nhan ở các cơ sở không phép, do các phẫu thuật viên “tay ngang” thực hiện. Theo bác sĩ Vũ Hữu Thịnh, mỗi tháng, Bệnh viện Đại học y dược tiếp nhận, điều trị 1-2 ca biến chứng do tiêm filler ở các cơ sở không có chức năng giải phẫu, làm thủ thuật, như spa, tiệm làm móng, làm tóc. Ở đó, người làm nghề không có chuyên môn y tế, tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Như trường hợp anh V.V.N. - 27 tuổi, ở tỉnh Long An - nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng, hoại tử toàn bộ vùng da mũi, mất thị lực mắt phải sau khi tiêm filler ở một spa.
Không ít trường hợp mất mạng sau khi phẫu thuật thẩm mỹ. Đầu năm 2020, ông D.T.D. - 43 tuổi, ở TP Hà Nội - đã tử vong sau khi đến thẩm mỹ viện Việt Hàn (TPHCM) hút mỡ. Ngày 8/4 vừa qua, ông L.S.B. - 45 tuổi, người Đài Loan (Trung Quốc) - tử vong sau khi hút mỡ bụng, đùi, cằm ở Bệnh viện Korean Star - Sao Hàn (TPHCM).
Spa, tiệm tóc cũng tiêm tế bào gốc
Theo ghi nhận của chúng tôi, dù chưa được cấp phép, kỹ thuật tiêm tế bào gốc tự thân (PRP - platelet rich plasma) - tức lấy máu tự thân (của khách) quay ly tâm để lấy phần giàu tiểu cầu tiêm ngược vào da - vẫn đang được các spa quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, trong khi spa chỉ có chức năng chăm sóc da (không can thiệp bằng dao, kéo, kim tiêm).
“Số khách nam chọn kỹ thuật này nhiều bằng số khách nữ bởi nó an toàn, hiệu quả” - chủ spa G.N. - ở quận 11, TPHCM - nói. Ngày 20/5, fanpage (trang trên Facebook) của spa này đăng cảnh chủ spa đang tiêm một ống máu cho khách hàng kèm lời quảng cáo rằng muốn da căng bóng, xóa nếp nhăn, trị mụn, lấp đầy sẹo rỗ thì phải tiêm máu tự thân 5 lần, mỗi lần 2 triệu đồng; nếu đồng ý thì spa sẽ xếp lịch vì hiện đã kín lịch.
Các spa Lami Spa Beauty (huyện Hóc Môn), Bo Meso, Trang Spa (quận Phú Nhuận) cũng đăng video, ảnh tiêm PRP tràn ngập trên mạng, giá 2-2,5 triệu đồng/lần tiêm và 3 triệu đồng/lần nếu tiêm PRP theo phương pháp meso (tiêm vi điểm trên mặt).
“Hiện nay, cơ quan quản lý y tế nhiều nước - trong đó có Việt Nam - chưa cho phép dùng tế bào gốc trong lĩnh vực thẩm mỹ. Việc quảng cáo khoa trương trên mạng về PRP là hành vi trục lợi bất chấp sức khỏe khách hàng”. Bác sĩ Lê Hành |
Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh thông tin, gần đây, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM thỉnh thoảng tiếp nhận các trường hợp bị đau hoặc cảm thấy lo lắng sau khi tiêm PRP để làm to ngực, trẻ hóa da, trị mụn, trị sẹo… Có trường hợp tiêm PRP, tiêm filler cả chục lần từ tiệm uốn tóc, spa.
|
Một số spa chỉ có chức năng chăm sóc da nhưng vẫn quảng cáo rầm rộ phương pháp tiêm tế bào gốc tự thân - một kỹ thuật chưa được phép thực hiện ở Việt Nam |
Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh cảnh báo: “Tiêm tế bào gốc tự thân rất nguy hiểm do không thể đảm bảo dụng cụ vô trùng 100%, cho dù có đảm bảo vô trùng thì khi tiêm vào, sẽ không có tác dụng gì bởi cơ thể tự hấp thu rồi đào thải giống như khi tiêm nước muối sinh lý. Đáng sợ nhất là biến chứng nhiễm trùng sau tiêm, tắc động mạch máu, hoại tử da do tiêm quá sát da. Không chỉ tiêm tế bào gốc tự thân mà cả tế bào gốc được cho là nhập khẩu cũng nguy hiểm bởi không ai biết chất lượng sản phẩm thế nào, thậm chí người tiêm cũng không biết chất đó là gì”.
Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh cũng cho biết, nam giới thường bị biến chứng khi phẫu thuật mũi, mắt, cằm. Việc tiêm chất làm đầy cũng để lại những biến chứng nặng nề ở nam giới. Bệnh viện Đại học y dược TPHCM từng tiếp nhận những trường hợp nam giới bị nhiễm trùng, dị ứng dị vật, hoại tử da sau khi được spa, thợ tay ngang nâng mũi, cắt da mỡ bụng, tiêm chất làm đầy.
Nên làm đẹp ở nơi có giấy phép để được an toàn Theo phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Hành, sở y tế quản lý những bác sĩ có giấy phép hành nghề về thẩm mỹ nội khoa và phẫu thuật thẩm mỹ. Các cơ sở chăm sóc da, spa, làm tóc, làm móng (nail) thì do sở khoa học và công nghệ cấp phép, UBND cấp phường quản lý. Nhìn chung, việc quản lý về hành nghề thẩm mỹ ở các cơ sở này chưa đủ hiệu quả; một số cơ sở còn hoạt động theo kiểu bất chấp, thực hiện các kỹ thuật vượt ngoài chức năng và chuyên môn. Cần có những quy định cụ thể, xử lý nghiêm khắc đối với những kiểu làm ăn chụp giật, nguy hiểm này. Đối với những người có nhu cầu “tút tát nhan sắc”, bác sĩ Lê Hành khuyên: “Hãy là khách hàng khôn ngoan, biết chắt lọc thông tin và tìm đến những địa chỉ uy tín, có giấy phép, những bác sĩ có chứng chỉ hành nghề để được an toàn hơn”. Theo ông, khách hàng có thể tham khảo danh sách các bệnh viện thẩm mỹ, các khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện và các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ có bác sĩ được cấp giấy phép hành nghề qua trang web của sở y tế. Ngoài ra, trên trang web của Hội Tạo hình thẩm mỹ Việt Nam và Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM cũng có danh sách các hội viên - là những người có đủ tiêu chuẩn và năng lực để hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ. |
Thanh Hoa