Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh tự miễn, vì sao?

20/12/2024 - 06:16

PNO - Các bệnh viện đã ghi nhận ngày càng nhiều người trẻ sớm mắc bệnh tự miễn. Bên cạnh yếu tố di truyền, lối sống không lành mạnh hoặc tập luyện thể thao quá sức cũng là tác nhân thúc đẩy bệnh tự miễn khởi phát.

Suy thận mới biết bị Lupus ban đỏ

Ở Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy, có từ 70 - 80% trường hợp lupus ban đỏ ở độ tuổi từ thiếu niên tới khoảng 40. Đa số bệnh nhân chia sẻ rằng, trong một thời gian dài, họ đã nhầm lẫn dấu hiệu bệnh này với các bệnh khác do triệu chứng khá mơ hồ. Tới khi bệnh gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng, họ mới biết mình mắc lupus ban đỏ.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Khoa - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp của bệnh viện - cho hay: “Nhiều bệnh nhân trẻ tuổi được chẩn đoán khởi phát sớm bệnh lupus ban đỏ có các yếu tố nguy cơ liên quan như thường xuyên thức khuya, hút thuốc lá, căng thẳng quá độ, thừa cân béo phì, tập luyện thể thao quá mức…”.

Bác sĩ  Trần Thiên Tài tư vấn cho một bệnh nhân về khởi phát sớm bệnh tự miễn  - ẢNH: M.T.
Bác sĩ Trần Thiên Tài tư vấn cho một bệnh nhân về khởi phát sớm bệnh tự miễn - ẢNH: M.T.

Một bệnh nhân là chị L.T.T. - 41 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM - mỗi ngày rất bận rộn việc cơ quan, đưa đón con đi học, cơm nước... Đầu óc luôn căng thẳng khiến chị mất ngủ. Nửa năm nay, chị còn bị đau nhức các khớp ngón tay, khớp gối. Ban đầu, chị nghĩ do mình sinh nở không kiêng khem, đụng nước sớm.

Chị từng đi khám bệnh xương khớp, điều trị cả theo phương pháp đông y như đắp thuốc, châm cứu, sắc thuốc uống mà bệnh không thuyên giảm. Chị đau khớp tới mức không đi được, ngày tới Bệnh viện Chợ Rẫy khám phải ngồi xe lăn. Sau khi kiểm tra, làm các xét nghiệm..., bác sĩ Nguyễn Đình Khoa chẩn đoán bệnh nhân bị lupus ban đỏ. Bệnh nhân bị biến chứng ảnh hưởng chức năng thận, thiếu máu rất nặng nên đã phải nhập viện.

Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận nam sinh viên 19 tuổi, thường thức khuya, dậy sớm học bài căng thẳng. Nửa năm qua, nam sinh bị ớn lạnh, tóc rụng, mệt mỏi, uể oải nên đi khám phòng khám tư và truyền dịch vì nghĩ cơ thể suy nhược. Sau đó, nam sinh bị sốt, nhập viện mới biết bị lupus ban đỏ. Nam sinh cũng bị thiếu máu và chức năng thận bị ảnh hưởng, diễn tiến xấu đi rất nhanh.

Viêm thành mạch do bệnh tự miễn

Tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, thạc sĩ, bác sĩ Trần Thiên Tài - Trưởng Đơn vị dị ứng - miễn dịch lâm sàng - cho biết cũng ghi nhận không ít trường hợp người trẻ mắc bệnh tự miễn. Bệnh tự miễn ở người trẻ gặp nhiều nhất ở nhóm bệnh lupus ban đỏ, bên cạnh đó là viêm mạch máu dạng Henoch Schonlein.

Mới đây, bệnh viện đã tiếp nhận nam bệnh nhân P.V.Đ. - 26 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM - mê thể thao, thường xuyên tập gym. Bỗng dưng, Đ. hay bị sốt theo đợt, chân, tay nổi các chấm xuất huyết li ti. Ban đầu, nam bệnh nhân tưởng mình bị sốt xuất huyết. Càng lúc, Đ. càng mệt mỏi, chẳng đủ sức tham gia hoạt động gì, thậm chí phải xin nghỉ phép liên tục, gián đoạn công việc.

Tới khám tại Đơn vị dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Đ. được chẩn đoán bị bệnh tự miễn viêm mạch hệ thống dạng Henoch Schonlein. Khi mắc bệnh này, cơ thể tự sinh ra kháng thể tấn công vào thành mạch máu, khiến thành mạch bị viêm gây ra xuất huyết mao mạch. Bệnh cần điều trị theo các đợt cấp tính, nếu không phát hiện và kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng tới chức năng thận.

Theo bác sĩ Trần Thiên Tài, lối sống và môi trường được coi là yếu tố thúc đẩy khởi phát bệnh tự miễn. Chẳng hạn, khi ta tiếp xúc bụi mịn, tia UV (những người làm việc thường xuyên dưới ánh nắng mặt trời không có đồ bảo hộ), thức khuya, stress thì cơ thể sẽ kích hoạt hệ miễn dịch trong trạng thái quá mẫn cảm. Tia UV có thể xuyên qua da và tấn công vào tế bào, làm chết tế bào. Nếu tình trạng này xảy ra nhiều thì lâu dài sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Bác sĩ Nguyễn Đình Khoa lưu ý, mặc dù hầu hết bệnh tự miễn khó có thể ngăn chặn hoàn toàn vì thường sẽ liên quan tới các yếu tố nội tại trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu gia đình đã có người mắc bệnh tự miễn thì các thành viên khác cũng nên tầm soát để phát hiện sớm.

Nên duy trì lối sống lành mạnh, cố gắng giữ tinh thần đừng bị stress quá độ. Stress và mất ngủ làm tăng nguy cơ tiến triển của bệnh lupus. Viêm khớp dạng thấp cũng là bệnh tự miễn và được chứng minh liên quan rất chặt chẽ với người hút thuốc lá. Hoạt động tập luyện quá mức không hề tốt.

Tất cả những yếu tố kể trên làm thay đổi đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Nếu thấy có các triệu chứng kéo dài mà không rõ nguyên nhân như rụng tóc, mệt mỏi, sốt kéo dài, hoa mắt, chóng mặt, nổi ban, vết loét niêm mạc thì nên đi khám sớm.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI