Ngày càng nhiều người chuộng xe máy điện

22/10/2024 - 06:05

PNO - Làm nghề giao nhận hàng (shipper), mỗi ngày, anh Nguyễn Quang Kiện (quận Gò Vấp, TPHCM) chạy khoảng 100km, chi phí sạc điện chỉ khoảng 12.000 đồng, nhưng nếu chạy xe xăng, anh tốn khoảng 55.000 đồng.

Anh Nguyễn Quang Kiện kể, trước đây, anh chạy xe máy nhãn hiệu Wave. Xe cũ nên thường xuyên hỏng hóc. Ngoài việc tốn tiền mua hơn 2 lít xăng mỗi ngày, anh còn tốn tiền bảo dưỡng, thay thế phụ tùng. Cách đây

4 tháng, xe hư hỏng nặng, tiệm thông báo tiền sửa hơn 3 triệu đồng, anh Kiện quyết định bán lại chiếc xe này và mua chiếc xe máy hiệu Quantum của DatBike chạy bằng điện với giá gần 54 triệu đồng, bao gồm chi phí giấy tờ. Anh chỉ trả trước 34 triệu đồng, trả góp 20 triệu đồng còn lại. So với chạy xe máy bằng xăng, anh Kiện tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng/tháng, gần đủ để trả góp hằng tháng.

Anh nói: “Trước đây, tôi nghĩ xe điện chạy yếu, phải tìm trạm sạc hoặc phải tháo đổi pin nhưng giờ tôi mới biết, chạy xe máy điện cũng tiện lợi, tốc độ ngang bằng xe xăng, sạc pin dễ như sạc điện thoại, nhiều xe có phần mềm tích hợp với điện thoại thông minh, nhiều quán ăn, quán nước có dịch vụ sạc điện”.

Người dân chọn mua xe máy điện ở một cửa hàng trên đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức - ẢNH: Q.B.
Người dân chọn mua xe máy điện ở một cửa hàng trên đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức - Ảnh: Q.B.

Từng đi xe đạp điện từ hồi học phổ thông, lúc tốt nghiệp đại học và đi làm ở ngân hàng trong quận 1, TPHCM, chị Nga mua chiếc xe máy điện hiệu Klara S của Vinfast. Chị cho hay: “Trước đây, nhiều điểm giữ xe không nhận xe máy điện vì sợ cháy nổ nhưng bây giờ, họ có khu dành riêng cho xe máy điện, thậm chí bố trí sẵn cổng sạc”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, thị trường xe máy điện ở TPHCM khá sôi động. Trên các tuyến đường từng chuyên bán xe máy chạy xăng như Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), An Dương Vương (quận 5), Nguyễn Tri Phương (quận 10), Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức)… hiện nay đã có thêm những cửa hàng bán xe máy điện. Bên cạnh xe máy điện, xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), còn có xe điện của nhiều nhà sản xuất trong nước như VinFast, Selex Motor, DatBike… Các dòng xe này cũng thay đổi nhanh về kiểu dáng, tốc độ, pin và phạm vi hoạt động (số km đi được sau mỗi lần sạc), trang bị tiện ích an toàn, giá bán rẻ.
Giá xe máy điện cũng thuộc dạng “mềm”: xe Evo của VinFast, xe Pega go-S của Pega, xe của Yadea có dáng giống xe chạy xăng Wave chỉ trên dưới 20 triệu đồng/chiếc; xe có kiểu dáng giống xe xăng tay ga SH, Vision có giá trên 50 triệu đồng/chiếc. Những xe này hiện đều tích hợp các ứng dụng (app), phần mềm - điều mà xe xăng không có.

Ông Tám Hùng - chủ cửa hàng xe máy trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TPHCM - cho biết, trước đây, phần lớn xe điện dùng ắc quy, còn hiện nay, các dòng xe máy điện dùng pin lithium, có những tính năng vượt trội so với xe xăng. “Nhiều người đến cửa hàng xem xe thường cân nhắc giữa mua xe điện hay xe xăng nên chúng tôi mở bán xe xăng lẫn xe điện. Phí làm thủ tục mua bán, sở hữu xe máy điện cũng giống xe xăng. Nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích chạy xe máy điện, lượng người mua xe điện sẽ tăng nhanh” - ông nói.

Theo báo cáo của Ngân hàng HSBC vào đầu năm 2024, sức tiêu thụ xe máy điện của Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á và đứng thứ hai toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. Còn theo Bộ Công Thương, cuối năm 2023, cả nước có khoảng 2,3 triệu xe máy điện.

Sau mỗi lần sạc điện, các dòng xe nước ngoài có thể di chuyển khoảng 100km, các dòng xe trong nước có thể di chuyển được 120 - 160km, riêng dòng xe Quantum của DatBike có thể di chuyển 250 - 270km.

TPHCM nên hỗ trợ các phương tiện xanh

TPHCM đang hướng đến phát triển giao thông xanh, trong đó có thay thế xe bus, xe máy… chạy xăng, chuyển sang xe chạy điện. Kinh nghiệm quốc tế và bối cảnh của TPHCM cho thấy, để tạo cơ sở vững chắc cho sự chuyển đổi này, cần một số giải pháp để thúc đẩy nhanh. Trong đó đặc biệt tăng cường khả năng tiếp cận tài chính khí hậu (thuật ngữ chỉ các nguồn tài chính cung cấp nhằm hỗ trợ các dự án phát triển xanh, thân thiện với môi trường).

Để thực hiện, Nhà nước cũng cần có chương trình trợ cấp tài chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Những hỗ trợ có thể là trực tiếp cho dự án giao thông xanh. Chẳng hạn, chuyển đổi 2.000-3.000 xe buýt điện, hạn chế xe máy xăng… cần có những ưu đãi về miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, cá nhân… đầu tư vào các giải pháp về giao thông xanh; trợ cấp, trợ giá cho các nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị kinh doanh sử dụng các phương tiện xanh, người tiêu dùng…
Thành phố có thể chỉ đạo thực hiện tháo gỡ các rào cản gây cản trở phát triển các phương tiện xanh như trạm sạc, chi phí sản xuất, nhận thức và thói quen của người dân với phương tiện xanh. Đồng thời tiếp cận các nguồn tài trợ tài chính quốc tế cho các chương trình chuyển đổi xanh; tạo thêm các quỹ đầu tư cho giao thông xanh…

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải, trường Đại học Việt Đức

Quang Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI