Ngày càng nhiều nam giới bị lừa bán, cưỡng bức lao động

24/06/2024 - 13:04

PNO - Theo ĐBQH, hầu hết các dịch vụ hỗ trợ hiện mới tập trung vào nạn nhân nữ, trong khi nam giới bị lừa bán ít được quan tâm hơn.

ĐBQH Nguyễn Thị Khánh Thu đề nghị có thêm các dịch vụ hỗ trợ cho nam giới là nạn nhân mua bán người
ĐBQH Nguyễn Thị Khánh Thu đề nghị có thêm các dịch vụ hỗ trợ cho nam giới là nạn nhân mua bán người (ảnh: Quốc hội)

Góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), sáng 24/6, ĐBQH Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho biết, trước đây, nạn nhân mua bán người chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái. Song hiện nay, có rất nhiều nạn nhân là nam giới bị mua bán trong độ tuổi thanh thiếu niên.

Thủ đoạn chính là lừa thanh niên đi làm việc nhẹ lương cao rồi sau đó đưa qua biên giới, cưỡng bức lao động và tài sản. Do đó, đây là đối tượng cần được quan tâm hơn trong công tác phòng, chống mua bán người.

ĐBQH Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cũng chỉ ra, còn khoảng trống nhất định trong việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ giữa nạn nhân nam và nữ.

Các dịch vụ hỗ trợ mới chỉ tập trung vào nạn nhân nữ bị mua bán qua biên giới làm vợ hoặc làm mại dâm. Những nhóm có nguy cơ khác như nam công nhân là nạn nhân của mua bán người làm việc tại các công trường xây dựng, dịch vụ, đánh bắt hải sản... thường ít nhận được sự quan tâm hơn.

Vì vậy, để bảo đảm đầy đủ quyền của nạn nhân bị mua bán, ĐBQH Trần Khánh Thu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ…

ĐBQH Phạm Đình Thanh lưu ý hành vi mua bán người còn
ĐBQH Phạm Đình Thanh lưu ý về hành vi chăn dắt người ăn xin (ảnh: Quốc hội)

Bên cạnh đối tượng nam giới, một trong những nạn nhân của mua bán người được các ĐBQH đặc biệt lưu ý là người bị chăn dắt đi ăn xin.

ĐBQH Phạm Đình Thanh cho rằng, đây là tệ nạn vô nhân đạo. Ngoài thiếu niên, nhi đồng, những nạn nhân này còn có cả người khuyết tật. Do đó, ĐBQH đề nghị bổ sung người khuyết tật vào nhóm cần được tuyên truyền thông tin, phòng chống mua bán người.

Liên quan tới vấn đề này, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho hay, Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đã liệt kê rất đầy đủ các hành vi, thủ đoạn, mua, bán người. Trong khi đó, dự thảo Luật mới chỉ liệt kê một số thủ đoạn phổ biến.

ĐBQH kiến nghị, đối với các hành vi đã rõ như sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm; nô lệ tình dục, hiến tạng, hành vi bắt cóc, cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê; đầu độc nạn nhân, buộc nạn nhân phải đi ăn xin…

Trong thực tế có rất nhiều hành vi biến tướng, núp bóng dưới nhiều hình thức, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Do đó, cần nhận diện để làm rõ các yếu tố phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn.

ĐBQH đề nghị nghiên cứu hạn chế thấp nhất các hành vi như mang thai hộ, hiến tạng... nhưng đằng sau là mua bán người.

“Cần có quy định xử lý nghiêm minh chăn dắt trẻ em đi ăn xin. Giám sát Quốc hội đã đề cập, nhưng hiện nay mới giao cho ngành thương binh – xã hội để thực hiện các chế độ an sinh chứ chưa có quy định nào luật hóa vấn đề này” - bà nhấn mạnh.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu