Ngay cả bác sĩ, điều dưỡng cũng không nhận thức được tình trạng sức khoẻ tinh thần của chính mình

06/04/2024 - 07:56

PNO - Hầu hết mọi người không chấp nhận bản thân mình đang có vấn đề về sức khỏe tinh thần, đặc biệt là nhân viên y tế.

Chiều 5/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã tổ chức buổi hội thảo về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế lần 2, với sự tham gia của TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cùng các đại diện của bệnh viện trên địa bàn TPHCM.

Nhân viên y tế là nhóm nguy cơ về sức khỏe tinh thần

Theo các chuyên gia y tế, không chỉ người dân mà nhân viên y tế cũng chưa có nhận thức rõ về khái niệm sức khỏe tinh thần. Hầu hết mọi người không chấp nhận bản thân mình đang có vấn đề về sức khỏe tinh thần, đặc biệt là nhân viên y tế. Thông thường, bác sĩ, điều dưỡng cho rằng nghề nghiệp của mình là chăm sóc sức khỏe cho người khác, vì vậy không thể mắc bệnh này được.

Sau COVID-19, nhiều y bác sĩ gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần, ảnh minh họa
Sau COVID-19, nhiều y bác sĩ gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Ảnh minh họa

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Phương Thảo – Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết, đó là quan điểm sai lầm, bởi bất kỳ ai cũng có thể mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Cần hiểu rõ, một người khỏe mạnh thì sự cân bằng giữa thể chất và tinh thần rất quan trọng. Một bệnh nhân đang bị bệnh về thực thể, sự lo âu, stress sẽ xuất hiện, khi đó người bệnh có cảm giác chán nản, muốn buông xuôi, hoặc không tuân thủ điều trị, dẫn đến bệnh càng nặng hơn.

Mặt khác, một người đang có vấn đề về sức khỏe tinh thần sẽ ảnh hưởng đến cả thể chất, cảm xúc, nhận thức, hành vi. Người bệnh thường cảm thấy bản thân mệt mỏi, mất năng lượng, ăn không ngon, khó ngủ, đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, có nhiều dấu hiệu về hô hấp, tim mạch, thậm chí huyết áp lên đột ngột rồi hết, đau đầu, đau cổ vai gáy,…

Nặng hơn, người bệnh chán nản, tuyệt vọng, trống rỗng, hoặc bồn chồn bất an, dễ xúc động, khó bộc lộ cảm xúc, tâm trạng không ổn định, thường gây hấn, thậm chí muốn tự tử.

Chính vì vậy, bản thân bạn khỏe mạnh hay không, phải được đánh giá cả về tinh thần lẫn thể chất. Ở các bệnh viện, ngoài khoa, phòng thông thường, thì mở thêm phòng khám tâm lý là điều nên làm, để bệnh nhân được chăm sóc toàn diện hơn, và kịp thời phát hiện, nâng đỡ về tinh thần, tăng hiệu quả điều trị người bệnh.

“Sức khỏe tâm thần có 2 mức, rối nhiễu và rối loạn, nếu chúng ta được điều trị sớm, có thể phòng ngừa ở mức độ nặng. Đáng lo ngại, rất ít người bệnh tự tìm đến bác sĩ tâm lý mà bạn bè, gia đình, người xung quanh mới phát hiện.

Mọi người cần hiểu rõ, được chăm sóc sức khỏe tâm thần là quyền phổ quát của tất cả mọi người. Vì vậy ở bệnh viện, các cơ quan, tổ chức phải đặt sức khỏe tâm thần lên hàng đầu, đảm bảo cung cấp đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người có nhu cầu, tăng cường khả năng phục hồi của các cá nhân, cộng đồng”, bác sĩ Thảo cho biết.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Phan Thu Hằng - Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - sau đại dịch COVID-19, bệnh viện đã thực hiện khảo sát mức độ trầm cảm, lo âu, stress với 1.300 nhân viên y tế. Trong đó, có 42,2% nhân viên gặp vấn đề về lo âu, 24,3% nhân viên trầm cảm, và có 16,5% nhân viên gặp stress.

Nhiều nhân viên y tế cho biết bản thân gặp áp lực trong công việc, thu nhập, nhân viên y tế thường xuyên bị quá tải, áp lực, căng thẳng khi chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Chưa kể đến bản thân nhân viên y tế phải cách ly, thậm chí còn phải đối mặt với sự tang thương, mất mát khi người thân qua đời, làm cho họ rơi vào tình trạng stress, trầm cảm, thậm chí nhiều nhân viên còn xin nghỉ việc.

Nhân viên y tế thường làm việc trong môi trường căng thẳng, nhiều áp lực, ảnh minh họa
Nhân viên y tế thường làm việc trong môi trường căng thẳng, nhiều áp lực. Ảnh minh họa

Cần khảo sát sức khỏe tinh thần định kỳ cho nhân viên y tế

Bác sĩ Phan Thu Hằng cho biết, ngay khi vừa có kết quả khảo sát, trong dịch COVID-19, Ban giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ tinh thần cho nhân viên, như tổ chức nhiều buổi trò chuyện nâng đỡ tâm lý, tổ chức các lớp sơ cứu tâm lý, làm sổ tay chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên…

Sau khi can thiệp và triển khai các kế hoạch hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế, số nhân viên gặp các vấn đề về rối loạn tinh thần giảm từ 1.186 xuống còn 1.098 nhân viên.

Mặc dù vậy, chương trình còn chưa thật sự hiệu quả. Bởi không ít bác sĩ, điều dưỡng vẫn còn khép kín, một số khách chưa thật sự quan tâm đến hướng dẫn, thực hành giảm stress, thời gian của các lớp sơ cứu tâm lý còn ngắn,…

Bác sĩ Hằng nhìn nhận, y bác sĩ làm trong môi trường y tế còn có nhiều rủi ro, áp lực. Ví dụ một sự cố xảy ra, chính bản thân nhân viên y tế đã cảm thấy tồi tệ, nhưng trong các buổi rút kinh nghiệm chuyên môn, phân tích sự cố để tìm nguyên nhân và can thiệp phù hợp, lãnh đạo tuyệt đối không đổ lỗi cho nhân viên y tế đơn thuần...

Lãnh đạo bệnh viện, quản lý bệnh viện phải luôn làm gương trong tự chịu trách nhiệm, biết yêu thương, có thấu cảm, thì nhân viên mới có sự tin tưởng, tự tin trong công việc, hạn chế các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, các bệnh viện nên có khảo sát định kỳ các vấn đề về tâm lý, từ đó có hình thức hỗ trợ phù hợp cho nhân viên y tế.

Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng, để triển khai hiệu quả chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, việc đầu tiên cần làm là thay đổi nhận thức của mọi người về sức khỏe tâm thần.

Phải xóa bỏ ngay định kiến về vấn đề sức khỏe tâm thần. Chúng ta phải hiểu rằng nhân viên y tế chính là nhóm nguy cơ cao nhất có thể mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần do đặc thù nghề nghiệp.

Lãnh đạo của các đơn vị, từ cấp ngành, cấp bệnh viện cho đến cấp khoa phòng đều phải hiểu, quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên của mình. Các lãnh đạo phải có các kỹ năng để vừa chăm sóc cho bản thân vừa hỗ trợ kịp thời cho nhân viên. Mỗi người đều có nhiệm vụ làm sao để chăm sóc sức khỏe cho bản thân, cho đồng nghiệp tốt hơn.

"Một nhân viên y tế muốn chăm sóc tốt cho người khác, thì bản thân họ cũng phải khỏe mạnh. Và để khỏe mạnh, thì phải khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần", ông cho biết.

Sắp tới, Sở Y tế TPHCM sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế đến từng cơ sở. Trong tháng 4 này, ngành y tế sẽ ban hành các khuyến cáo dành cho tất cả các cơ sở y tế để lãnh đạo thực hiện các hoạt động chăm lo tốt sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI