Hạnh phúc khi chồng, con kề vai sát cánh
9g sáng 9/3, tại Đội Vệ sinh Tân Phú, Chi nhánh Môi trường đô thị Chợ Lớn, hơn mười công nhân đang chuẩn bị thu dọn dụng cụ để trở về nhà nghỉ ngơi sau hơn một quy trình lao động mệt nhoài. Từ tối đến quá nửa đêm, họ làm việc công. Sáng ra họ lại tham gia lấy rác dân lập để có thêm thu nhập. Đến 9g sáng công việc mới thực sự chấm dứt.
Thoáng thấy bóng mẹ ở cổng trụ sở, Huỳnh Ngọc Tiến chạy ra gọi “Mẹ!”. Anh Nguyễn Minh Hải, ba Tiến, cũng cười khoe: “Bà xã tôi đó, tên Huỳnh Thanh Loan, cô ấy cũng 25, 26 năm làm công nhân môi trường rồi đó. Nhà này có hai thế hệ làm nghề!”.
|
Chuẩn bị về nhà buổi sáng 9/3, Tiến hỏi: “Mẹ ơi, bữa nay nhà mình ăn gì?” |
Gia đình anh Hải có bốn người thì ba người cùng công tác ở Đội Vệ sinh Tân Phú. Anh Hải thâm niên nhất với 28 năm. Chị Loan vào nghề chậm hơn chồng bốn năm. Còn Tiến, 19 tuổi, cũng theo nghề ba mẹ. Tiến nói: “Biết là nghề này vất vả, giờ giấc sinh hoạt không giống ai, nhưng cũng nhờ nó mà ba mẹ nuôi được hai anh em khôn lớn, nên khi tôi được 18 tuổi, nhà gặp lúc khó khăn, tôi theo mẹ đi làm để lo cho em trai đi học. Em tôi học giỏi, phải nghỉ học thì uổng. Thoắt cái đã tám năm gắn bó với nghề rồi, giai đoạn khó khăn nhất của gia đình cũng đã qua. Em trai tôi giờ đã tốt nghiệp đại học, đi làm và bắt đầu có tương lai”.
Với chị Loan thì nghề nghiệp này là lựa chọn cuối cùng thời con gái sau khi chọn và thử qua rất nhiều công việc. Nghề nghiệp dù khó nhọc nhưng nói như Tiến, con chị: “Ngẩng lên chưa bằng ai, nhưng thấy mình vui là đủ”.
Cũng như bao đồng nghiệp khác, sau giờ làm, chị Loan lo cơm nước, dọn dẹp, giặt giũ cho tổ ấm của mình. Nhưng anh Hải và các con không để chị cô đơn mà việc gì cũng “mỗi người một tay”. Chị chia sẻ: “Vui nhất là ngày nào cả nhà cũng được ăn chung bữa cơm trưa, để 12g lại vào ca mới!”.
Ba thế hệ gia đình làm công nhân vệ sinh môi trường
Tâm sự về công việc, chị Phạm Thị Hường, tổ 3, Đội Vệ sinh Bình Tân, Chi nhánh Môi trường đô thị Gia Định, xúc động: “Nhà tôi tính đến nay đã ba đời làm công nhân vệ sinh. Hiện tại, cả hai vợ chồng và con gái lớn làm công nhân, riêng con gái nhỏ tốt nghiệp kỹ sư môi trường nên công việc đỡ vất vả hơn”.
Ngày nhỏ chị Hường theo mẹ đi làm rồi có duyên gắn bó với nghề công nhân vệ sinh. Sau 36 năm vất vả, chị Hường nay là tổ trưởng, phụ trách khu vực phường Tân Tạo và Tân Tạo A. Dù không còn phải cầm chổi, nhưng hằng đêm, chị phải tổ chức phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong tổ, đi kiểm tra và động viên tinh thần mọi người. Đến sáng, khi anh chị em công nhân về nhà nghỉ ngơi thì chị lại đến mọi ngóc ngách để kiểm tra một lần nữa.
Con gái chị Hường là Nguyễn Ngọc Thanh Lý làm công nhân tổ 1. Còn chồng chị làm công nhân vệ sinh ở huyện Bình Chánh.
|
Em Nguyễn Ngọc Thanh Lý - công nhân vệ sinh môi trường Đội Vệ sinh Bình Tân |
Nhìn lại chặng đường đã qua, chị Hường ngậm ngùi: “Trước đây, cuộc sống cơ cực dữ lắm. Công việc của người công nhân vệ sinh vất vả hơn bây giờ, xe đẩy rác còn thô sơ, đường sá gập ghềnh, rác ngập đường, có lúc triều cường dâng cao khỏi đầu gối… Không biết bao nhiêu lần tôi té ngã trong nước. Nhớ nhất là khi tôi mang thai con gái đầu lòng được hơn bảy tháng, trong lúc quét rác thì chiếc xe bị trật bánh, ngã đè lên người khiến vùng bụng bầm tím. May mắn là mẹ con vẫn bình an”.
Nghe mẹ kể hành trình mang thai, em Lý nghĩ ngợi, không biết có phải từ trong bụng mẹ đã cảm nhận được công việc hay không mà từ nhỏ em đã muốn theo mẹ đi làm. Năm em học lớp 12, biết mẹ nhận thêm công việc em đã xin đi theo phụ mẹ, đến sáng lại chạy về nhà tắm rửa đi học. Hiện tại, có những đêm Lý cũng làm đến tận 3 - 4 giờ sáng mới hoàn thành công việc. Lý nói: “Nghề nào cũng có giá trị tốt đẹp, đồng tiền làm ra đều từ sức lao động của mình, nên dù còn trẻ, được chọn lại, thì em vẫn chọn nghề công nhân vệ sinh môi trường. Mỗi ngày nhìn thấy đường phố sạch đẹp, em cảm thấy vui. Cứ nghĩ thế nên đã gắn bó với nghề hơn mười năm nay”.
Nhìn về con gái, chị Hường xúc động: “Đời chúng tôi cầm chổi rồi, chỉ mong đến đời con được cầm viết, ngồi trong văn phòng cho đỡ cực tấm thân. Lý là đứa con đầu nên chịu nhiều vất vả. Thấy gia đình khó khăn quá nên nó có ý định nghỉ học từ năm lớp 10, nhưng tôi quyết không cho. Vợ chồng ráng tằn tiện cho con học hết lớp 12. Tốt nghiệp xong, con bé xin đi làm để phụ lo cho em nó học đại học. Nhưng cháu nó cũng không bỏ cuộc, đã cố gắng vừa làm vừa học, tốt nghiệp trung cấp kế toán rồi đó”.
Sau hàng chục năm gắn bó với nghề, chị Hường luôn cảm thấy yêu công việc. Hằng ngày, cả nhà được họp mặt trong bữa cơm trưa. Ngày thường cũng như đêm giao thừa, dù có phải làm đến lúc trời hừng sáng, nhưng họ vẫn cảm thấy vui khi được làm việc cùng đồng đội. Ngày nào phải vắng mặt, không làm việc cùng anh em, là họ cảm thấy trống trải, bất an.
Mẹ ơi, bữa nay nhà mình ăn gì?
Nhờ có buổi hẹn gặp mặt tối 9/3 với phóng viên mà chị Phạm Thị Hường và con gái Nguyễn Ngọc Thanh Lý có dịp cùng nhau làm nhiệm vụ trong đêm trên tuyến đường Lê Thúc Hoạch. Thông thường, các thành viên trong gia đình họ phải làm việc ở ba nơi khác nhau.
Chị Dư Thị Thùy Linh - Đội phó Đội Vệ sinh Tân Phú - lý giải cho sự sắp xếp này: đây là nguyên tắc của cả công ty, không sắp xếp các cặp vợ chồng hay gia đình vào cùng một tổ để tránh trường hợp gia đình có hiếu hỷ thì cả 2 - 3 người cùng nghỉ, công việc vệ sinh môi trường sẽ không được đảm bảo. Thống kê riêng của Đội Vệ sinh Tân Phú, Chi nhánh Môi trường đô thị Chợ Lớn (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM), có 13 cặp vợ chồng cùng làm công nhân vệ sinh, trải đều ra các tổ.
Tương tự, Đội Vệ sinh Bình Tân, Chi nhánh Môi trường đô thị Gia Định, cũng có vài cặp vợ chồng cùng nghề. Đó là chưa kể những cặp có một người làm công nhân vệ sinh, người còn lại làm ở khâu hành chính, lái xe… Mỗi đơn vị đều có những gia đình hai, ba thế hệ cùng làm công nhân của công ty, dù ở vị trí khác nhau nhưng cùng một nhiệm vụ chung lớn lao: giữ gìn sạch sẽ phố phường và mỹ quan cho thành phố. Công việc vất vả, đối diện nhiều khó khăn, nhưng niềm vui của họ là luôn được ở bên nhau, kề cận, sẻ chia và được nhiều người cùng sẻ chia ngay cả trong mùa dịch bệnh nguy hiểm.
Tuy phải làm việc ở nhiều hướng khác nhau, nhưng vào những ngày lễ, tết, cuối tuần, anh Hải và con trai của chị Loan, con gái chị Hường, luôn cố gắng hoàn thành công việc của mình sớm để chạy sang chỗ làm của mẹ. Lâu lâu, chị Loan, chị Hường xong việc sớm lại gọi điện hỏi chồng con ở đâu để chạy sang tìm. “Tìm nhau không phải để phụ quét rác, hay dọn dẹp mà họ chỉ ngồi đó đợi người còn lại làm nốt những công việc cuối cùng, để rồi cùng nhau về nhà” - chị Hường chia sẻ. Còn chị Loan tình thật: “Không cần giúp đâu, nhìn thấy nhau vậy là yên tâm rồi! Nhất là mùa dịch bệnh vừa rồi, thấy con xung phong nhóm lấy rác F0, ngày nào xong việc cũng chỉ mong nhìn thấy nó…”.
Sáng 9/3, sau một đêm cùng ba mẹ đẩy xe, kéo chổi rong ruổi trên đường làm nhiệm vụ, lúc ngồi lên chiếc xe máy của mình, Tiến quay sang cười hỏi mẹ: “Mẹ, bữa nay nhà mình ăn gì?”. Chị Loan mắng yêu con trai: “Ăn cơm nước mắm nghen!”. Tiến và anh Hải cùng cười rộ: “Cũng được, mà nhớ kho quẹt, thêm tóp mỡ, tôm khô, rau luộc gì nghe…”. Chị Loan cũng cười giòn: “Nói chứ để nghĩ ăn gì lấy lại sức cho cả nhà bữa coi!”.
Nói rồi, cả ba người công nhân ấy cùng hòa vào dòng người xe trên phố để trở về ngôi nhà thân yêu của họ, cho ngày 8/3 chính thức của riêng mình.
Tinh Châu - Thiên Ân
Nguồn: MTĐT