Ngày 8/3 của 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng

08/03/2023 - 05:57

PNO - Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bình Chánh, đến cuối năm 2022, toàn huyện Bình Chánh có 9 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, hầu hết đều trên 90 tuổi.

 

Ngày 8/3 của 2 người Mẹ Việt Nam anh hùng

Với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ngày 8/3 hơi khác ngày thường, bởi “đó là ngày tụi nhỏ ở xã ghé thăm, vui lắm”.

Các con ráng làm việc giúp dân

Ngồi đong đưa trên chiếc võng trước nhà, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cảnh - 92 tuổi, ở ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM - kể vanh vách chuyện chồng, con năm xưa: “Hồi còn đi học, nó (con trai mẹ) bị giặc bắt vì là con của Việt cộng. Được thả về, từ bót Hàng Keo, nó bắt xe đò chạy thẳng về căn cứ kháng chiến, ở chung với ba nó luôn”.

Bà Võ Thị Hoàng Oanh (bìa phải) - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Chánh - và đại diện Quận ủy quận Bình Tân thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cảnh
Bà Võ Thị Hoàng Oanh (bìa phải) - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Chánh - và đại diện Quận ủy quận Bình Tân thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cảnh

Mẹ kể tiếp: “Biểu nó về kiếm công ăn việc làm mà nó không chịu. Nó nói: “Giặc đánh ầm ầm vầy mà má biểu con đi làm thợ, đi tu sao được má?”. Nói rồi, nó đi một mạch cho tới lúc hy sinh. Thôi, âu cũng là duyên số. Mẹ chấp nhận. Nó đi đây là vì dân, vì nước”. 

Chồng mẹ Cảnh là ông Phạm Văn Tốt, tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1963, làm cán bộ an ninh huyện Bình Tân (phía bắc của huyện Bình Chánh ngày nay). Năm 1968, trong lần đi học nghị quyết, ông đạp phải lựu đạn do địch gài và bị địch bắn, rồi hy sinh. Con trai mẹ Cảnh là Phạm Văn Xuân tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1965, làm tiểu đội trưởng một tiểu đội công an vũ trang huyện Bình Tân. Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, liệt sĩ Phạm Văn Xuân đã ngã xuống.

Từ lúc chồng và con trai đi kháng chiến rồi hy sinh, mẹ Cảnh một mình gồng gánh lo kinh tế cho gia đình, nuôi 6 người con còn lại ăn học, trở thành bác sĩ, giáo viên. Năm nay, ngoài 90 tuổi, mẹ Cảnh vẫn có thể nấu cơm, quét sân. Mẹ tâm sự: “Xưa, mẹ làm lụng cực lắm. Giờ, được tụi nhỏ chăm lo chu đáo, mẹ thấy thảnh thơi lắm”. Hiện mẹ đang sống cùng 2 con gái và được nhận tiền trợ cấp hằng tháng theo diện người có công.

Mẹ nói về thời cuộc: “Thời bây giờ tốt nhiều lắm rồi, dân đã được ăn sung mặc sướng, làm ăn có tiền hơn trước. Riêng mẹ cũng được chính quyền, đoàn thể quan tâm. Ở đây, các em, các cháu quý mẹ lắm”. Mỗi dịp lễ, tết hay ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7), các đoàn lãnh đạo cấp thành phố, phường, xã ghé thăm, mẹ Cảnh thường hay nhắc nhở: “Mấy đứa con phải khuyên người dân lo làm ăn, đừng chơi bời, cờ bạc. Nhà nước mình nhiều việc quá, sao lo hết cho người nghèo do ăn chơi”. 

Bà Nguyễn Hồng Thúy Hằng - Phó chủ tịch UBND xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh - kể, mỗi lần đến thăm, mẹ thường nắm tay dặn dò:  “Các con rảnh, tới thăm là mẹ mừng rồi, đừng quà cáp gì hết. Nhớ nghen, hồi xưa giải phóng được là cũng nhờ dân, mấy con ráng mà làm việc giúp dân, nghen”. 

Phụ nữ phải thương chồng con, sống nghĩa tình

“Trời đất ơi, ba mày đã hy sinh rồi, giờ tới lượt mày xin đi nữa hả? Để má xin cho bây đi làm, nghen con?”. Nói là nói vậy nhưng mẹ Phan Thị Tám - ở ấp 6, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh - vẫn để con trai là Phan Văn Giản tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Điều mẹ Tám không ngờ là chỉ gần 1 năm sau, mẹ nhận được tin báo con mình đã mất trong trận dội bom của quân Pol Pot - Ieng Sary (anh đi tháng 11/1976 thì tháng  9/1977 hy sinh). 

Ông Trần Văn Nam - Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh - thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Tám
Ông Trần Văn Nam - Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh - thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Tám

Không tin được sự thật này, mẹ Tám gom góp mấy đồng bạc đi xe đò tới tỉnh Tây Ninh tìm con. Không có địa chỉ đơn vị, thiếu tin tức về con, tình hình biên giới Tây Nam bấy giờ lại đang căng thẳng nên chuyến đi tìm con của mẹ không thành. Có những ngày, mẹ đi không nổi nhưng vẫn cố sức. Có người biết chuyện,  khuyên mẹ quay về, chờ tin chính thức từ đơn vị nhưng mẹ nói: “Chết thì phải thấy xác”. Hơn nửa tháng tìm kiếm, hỏi thăm, mẹ mới biết chắc rằng anh Giản đã hy sinh ở chiến trường Kà Tum, Xa Mát của tỉnh Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia. 

Mẹ Phan Thị Tám năm nay 90 tuổi, có 2 người con, trong đó có liệt sĩ Phan Văn Giản (sinh năm 1955). Trước đó, chồng mẹ Tám tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1964 và hy sinh năm 1970 tại Láng Chà, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. 

Ngồi trên ghế đá bên hiên nhà, nhắc chuyện ngày xưa, mẹ Tám rưng rưng: “Hồi đó giặc giã, nhà nhà trong xóm đều có người theo cách mạng, chồng tôi cũng vậy. Ông đi, mình ở nhà lo thắc thỏm. Ở khu Láng Le - Bàu Cò này, ngày ngày, máy bay quần, bắn te tua. Thấy sợ, nhưng mình đâu có cản chồng con. Các dì, các cô trong xóm cũng giống mình, ở nhà nuôi con để chồng tham gia kháng chiến. Nhiều dì, chị còn che giấu cán bộ, tiếp tế cho cách mạng. Nhưng đó là thời chiến, ổng đi chiến đấu rồi mất. Tôi đau là khi hòa bình rồi, con mình lại phải cầm súng, lại hy sinh”. 

Giọng mẹ Tám nghèn nghẹn: “Nhớ nó, tôi khóc hoài. Lúc hay tin con hy sinh, tôi chỉ lết chứ không đi nổi”. Như muốn ngắt nỗi buồn, mẹ Tám đứng dậy, đi chầm chậm ra phía cánh đồng lúa, ngó về phía dòng xe đang chạy tấp nập trên đường dẫn vào cao tốc băng ngang nhà. Mẹ nói như tự an ủi: “Cuộc sống đã an vui, anh em ai nấy đều nhớ tới mình, lui tới thăm hỏi. Mà vui nghen, tết, lễ 8/3, 20/10 gì, tụi nhỏ ở xã cũng vô thăm mẹ. Xưa có biết ngày phụ nữ là gì, giờ cũng phải biết đó con. 8/3 là ngày tụi nhỏ ở xã ghé thăm. Thương vậy đó, gác nỗi buồn mà vui sống thôi con”.

Để vơi bớt nỗi buồn mất chồng, mất con, mẹ Tám thường ra quét sân, làm cỏ và chăm sóc mấy chậu sứ trước sân nhà. Mẹ khoe: “Mấy năm trước còn mạnh, tôi còn được mấy ông Nhà nước cho đi đây đi đó”. Mẹ nhắn nhủ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ: “Xưa nay, phụ nữ mình dù khó khăn cách mấy cũng cố gắng vượt qua. Bây giờ, trong nhà, phụ nữ phải thương chồng thương con, ra ngoài xã hội thì phải sống có tình nghĩa, đạo đức, biết giúp đỡ người gặp khó khăn hơn mình”. 

Truy tặng danh hiệu anh hùng cho 8 bà mẹ ở TPHCM

Sáng nay (8/3), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt 44, nhân kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2023).

Theo chương trình, tại buổi lễ, ban tổ chức công bố quyết định của Chủ tịch nước về việc truy tặng danh hiệu vinh dự này cho 8 bà mẹ ở TPHCM đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các mẹ được truy tặng danh hiệu gồm: Đỗ Thị Sáu (sinh năm 1910), Huỳnh Thị Khỏe (1909), Nguyễn Thị Niềm (1917), Đỗ Thị Chỉnh (1912), Trần Thị Trừ (1911), Nguyễn Thị Chiếu (1929), Tô Thị So (1907), Võ Thị Thững (1911).

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, thân nhân của mỗi cá nhân được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ được trao khoản tiền chế độ 56.575.000 đồng.

Đến nay, TPHCM có 5.481 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 93 mẹ còn sống. Ở TPHCM, cùng với việc ghi nhận công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thực hiện đầy đủ, kịp thời mọi chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho người có công, các đơn vị còn huy động nhiều nguồn lực để thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với gia đình chính sách và người có công, phấn đấu để người có công có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Phong Vân

Phạm Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI