Ngày 30/4 lịch sử, chiến tranh Việt Nam và những chuyện kể từ quá khứ

29/04/2017 - 18:28

PNO - Dù đã lùi xa vào quá khứ, những câu chuyện về cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn được kể lại trong suốt 42 năm bằng nhiều phương tiện, trong đó có những trang sách.

Có thể nói, chiến thắng 30/4/1975 là một trong những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử dân tộc. Cùng với chiến thắng này, sau những tháng năm dài chia cắt bởi chiến tranh, non sông đã được thống nhất liền một dải từ Bắc đến Nam.

Nhưng, không chỉ có sự hào hùng của chiến thắng hay chiến công oanh liệt, cuộc chiến tranh dai dẳng suốt 20 năm cũng mang trong lòng nó những câu chuyện tàn khốc và bi thương. Những câu chuyện mà trong suốt 42 năm qua vẫn còn hàm chứa nguyên vẹn giá trị và cảm xúc mà các chứng nhân của thời cuộc đã và đang còn kể lại. Để rồi từ những câu chuyện đó, lớp người đi sau có cơ hội nhìn nhận một cách đa chiều và sắc nét về những biến động đã diễn ra trong quá khứ.

Biên bản chiến tranh 1 – 2 – 3 – 4.75

Ra mắt công chúng lần đầu vào năm 2014, tiểu thuyết lịch sử Biên bản chiến tranh 1 – 2 – 3 – 4.75 của tác giả Trần Mai Hạnh là một trong những tác phẩm đặc sắc và sống động về những ngày tháng cuối cùng của chính quyền Sài Gòn với những diễn biến và tình huống gay go trước khi đoàn xe tăng của quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975.

Ngay 30/4 lich su, chien tranh Viet Nam va nhung chuyen ke tu qua khu
 

Tuy nhiên, vượt ra ngoài khuôn khổ của một cuốn tiểu thuyết, Biên bản chiến tranh 1 – 2 – 3 – 4.75 còn là một cuốn tư liệu lịch sử phong phú và chân thực được chắt lọc từ nguồn tư liệu phong phú mà Trần Mai Hạnh dày công sưu tầm trong suốt 4 thập kỷ. Bản thân tác giả cũng là một trong những người đã may mắn có mặt tại Dinh Độc Lập trong vai trò phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã vào thời khắc trọng đại hàng đầu của lịch sử dân tộc, chính vì vậy những chi tiết mà ông xây dựng trong cuốn sách của mình có phần sống động và chi tiết hơn hẳn.

Đặc biệt, trong Biên bản chiến tranh 1 – 2 – 3 – 4.75, khi đặt góc nhìn của cuộc chiến từ phía chính quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ, Trần Mai Hạnh đã khắc họa tâm tư và thân phận của con người giữa muôn vàn đổi thay của thời cuộc.

Một người Việt trầm lặng – Phạm Xuân Ẩn

Khi nhắc đến chiến thắng ngày 30/4, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò và những đóng góp không nhỏ của mạng lưới tình báo tinh vi của quân Giải phóng hoạt động ngay trong lòng chính quyền Sài Gòn. Trong số những chiến sĩ tình báo kiệt xuất trong mạng lưới này, Phạm Xuân Ẩn là một cái tên quan trọng và nổi bật với sự tinh tế và những chiến công ngoạn mục của mình.

Có thể nói, Phạm Xuân Ẩn đã thể hiện năng lực xuất chúng của mình trong việc tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo cho bản thân để rồi từ đó, khai thác được những tin tức quý giá từ những căn cứ đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ.

Ngay 30/4 lich su, chien tranh Viet Nam va nhung chuyen ke tu qua khu
 

Đã có nhiều cuốn sách của giới nghiên cứu, học giả, ký giả Mỹ viết về Phạm Xuân Ẩn, có thể kể: Thomas Bass với Điệp viên Z.21 – Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ hay Larry Berman với Điệp viên hoàn hảo, tuy nhiên, với tác phẩm Một người Việt trầm lặng (tựa gốc tiếng Pháp: Un Vietnamien bien tranquille) của Jean-Claude Pomonti, một phóng viên thường trú của tờ Le Monde tại Sài Gòn đầu thập niên 1970, một góc nhìn khác về cuộc đời và sự nghiệp tình báo của Phạm Xuân Ẩn trong bối cảnh rộng lớn hơn là cuộc chiến tranh Đông Dương đã được đặt ra.

Từ trải nghiệm thực tế đời sống báo chí, là đồng nghiệp với Phạm Xuân Ẩn trong thời chiến, Jean - Claude Pomonti có cách kiến giải khá sắc sảo, thấu đáo; đặt tiểu sử nhân vật trong một bối cảnh dầu sôi lửa bỏng, với một lối dẫn dắt phi tuyến tính, đầy lôi cuốn như một tiểu thuyết trinh thám.

Ngay 30/4 lich su, chien tranh Viet Nam va nhung chuyen ke tu qua khu
Chân dung vị tình báo vĩ đại Phạm Xuân Ẩn

Đồng thời, với việc phác họa một cách sống động không khí đời sống ở Sài Gòn vào những thập niên 1960 – 1970, đây có thể được coi là một nguồn tư liệu quý giá về miền Nam trong thời chiến nói riêng và về cả cuộc chiến tranh Việt Nam với những hệ quả và tác động với từng cá nhân hoặc cục diện chính trị trong nước và quốc tế nói chung.

Nỗi buồn chiến tranh

Có thể nói Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh là một trong những cuốn tiểu thuyết có nội dung và số phận cực kỳ đặc biệt. Năm 1990, thời điểm mà cuốn tiểu thuyết này được xuất bản lần đầu tiên đã làm bùng lên những chấn động và tranh cãi rất lớn trong xã hội. Bởi dù cuộc chiến đã kết thúc 15 năm, nhưng những hậu quả và di chứng mà nó để lại vẫn còn hằn sâu trong lòng dân tộc.

 Là một người lính miền Bắc trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, hơn ai hết, Bảo Ninh có cơ hội tiếp xúc một cách trực diện với sự thảm khốc và những mất mát, đau thương do bom đạn gây nên đối với cả hai phía.

Ngay 30/4 lich su, chien tranh Viet Nam va nhung chuyen ke tu qua khu
 

Không mang cảm hứng ngợi ca, không chút chói lọi hào quang của chiến thắng, không có hình tượng những anh hùng quả cảm trong chiến đấu, Nỗi buồn chiến tranh gợi nên sự tàn khốc một cách chân thực đến mức gần như trần trụi của cuộc chiến từ góc nhìn của những người lính. Nỗi đau mất mát, những ám ảnh của cái chết luôn rình rập, những di chấn mà những người lính trở về mang trong mình thời hậu chiến,… tất cả làm nên một tác phẩm rất chân thực nhưng cũng rất nhân văn.

Với những giá trị chất chứa trong tự thân, Nỗi buồn chiến tranh dường như chưa bao giờ cũ kỹ theo thời gian. Bởi không chỉ vạch trần bản chất vô nghĩa của chiến tranh, tác phẩm còn là sự đề cao và thể hiện khát vọng hòa bình mà tác giả, một chứng nhân chiến tranh đã gửi gắm và đồng thời, đó cũng là khát vọng hằng hữu trong mỗi chúng ta.

Tùng Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI