Ngày 20/10 đầy nỗi niềm

20/10/2021 - 09:19

PNO - Ngày Phụ nữ Việt Nam, món quà lớn nhất mọi bà mẹ cần là con cái được sống vui, đơn giản vậy thôi.

Ngày 20/10 năm nay đến với tôi với nhiều nỗi niềm. Tôi chỉ muốn chạy về nhà ôm mẹ. 30 tuổi đầu, qua cơn dịch giã kinh hoàng tôi mới nhận ra chốn bình yên nhất của tôi là ở cạnh mẹ. Và cũng nhờ dịch giã, tôi mới biết trân trọng giá trị gia đình hơn.

Cuối tháng 7, công ty tôi có mấy ca F0, những người còn lại phải đi cách ly. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình rơi vào tình cảnh này. Tôi run bần bật khi gọi về cho mẹ: “Công ty con có F0. Con ngồi cùng phòng với các chị ấy. Chắc chắn con dính COVID-19 rồi”.

Mẹ bật khóc nhưng ráng trấn an tôi: “Con phải bình tĩnh, đừng tự hù dọa mình. Không sao đâu con”.

Tôi bình tĩnh sao được khi từng đọc thông tin vi khuẩn SARS-CoV2 tồn tại rất lâu trong môi trường máy lạnh.

Ba mẹ nào cũng chỉ mong con cái sống vui, cả nhà sum vầy (Ảnh minh họa)
Ba mẹ nào cũng chỉ mong cả nhà sum vầy, con cái sống vui (Ảnh minh họa)

Những ngày sau đó, mẹ liên tục gọi điện cho tôi. Tôi nức nở: “Mẹ không biết đâu, con đang đau họng, rất khó thở, con bị nặng lắm rồi”. Sau này tôi mới biết, mẹ sợ quá nên lên huyết áp, nằm vùi không dậy nổi nhưng vẫn gắng gượng gọi khắp họ hàng cầu cứu.

Chị họ tôi sau khi hỏi thăm tình hình, đã nhờ bác sĩ quen tư vấn cho tôi. Sau cuộc trò chuyện với bác sĩ, tôi bớt hoảng loạn nhưng nỗi lo lắng chưa phải đã dứt. Mỗi lần điện thoại cho tôi, mẹ chỉ kể những chuyện vui ở nhà.

Mẹ nói đang chuẩn bị mớ cột kèo để qua dịch cất cái chòi bên bờ ao cho tôi có chỗ tụ tập bạn bè. Mẹ may sẵn cho tôi mấy bộ đồ mặc nhà, đàn gà được mẹ chăm mập ú, đợi tôi về phòng trọ mẹ sẽ gửi lên… Là mẹ muốn tôi quên chuyện bệnh tật.

Ngày thứ 7, nhận kết quả test âm tính, tâm trạng tôi đỡ hơn. Tôi nghiêm túc nhìn lại vấn đề tâm lý đang mắc phải. Bác sĩ nói đúng, là tôi yếu đuối, tự nhát mình thôi. Gọi cho chị họ, tôi than: “Chắc em sút 2 kí rồi chị, quần áo rộng rinh hết trơn”. Chị nghiêm giọng: “Dì Tư (là mẹ tôi) sút 4 kí kìa. Dì nói nghĩ tới em là lo thắt ruột gan, ăn ngủ không yên, giá mà dì bệnh thay cho em”…

Tôi buông rơi điện thoại, bật khóc. Là tại tôi vô tâm không nghĩ đến cảm nhận của mẹ. Tôi chỉ biết rên rỉ khóc than, trong khi mẹ ở xa, không hiểu rõ tình trạng tôi thế nào, lo sợ hơn tôi gấp chục lần…

Tôi nhớ những lần về nhà, mẹ hì hục cả ngày trong bếp chỉ để làm món này món kia cho tôi ăn. Có trái cây gì ngon cũng để dành cho tôi. Ngày tôi rời đi, mẹ chậc lưỡi: “Mau quá con, loay hoay cái tới lúc con đi rồi”. Rồi mẹ khẩn khoản: “Ở chơi thêm ngày nữa đi con”… Tôi vô tư không biết với mẹ, nhà chỉ ấm áp, vui trọn vẹn khi có tôi.

Gia đình bạn tôi, cả hai cha con đều mắc COVID-19 rất nặng. Không may con anh qua đời. Khi anh lành bệnh được về nhà, nỗi đau mất con và di chứng của căn bệnh đã làm anh suy sụp. Mẹ anh gọi về quê để “có gì cũng còn mẹ đây”. Gọi cho tôi, anh buồn thỉu: “Anh ly hôn, rồi mất con, lại đau ốm thế này khiến mẹ anh đau lòng lắm. Anh thật bất hiếu. Anh nợ mẹ cuộc đời yên ổn, nợ những ngày yên ấm sum vầy”…

Tôi không biết nói câu gì để an ủi anh, bởi hình dung đứa con tuổi ngoài 40 như anh phải về tựa nương bên mái đầu bạc, thấy đời buồn quá đỗi, thương mẹ anh quá đỗi. Con cái dù bao lớn, đi bao xa, vẫn luôn có mẹ cùng đồng hành trong những khúc quanh gập ghềnh. 

Chốn bình yên của con cái là mái nhà của mẹ cha (Ảnh minh họa)
Chốn bình yên của con cái là mái nhà của mẹ cha (Ảnh minh họa)

Nhớ ngày còn đi học, tôi hay nói mong đi làm có tiền để trả hiếu cho mẹ. Mẹ bật cười: “Chỉ cần con sống vui, sống khỏe, sống có ích là đã trả hiếu cho mẹ rồi”. Giờ nghĩ lại, mới thấy hết tình thương yêu và sự hy sinh to lớn trong điều ước của mẹ.

Trước giờ, tôi không thích ai nói phụ nữ là phải hi sinh. Sao lại là phụ nữ? Tôi vẫn thường nhắc mẹ đừng ôm đồm quá, công việc làm không xuể thì thuê người, mẹ thích đi chơi đâu thì cứ đi, tôi sẽ không để mẹ khổ. Giờ nghĩ lại, chẳng phải mẹ tôi, mẹ bạn và nhiều bà mẹ khác nữa vẫn đang hy sinh vì con cái đó sao?

Người ta hay nói thế giới của mẹ rất nhỏ, chỉ xoay quanh những đứa con. Thế giới của con thì luôn rộng lớn, tươi đẹp; nên đôi khi con cái say sưa với những điều mới mẻ mà bỏ quên mẹ. Mẹ thì luôn ở đó, yêu thương con cái vô điều kiện. Như mẹ tôi, chỉ vui theo niềm vui của tôi, đau lòng xót dạ khi tôi gặp bất trắc. Tiền nong, thuốc thang, đồ ăn tẩm bổ, quà tặng mẹ ngày lễ... sao lấp cho đầy những chông chênh trong mẹ khi tôi bất an?

Ngày Phụ nữ Việt Nam, món quà lớn nhất mọi bà mẹ cần là con cái được sống vui, đơn giản vậy thôi.

Những ngày này, tôi luôn nguyện cầu cho mẹ được bình an. Tôi tự hứa sẽ không để mẹ rơi nước mắt thêm lần nào nữa.

                                                                                                                                                                                                                                                                  Minh Thư

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI