Ngày 14/5, Bộ GD-ĐT công bố đề minh hoạ thi THPT quốc gia

12/05/2017 - 23:37

PNO - Thứ trưởng Bộ GD—ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2017 khẳng định như vậy trong chuyến thị sát công tác tổ chức thi tại Vĩnh Long, Đồng Tháp trong ngày 12/5.

Một thí sinh xét … 48 nguyện vọng

Kỳ thi lần này, Vĩnh Long có hơn 9.700 thí sinh dự thi, trong đó có khoảng 1.700 thí sinh chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT, gần 8.000 thí sinh còn lại vừa tham gia xét tốt nghiệp vừa xét vào đại học. Các em đăng ký khoảng 28.000 nguyện vọng vào các trường ĐH.

 Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long đê xuất: Bộ nên sớm triển khai phầm mềm chấm trắc nghiệm để cán bộ chấm thi có thời gian dùng thử, phát hiện lỗi, điều chỉnh trước khi chấm chính thức. Bên cạnh đó, cấu hình và hệ điều hành máy tính dùng để chấm như thế nào cũng chưa được công bố.

Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở GD- ĐT Đồng Tháp cho biết: Tổng số thí sinh thi 12.625 thí sinh được bố trí ở 26 điểm thi tại 11/12 huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, có 1 huyện không có điểm thi là huyện Hồng Ngự vì điều kiện phải qua đò, không có chỗ ăn nghỉ cho cán bộ coi thi, khó khăn trong việc vận chuyển đề nên UBND tỉnh cấp thêm ít kinh phí để hỗ trợ thí sinh sang TX Hồng Ngự có điều kiện tốt hơn. Riêng thí sinh tự do sẽ được tập trung bố trí thi ở ngay TP Cao Lãnh.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Năm nay, vai trò tổ chức thi hoàn toàn do địa phương làm chủ và chịu trách nhiệm. Để đảm bảo sự công bằng, khách quan, Bộ đã phân công các trường ĐH Luật TPHCM, ĐH Đồng Tháp…cùng phối hợp. Ban chỉ đạo kỳ thi địa phương phải phân bố các điểm thi khoa học đảm bảo thuận lợi cho thí sinh và cán bộ coi thi. Phải trừ hao lượng giáo viên dự bị phòng trường hợp xảy ra đau ốm hoặc lý do đột xuất…

PGS. TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM thẳng thắn:  Dù chỉ là đơn vị hỗ trợ nhưng chúng tôi luôn ở tâm thế làm với trách nhiệm cao nhất bởi nếu tổ chức thi không chặt chẽ thì kết quả không khách quan. Chỉ cần một giám thị lơ là thì kết quả không chính xác rồi làm sao xét tuyển? Theo ông Hải dù khó khăn nhưng nên cố gắng dự liệu tốt nhất, thà tốn tiền còn hơn “vỡ” kỳ thi của cả quốc gia. Năm ngoái trường tôi phụ trách thi ở Bến Tre cũng đã xảy ra sự cố nổ bình điện bất ngờ nhưng may là chúng tôi đã thuê máy phát điện dự phòng sẵn. Trong kỳ thi quan trọng mà lỡ mất 30 phút thì ảnh hưởng biết bao nhiêu.

Với băn khoăn của các địa phương, Thứ trưởng Ga khẳng định: Hiện phần mềm chấm thi đang được chạy thử giai đoạn cuối. Cuối tháng 5 sẽ hoàn chỉnh phần mềm chấm thi và xét tuyển ĐH để cung cấp cho các Sở. Đặc biệt, chiều 14/5 Bộ sẽ công bố đề thi tham khảo cuối cùng, giống y hệt đề thi thật về hình thức, số trang, cấu trúc. Các trường dựa vào đó để định hướng, ôn tập cho học sinh. Tuy nhiên, Bộ không khuyến khích tổ chức thi thử, tránh gây tâm lý nặng nề, học sinh lo lắng.

"Các trường cũng cần tăng cường hướng dẫn để thí sinh đăng ký xét tuyển đúng, hạn chế sai sót. Trung bình mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển khoảng 5 nguyện vọng và thí sinh có số nguyện vọng cao nhất cả nước là 48 NV", Thứ trưởng Ga nhắc nhở.

Ngay 14/5, Bo GD-DT cong bo de minh hoa thi THPT quoc gia
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chỉ đạo tại buổi thị sát công tác tổ chức thi tại Đồng Tháp

Băn khoăn về đề thi, chấm thi

Năm nay, việc in sao đề thi được thực hiện tại các sở GD địa phương. Điều này khiến nhiều người quan ngại. Với kinh nghiệm của trung tâm sao in đề thi lớn trong nhiều năm, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng: Công tác sao in đề năm nay khác phức tạp, mỗi thí sinh là một đề thi và mã đề riêng. Đa phần là bài thi trắc nghiệm nên số lượng phải in ấn cũng tăng đáng kể. Những năm trước, chỉ cần sao in đề thi bị lỗi kỹ thuật liền dẫn đến hậu quả chấm thi sai. Do đó, quy trình in sao đề thi làm sao để đảm bảo tính bảo mật, chính xác là điều phải quan tâm.

Sự lo lắng của tỉnh Đồng Tháp là công tác sao in đề thi năm nay sẽ phức tạp hơn do có rất nhiều mã đề, số lượng lớn hơn nên áp lực lớn. Tỉnh này lên kế hoach chuyển giao đề thi cho các điểm thi hằng ngày, trước 6g sáng và chờ nhận bài thi trở về, xe có an ninh của PA83 để bảo vệ và giao tận tai trưởng điểm thi. Tương tự, Vĩnh Long cũng bố trí công an trực, bảo vệ khu vực sao in đề thi 24/24.

Đứng ở vai trò của trường đại học, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cũng nêu một số điểm nghi ngại đối với việc chấm thi: Chỉ có môn văn tự luận, còn lại là thi trắc nghiệm nên khâu chấm sẽ có những điểm dễ nhưng cũng có chỗ khó và dễ nảy sinh tiêu cực.

 “Chấm trắc nghiệm thật ra rất dễ tiêu cực. Năm rồi đã xảy ra trường hợp thi toán 0 điểm mà môn Lý lại 10 điểm là do sơ hở của phần trắc nghiệm. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, việc cho thí sinh tô kết quả bằng bút chì chính là yếu tố xảy ra tiêu cực. Chúng tôi ở các trường ĐH đều mong muốn kết quả thi phải chính xác để chúng tôi sử dụng khi xét tuyển cho thật tốt. Do đó, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề chống tiêu cực trong thi cử. Nếu tỉnh có điều kiện nên trang bị 2 camera ở khu vực chấm thi trắc nghiệm để kiểm soát tốt hơn. Còn đối với môn tự luận, nếu có mặt thêm các giáo viên ở các trường khác tham gia thì sẽ tạo công bằng hơn trong chấm thi, đặc biệt là sự công bằng giữa các địa phương”, ông Dũng nêu ý kiến.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI