Ngày 14/3 không thể nào quên

14/03/2013 - 07:57

PNO - Đúng ngày này 25 năm trước, ngày 14/3/1988, 64 người con đất Việt đã ngã xuống biển Đông trước họng súng quân xâm lược Trung Quốc. Sự hy sinh anh dũng của những người lính Việt Nam đã biến địa danh Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh...

Trong cuộc chiến giữ đảo Gạc Ma, chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Lanh đã anh dũng chiến đấu giữ ngọn cờ Việt Nam cắm trên đảo, kiên quyết giằng co không cho lính Trung Quốc cắm cờ. Địch hạ cờ xuống, Lanh lại dựng lên, cho đến khi anh bị quân Trung Quốc dùng lưỡi lê đâm và bắn vào người…

Từ buổi sáng 14/3/1988 bi hùng ở Gạc Ma, những người lính trên con tàu HQ 604 không còn uống chung chén nước, ăn chung chén cơm, ngủ chung giường nữa. Mỗi người lưu lạc một phương trời.

Những ngày đầu tháng 3/2013, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh tranh thủ về thăm nhà tại làng quê yên bình Đại Phúc, xã Vạn Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình.

Ngay 14/3 khong the nao quen

Bữa cơm giản dị của gia đình Anh hùng Nguyễn Văn Lanh tại quê nhà

Hiện mẹ anh, bà Nguyễn Thị Kỷ (77 tuổi) sống một mình trong ngôi nhà nhỏ, là nơi anh sinh ra và lớn lên. Những ngày anh Lanh về quê, nhà bà Kỷ lúc nào cũng đông vui như lễ tết. Mọi người tập trung lại ăn cơm, uống chén rượu gạo và chuyện trò.

Người vui nhất không ai khác là bà Kỷ, cái miệng móm mém của bà không lúc nào thôi cười. Bà nhớ như in chuyện cách đây 25 năm và kể với tôi rành mạch.

Ngày đó, khi mới xảy ra sự kiện quân Trung Quốc tấn công chiếm đảo Gạc Ma, bà chỉ biết loáng thoáng tình hình qua Đài tiếng nói VN, càng về sau càng rõ hơn. “Nhưng họ cũng chỉ nói là một người tên Lanh, Lanh thì cả nước có biết bao nhiêu Lanh chứ. Lúc đó tui cũng lo lắm nhưng nghĩ thôi vì lòng căm thù giặc, vì nghĩa vụ với Tổ quốc, con mình có nằm xuống vì đất nước cũng đành” - bà Kỷ nhớ lại.

Mãi hơn 1 tháng sau, khi nhận được thông tin chính xác từ đơn vị, bố anh Lanh (đã mất) và người anh trai Nguyễn Thanh Long khăn gói vào miền Nam thăm anh tại đơn vị. Bà Kỷ cũng muốn đi nhưng vì hoàn cảnh, điều kiện nên phải ở nhà. Gặp lại nhau ở bệnh viện, mấy cha con mừng rơi nước mắt, cứ ôm nhau khóc.

Anh Nguyễn Văn Lanh tâm sự về chuyện muốn đi thăm bạn bè - những đồng đội cũ - trên con tàu lịch sử HQ 604 tại Quảng Bình. Anh bảo: “Bao nhiêu năm, mấy lần đi công tác, về quê nhà, đã hẹn với nhau rồi nhưng cuối cùng chẳng đi được vì trời trở rét, vết thương lại nhức buốt nên phải quay vô TP.HCM cho ấm hơn và để trị bệnh”.

Nghe thế, tôi nói ngay: “Anh muốn đi đâu em cũng đưa đi, máu xương các anh đã đổ xuống vì Tổ quốc mà”. Anh nhìn tôi không nói lời nào nhưng ánh mắt sáng lên.

Ngay 14/3 khong the nao quen

Bà Kỷ (mẹ anh Lanh) nâng niu tấm danh hiệu của con trai

Ngày giỗ sống

Chúng tôi lên đường và từ đây, một cuộc trở về lịch sử không hẹn mà gặp bắt đầu. Từ xã Vạn Ninh, chúng tôi theo đường Hồ Chí Minh về quốc lộ 1A, men theo đường biển Quang Phú rồi ra xã Nhân Trạch để đón anh Nguyễn Văn Thống, người bị Trung Quốc bắt 3 năm và gia đình đã nhận giấy báo tử. Tiếp tục theo QL 1A ra thị trấn Ba Đồn, đến vùng nam huyện Quảng Trạch đến nhà anh Trương Đức Nhuân ở thôn Thọ Hạ, xã Quảng Sơn.

Trên suốt quãng đường từ Vạn Ninh đến xã Quảng Sơn, điều tôi băn khoăn đó là 25 năm trôi qua, liệu các anh có còn nhận ra nhau. Anh Lanh khẳng định: “Nhớ chứ, mặc dù tụi anh không gặp nhau nhưng sao mà quên được từng nét mặt, hành động, cử chỉ và không gặp nhưng cũng thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại. Nghe tin bạn gặp tai nạn, anh cũng gửi tiền ra cho bạn, sống với nhau phải bằng tình cảm chân thật em à”.

Các anh gặp lại nhau ở nhà anh Nhuân trong niềm vui vỡ òa, 25 năm rồi chứ ít ỏi gì nữa.

Điều đầu tiên là các anh xắn quần, vạch áo sờ lên từng vết sẹo của nhau.

Ngày ấy, ở tuổi đôi mươi, lứa tuổi vô tư hồn nhiên nhất, thì các anh đã gắn bó với nhau trong những buổi tập luyện trên thao trường, những lúc sinh hoạt trong doanh trại. Thời ấy, điều kiện kinh tế khó khăn, các anh nhường nhau từng miếng cơm, manh áo, có cái gì ngon cũng chia sẻ với nhau. Anh Lanh kể, mình làm nhiệm vụ đơm cơm cho cấp trên, thế là mình cố tình đơm cho thật nhiều, thành ra chỉ huy ăn không hết, phần thừa đó mình kêu mấy đứa lên lấy ăn. Ở nhà bếp còn cơm cháy, anh cũng kêu. Những trò "tăng gia sản xuất” có một không hai cũng được các anh ôn lại rồi cười vui vẻ.

Ở cái tuổi tóc đã muối tiêu, các anh vẫn gọi với nhau bằng “tau” và “mi”. “Gọi thế cho sướng miệng, bọn anh là bạn bè mà, gặp nhau chưa đầy 3 năm để rồi phải xa nhau từ đó cho đến bây giờ” - các anh bộc bạch.

Ngay 14/3 khong the nao quen

Anh Lanh, anh Thống đến thăm nhà anh Nhuân (áo xanh), họ là những đồng đội trên tàu HQ 604

Với anh Lanh, từ lúc còn ở đơn vị, mọi người gọi anh là “lép” bởi dáng người gầy ốm, mỏng manh. Đến bây giờ Lanh vẫn thế. Vừa chạm nhau, anh Nhuân đưa tay còn lại vỗ vai anh Lanh cái đốp rồi nói: “Hắn đúng là lép rồi, lép chừ vẫn là lép. Mẹ mi ơi, lấy cơm với thịt cho thằng lép hắn ăn”.

Lép nhưng lì. Nhớ lại ngày 14/3/1988, các anh Thống, Nhuân đều bảo: “Hắn lì lắm, có sợ chi lính Trung Quốc. Hắn giằng nhau với lính Trung Quốc để giữ cờ, khi bọn kia giơ súng, hắn nổi điên nhảy lên đạp một phát”.

Và máu anh đã đổ xuống. Trong cơn sinh tử giữa biển khơi, đồng đội anh đã kịp cứu, mang sự sống đến với anh. Trong căn nhà nhỏ ở Quảng Sơn hôm ấy, anh Lanh nói: “Hôm nay là kỷ niệm ngày giỗ sống của chúng ta”.

Điều đặc biệt, một trong hai người đưa anh Lanh đang chìm lên tấm ván nổi trên mặt nước là chiến sĩ Nguyễn Văn Lục (ở xã Quảng Thủy, H.Quảng Trạch) hiện đang ngồi đối diện với anh Lanh.

Anh Lục kể: “Lúc đó, chúng tôi đưa Lanh và anh Tứ bỏ lên tấm ván, sau đó bỏ lên xuồng nhôm, cùng với anh em đồng đội còn sống chèo về đảo Sinh Tồn, đang chèo thì gặp một tàu dân sự làm nhiệm vụ cung cấp lương thực cho các đảo và được đưa lên tàu. Nhưng sau đó tàu Trung Quốc kè không cho đi nên mãi từ trưa cho đến 10 giờ tối cùng ngày mới đến được đảo Sinh Tồn. Tứ bị cụt 1 chân, máu ra nhiều quá nên mất; còn Lanh may mắn qua khỏi”.

Ngay 14/3 khong the nao quen

Anh Nguyễn Văn Lanh và anh Nguyễn Văn Lục (bên trái) - là một trong hai người
đưa anh Lanh lúc bị thương lên ván nổi trên biển

Trà rượu một hồi, anh Lanh nổi hứng tinh nghịch như thời đang cùng nhau huấn luyện ở Đà Nẵng. Anh Lục cũng không chịu thua khi bảo: “Biết thế bữa đó tau không đưa hắn lên”. Rồi tất cả cùng cười vui.

Kể về anh Lanh, anh Nguyễn Đình Phùng (ở xã Quảng Tân, H.Quảng Trạch; lúc đó làm khí tài) vẫn không quên hình ảnh lúc tàu HQ 604 chuẩn bị rời bến ra đảo, anh Lanh còn tìm gặp để hỏi xin một lưỡi lê.

Chiều muộn, dù không muốn vẫn phải rời, Anh hùng Nguyễn Văn Lanh tạm biệt đồng đội trở lại quê nhà. Đã có những đôi mắt ứa nước khuất dưới mái tóc điểm bạc. Các anh mạnh mẽ sống chết cùng nhau vì Tổ quốc nhưng phút chia tay ai chẳng ngậm ngùi.

Theo Thanh Niên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI