Bí quyết khởi nghiệp của người dân Israel

11/12/2022 - 09:51

PNO - Là một quốc gia nhỏ về diện tích và dân số, thế nhưng Israel lại nổi tiếng khắp thế giới về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nhờ áp dụng thành công những "bí quyết" của riêng mình.

Chiến lược “biến nguy thành cơ”

Bà Maayan Ben Tura - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam - chia sẻ kinh nghiệm biến nguy thành cơ mà Israel đã áp dụng thành công - Ảnh: MAX Vu/HSU
Bà Maayan Ben Tura - Phó đại sứ Israel tại Việt Nam - chia sẻ kinh nghiệm "biến nguy thành cơ" mà Israel đã áp dụng thành công - Ảnh: MAX Vu/HSU

Một trong những ví dụ thành công của Israel trong lĩnh vực sáng tạo phục vụ đời sống con người chính là những sáng chế lọc nước biển, tái chế nước thải sinh hoạt, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước tự nhiên thường được biết đến với cụm từ “Cuộc cách mạng về sử dụng nước của Israel”.

Với 60% diện tích là sa mạc cùng điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, ít mưa nên Israel thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ hạn hán và thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và nông nghiệp với nhu cầu hơn 2 tỉ mét khối nước ngọt mỗi năm.

Để khắc phục vấn đề nan giải này, Israel đã nghiên cứu và phát triển thành công công nghệ khử nước biển áp dụng vào 5 nhà máy sản xuất nước ngọt hiện đại của mình. Nhờ vậy, quốc gia Trung Đông này hiện đã nâng tổng công suất khử mặn nước biển lên hơn 750 triệu m3/năm, đủ để đáp ứng trên 90% nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân.

Không chỉ phục vụ cho thị trường nội địa, đến nay, công nghệ khử mặn nước biển được xem là hiện đại nhất thế giới của Israel cũng đang được chuyển giao tới nhiều quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, châu Âu, châu Phi…

Bên cạnh đó, Israel còn làm nên kỳ tích khiến thế giới phải kinh ngạc khi có thể tái chế gần 80% lượng nước thải để tái sử dụng cho ngành nông nghiệp, công nghiệp và đô thị của mình.

“Với quá nhiều những khó khăn thách thức phải đối mặt, chúng tôi không có cách nào khác là tìm mọi cách vượt qua để có thể tồn tại. Và sáng tạo chính là tài nguyên của chúng tôi”, bà Maayan Ben Tura - Phó đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết.

Một nhà máy khử mặn lớn nhất thế giới ở thành phố Hadera của Israel - Ảnh: Luciano Santandreu/Shutterstock
Một nhà máy khử mặn lớn nhất thế giới ở thành phố Hadera của Israel - Ảnh: Luciano Santandreu/Shutterstock

Lập quỹ tài trợ cho những dự án khởi nghiệp bị thất bại

Dẫn con số hơn 10.000 công ty khởi nghiệp (startup) được thành lập chỉ trong vòng 10 năm (2008 - 2019), bà Maayan Ben Tura - Phó đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết, Israel được định danh là “Quốc gia khởi nghiệp” bởi tinh thần khởi nghiệp được gieo vào trái tim và khối óc của người dân ngay từ khi còn là những đứa trẻ.

Ở trong các trường phổ thông và đại học, học sinh sinh viên được khuyến khích xây dựng các dự án khởi nghiệp bằng chính những ý tưởng của mình, cho dù những ý tưởng ấy có khi rất sơ khai.

Israel có những cơ quan chuyên trách của chính phủ chuyên tìm kiếm và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ với tinh thần “chỉ cần bạn có ý tưởng, việc còn lại là của chúng tôi”.

Một điều đặc biệt mà bà Phó đại sứ Israel tại Việt Nam chia sẻ với sinh viên Đại học Hoa Sen trong buổi nói chuyện mới đây về chủ đề "Sáng tạo và Khởi nghiệp” chính là: Người Israel đối xử rất trân trọng với bất cứ những ai khởi nghiệp bị thất bại. Theo nhà ngoại giao cao cấp này, thất bại luôn là điều hiển nhiên của con người, là giai đoạn quá độ để tiến tới một giai đoạn thành công hơn.

“Chúng tôi không xem việc các bạn trẻ khởi nghiệp thất bại là điều thất bại. Có thể các bạn chưa thành công vì nhiều nguyên nhân, như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu mạng lưới hỗ trợ… Và đây chính là lúc mà Chính phủ hỗ trợ các bạn”, bà Maayan Ben Tura chia sẻ.

Bà Maayan Ben Tura - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam - nói chuyện với sinh viên Đại học Hoa Sen về chủ đề Sáng tạo và Khởi nghiệp - Ảnh: MAX Vu/HSU
Bà Maayan Ben Tura - Phó đại sứ Israel tại Việt Nam - nói chuyện với các bạn trẻ về chủ đề Sáng tạo và Khởi nghiệp - Ảnh: MAX Vu/HSU

Bà cũng không quên nhắn nhủ với các bạn trẻ một từ khóa quan trọng là “Dare” (tiếng Việt: Dám): Dám bắt tay vào thực làm, dám đặt câu hỏi phản biện, dám thách thức bản thân, và không bao giờ hài lòng với một giải pháp có sẵn.

Là một quốc gia nhỏ về diện tích với chỉ 22.145km2, dân số chưa tới 9,5 triệu người, thế nhưng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 của Israel đã đạt mức 481,59 tỉ USD (số liệu của Ngân hàng Thế giới).

Israel đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực sáng tạo, và đã “mạnh tay” chi 4,65% GDP cho đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển (R&D), một tỉ lệ được đánh giá là cao nhất thế giới và cao gấp đôi so với tỉ lệ trung bình (2,26%) của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI