Ngẫu hứng của nhạc sĩ Trần Tiến sau một thời gian "ẩn cư" ở Vũng Tàu

30/09/2016 - 06:30

PNO - Nhạc sĩ Trần Tiến vừa ra mắt cuốn sách Trần Tiến ngẫu hứng, tập hợp những bài ông viết đăng báo, đăng trên mạng xã hội… Sách gồm hai phần: Trần Tiến viết và Viết về Trần Tiến.

Sách còn có những bức ảnh kể chuyện: bức ảnh Với chị gái Trần Thị Bạch Yến kể câu chuyện chị “khai thông” đầu óc cậu em trai học kém văn, để rồi dẫn về chuyện chị Loan mà bài hát Chị tôi kể về một phần đời của chị; bức Trần Tiến Sài Gòn 1981 với câu chuyện ông “bỏ trốn” khỏi nhà Trịnh Công Sơn đi ngủ ngoài công viên Văn Lang, vì “bị chăm sóc quá đâm ngại”, Trịnh Công Sơn trách “Tiến không chịu hàm ơn cuộc đời, thì làm sao biết trả ơn người”… Cuốn sách đúng tinh thần ngẫu hứng của Trần Tiến xưa nay, với những câu chuyện không đầu không cuối, những cảm xúc bất chợt...

Vị nhạc sĩ đang “ẩn cư” ở Vũng Tàu, trải lòng:

"Trần Tiến ra sách - đến tôi còn không tin nổi nữa là, tôi đâu có định viết văn. Hôm nọ Nguyễn Trọng Tạo gọi, bảo tôi là “văn anh đọc cũng được đấy, rất sột soạt”. Cứ nhớ đến đâu tôi viết đến đó, mà hầu hết đều viết trong cơn say. Mọi người cứ hình dung như tôi viết bài hát thế thôi, nó là những bài hát trong bóng tối. Tôi định sau cuốn sách này sẽ là một cuốn sách nhạc Trần Tiến.

Tôi là kẻ chẳng quan tâm gì đến sự nghiệp của mình, bao nhiêu năm trời chưa từng làm album, liveshow, in nhạc… Nhiều ca sĩ hát nhạc Trần Tiến sai lời, karaoke in nhạc Trần Tiến câu từ “láo toét” ra. Nào đâu phải lỗi của họ, đó là lỗi của tôi. Tôi chưa từng in tập nhạc nào, họ làm sao biết đâu là đúng.

Mặt khác, tôi cũng có một số điều cần phải nói về vài ca khúc của mình. Bài hát Bằng lòng đi em có hai câu thơ của Bế Kiến Quốc “Ôi những đêm ngóng sông buồn muốn khóc/Mình anh ca điệu lý qua cầu”, nhưng bao năm qua không ai biết, họ chỉ biết đó là bài hát của Trần Tiến.

 Hay như bài Chim sẻ tóc xù có một câu thơ của Lưu Quang Vũ, và mọi người cần phải biết điều đó. Bài Lá diêu bông cũng vậy, tôi không lấy thơ cũng không cảm hứng từ bài thơ của Hoàng Cầm, nhưng chữ “lá diêu bông” là của anh ấy, phải sòng phẳng điều đó.

Ngau hung cua nhac si Tran Tien sau mot thoi gian

Trong cuốn sách, tôi thích nhất bài viết về anh Trần Hiếu, có lẽ là bài viết hay nhất mà tôi từng viết trong đời. Nó không phụ thuộc vào tài viết, nó là trái tim. Còn Trần Thu Hà giống chú nó lắm. Cả cái nhà này bị điên mà. À không, Trần Hiếu đứng đắn hơn, ông ấy hay chửi tôi lắm, bảo tôi cứ bỗ bã. Tôi giờ là bảo mẫu của anh ấy đấy.

Ba tôi là hiệu trưởng một trường Tây, mẹ tôi là mệnh phụ phu nhân nhưng có ngày mẹ tôi phải giặt mền chiếu kiếm tiền. Chính vì thế mà tôi yêu đất nước này quá, cuộc đời vùi dập tôi quá nên tôi rất biết ơn, vì nhờ vậy mà tôi mới viết được...

Cuộc đời như tôi lắm lúc cũng viết thuê, “Lời ru buồn nghe mênh mang mênh mang” ấy, là viết thuê. Tôi được trả 300 ngàn, vào năm 1992. Nhiều nhỉ? Còn bài hát Nhăng nhố, là đêm sau khi diễn xong, tôi đi dạo bờ sông Hương thì có tiếng cô gái đâu đó trong bóng tối hỏi “anh ơi anh có đi không”.

Tôi đề nghị cô ấy đi dạo rồi cô kể về đời mình, xong tôi cho địa chỉ khách sạn, dặn đúng 9g sáng mai đến. Hôm sau cô ấy đến, tôi gửi tiền kèm bài hát Nhăng nhố mà tôi viết trong đêm. Ba năm sau, đang du ca ở Đà Lạt, tôi nhận được thiệp mời cưới của cô gái ăn sương ngày nào, mời nhóm du ca Trần Tiến dự. Cô ấy lấy chồng, như trong bài hát.

Nhiều người bảo chỉ có Trần Tiến mới hát nhạc Trần Tiến hay, tôi bèn bảo đứa nào khen tôi hát hay thì đứa đó chả biết gì về nhạc. Nếu tôi viết nhạc mà chỉ tôi chứ không ca sĩ nào hát hay thì tôi không phải nhạc sĩ chuyên nghiệp. Nhạc sĩ chuyên nghiệp là phải sáng tác cho người khác hát chứ.

Có nhiều ca sĩ hát nhạc mình mà tôi thích, Cẩm Vân hát Giai điệu Tổ quốc, Ngọc Anh (đã mất) hát Vết chân tròn trên cát, Tùy hứng lý ngựa ô, Đình Huấn hát Ánh sáng đêm trăng, Ngọc Bích hát Tạm biệt chim én… Nói chung, người Sài Gòn hát nhạc Trần Tiến hay nhất nhưng vẫn không thể thiếu vài ca sĩ Hà Nội như Ngọc Tân chẳng hạn. Tân hát Lý qua cầu, Tạm biệt chim én… hay lắm.

Thời du ca, chúng tôi đi cùng nhau, ngủ chung với nhau cả chục đứa. Chả có tình ý tình iếc gì, cả đám vô tư, cả Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, Mai Bá Trác… Hồi đó Khánh Ly cứ dậy sớm mở ví ông Sơn ra để tiền vào cho ông ấy. Ông Sơn lần nào dậy cũng thấy có tiền, rút ra bảo “chắc Khánh Ly nó cho” rồi kéo cả đám đi nhậu hết.

Tình bạn trong nghệ thuật là cái gì đó rất khó nói. Tình yêu, cũng có đó nhưng tình bạn, tình đồng nghiệp khi ấy lớn hơn nhiều. Chúng tôi thời đấy như thế. Kể thế thôi nhưng tôi không nói mình là người đứng đắn đâu nhé. Tôi chả thấy ai đứng đắn tử tế mà viết được nhạc, họ đi làm giáo sư hết rồi.

Nhiều năm nay tôi sống ở Vũng Tàu, vì sao ư, thì người già có thú điền viên thôi. Ở đó không khí tốt, trong lành, nghe sóng biển hàng ngày, có tôm cua để nói chuyện mỗi ngày. À một trong những lý do lớn nhất tôi phải chuồn khỏi Hà Nội và Sài Gòn là tôi muốn người ta nghe nhạc của tôi chứ đừng nhìn tôi. Nhìn tôi chán bỏ xừ, ra, ăn nói bỗ bã thô tục, tóc tai luộm thuộm.

Tôi sống ở Vũng Tàu yên ả lắm. Trời cho tôi kinh tế dồi dào, cátsê của tôi không ít đâu nhưng tôi tiêu ít tiền lắm. Tôi uống rượu nhiều nhưng không bao giờ uống hết chai này đến chai kia, chỉ uống đủ rồi dừng, thức ăn không bao giờ để thừa. Từ bé mẹ tôi đã dặn thế. Mỗi tháng tôi xài không quá năm triệu đồng, chỉ mua đủ mình ăn chứ không bao giờ mua dư...

Năm 1972, tôi ở chiến trường về, hồi đó tôi vừa bị sốt rét xong, mẹ tôi bảo thôi rồi con ạ, mày không có con được nữa đâu. Một hôm tôi đi hát, gặp cô soát vé xinh xinh, thế là tán rồi yêu rồi cưới. Hồi đó vợ tôi là sinh viên ngành sư phạm, đi làm thêm.

Vợ tôi là người liêm khiết nhất mà tôi biết. Đời tôi sương gió bao nhiêu, bỗ bã bao nhiêu chứ tôi sợ vợ lắm. Nói chung tôi vẫn cứ là một học sinh cá biệt của hiệu trưởng Bích Ngà. Sinh ra hai đứa con gái, và điều tôi vui nhất là lâu lâu lại nghe bạn bè bảo “bọn nó đúng là con ông Trần Tiến”. Chúng khẳng tính lắm. Có người bạn tôi tặng vé máy bay cho nó về thăm bố, nó từ chối ngay, bảo con đi làm rồi, con phải tự mua vé về chứ".

Võ Hà (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI