Ngập nỗi lo virus corona trên đường từ quê về thành phố

29/01/2020 - 11:10

PNO - Hết tết mà vợ chồng tôi vẫn chưa tìm ra được phương án an toàn để trở về nhà do tình hình diễn biến phức tạp của dịch virus corona.

 

Mời bạn chia sẻ quan điểm, thông tin riêng và câu chuyện liên quan dịch viêm phổi do virus corona cùng Báo Phụ Nữ. Tin bài xin gửi tới email: online@baophunu.org.vn

Mấy ngày qua, những thông tin liên tục cập nhật về tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm phổi cấp tính do virus corona làm cho kỳ nghỉ tết của gia đình tôi không còn vui vẻ. Hiện tại các địa phương có người nghi nhiễm bệnh đang mở rộng ra tới 11 tỉnh thành bao gồm Đà Nẵng, TPHCM, nơi có sân bay chúng tôi phải tới để trở về. Sau đó, từ TPHCM, chúng tôi phải lên xe dịch vụ đưa đón, ngồi chung cùng hơn chục hành khách khác để di chuyển quãng đường 150km về Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì điều kiện công việc và con nhỏ nên 4 năm rồi chúng tôi mới sắp xếp được để về đón tết ở quê nội ngoại cùng địa bàn Quảng Nam, thế nhưng kỳ nghỉ tết ngập tràn nỗi lo dịch bệnh.

Nghe tin tức virus corona, nhà tôi ai cũng hoảng sợ. Nhưng con cái phải chuẩn bị đi học, vợ chồng phải đi làm. Mùng 8 tôi là người chủ trì lễ khai trương ở công ty. Vợ chồng tôi đau đầu tìm phương án an toàn để trở về nhà.

Nghĩ tới cảnh chen chúc đông người ở sân bay, bến xe làm tôi càng lo lắng. Ảnh minh hoạ
Nghĩ tới cảnh chen chúc đông người ở sân bay, bến xe làm tôi càng lo lắng. Ảnh minh hoạ

Về quê ngày 26 tết, thông tin về dịch virus corona chưa nhiều nên tâm lý nhà tôi khá thoải mái. Thậm chí, cả gia đình tung tăng đi lại chứ không hề có khẩu trang, chỉ dùng áo khoác mỏng che nắng.

Nhớ lại chặng đường về nhà, qua hai sân bay, hai tuyến xe, ăn uống vài hàng quán đông người, đặc biệt rất nhiều du khách đến từ Trung Quốc, tôi ớn lạnh.

Ở những nơi đó, khó mà kiểm soát được khi mà virus này có thể phát tán trong thời gian ủ bệnh, chưa có triệu chứng gì. Trong khoảng cách hai mét, nếu hít phải nước bọt hay hắt hơi của người bệnh sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Dù dùng khẩu trang nhưng ở nơi đông người như thế, nhiều chỗ có thể dính nước bọt mà mình không thể biết được.

Bây giờ, trong hành trình trở lại, nghĩ tới cảnh từng đoàn người nối đuôi nhau để làm thủ tục ở sân bay, chen chúc khi lên xuống xe mà tôi ngán, đâu biết được người nào có ủ bệnh để mà tránh khi khoảng cách tiếp xúc rất gần.

Hai đứa con trai đang độ tuổi nghịch ngợm, bắt bọn trẻ đeo khẩu trang suốt cả chặng đường là rất khó. Thể nào, tụi nhỏ cũng lén mở ra khi ba mẹ không để ý. Chưa kể đến sân bay, bến xe, các con hiếu động, hết sờ máy bán hàng tự động thì nằm vật vã ra ghế chờ khi chuyến bay bị trễ.

bắt bọn trẻ đeo khẩu trang suốt cả chặng đường là rất khó
Việc bắt buộc đeo khẩu trang suốt cả chặng đường về đối với hai đứa con trai đang độ tuổi nghịch ngợm là rất khó thực hiện. Ảnh minh hoạ

Thấy vợ chồng tôi lo lắng, ông bà bảo gọi điện vào xin phép nghỉ thêm, đến khi nào hết dịch rồi về. Nhưng điều đó là không thể, thời gian khống chế được dịch không xác định, trong khi số ngày nghỉ phép có giới hạn.

Vợ tôi đề nghị huỷ vé máy bay, đi tàu lửa cho an toàn, ít nhất chỉ phải qua ga đi, ga đến và bỏ tiền thuê taxi về nhà chứ không phải ra sân bay di chuyển nhiều. Nhưng vợ tôi quên rằng, đi tàu lửa lâu hơn mà không tránh khỏi tiếp xúc đông người trong khoảng thời gian dài hơn lại càng nguy hiểm.

Nghĩ mãi mà không còn cách nào hơn, tôi quyết định sẽ đưa vợ con về nhà với hành trình cũ. Đành liều, nhưng trang bị khẩu trang, áo quần kín mít, đặc biệt giám sát chặt chẽ hai đứa con và hết sức cẩn thận trên đường đi. Có lẽ, nỗi lo con đường về nhà sau kỳ nghỉ tết không phải của riêng gia đình tôi mà của rất nhiều người trong tình hình dịch bệnh hiện tại.

Thanh Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI