Ngập những âu lo trong mỗi căn nhà lụt

11/10/2020 - 12:18

PNO - Lũ mỗi lúc một cao, bầy trẻ nghịch nước cười vang còn người lớn liên tục chuyển đồ đạc. Nỗi lo cơm áo mùa lũ cũng dâng theo...

12 giờ đêm, tôi ngồi gác cho chồng con ngủ. Sau đó, chồng sẽ dậy và thay tôi thức đến sáng. Đã hai đêm nước lũ ngấp nghé ngoài sân, dù nhà tôi cao hơn nhiều khu vực. 

Người Huế lại qua một đêm thay phiên ngủ gác lũ vì các tuyến đường thành phố đã biến thành sông nước mênh mông. Nhiều gia đình phải thích nghi với cảnh lội bì bõm trong nhà.

Chiều qua ngớt mưa, mấy chị em trong ngõ rủ nhau lội nước, ngó chừng ai bán rau củ gì thì mua. Tôi mua được ít cá người ta "bán chạy". Chị vợ vừa bán vừa than ông chồng: “Đã nói là mua lưới quây hồ trước đi mà không chịu. Ông ấy ham đánh bài, giục mãi chẳng chịu làm cho. Giờ nước lên thế này, mất gần hết...”.

Thành phố Huế biến thành sông (Ảnh La Phước)
Thành phố Huế biến thành sông (Ảnh La Phước)
Mua được ít thực phẩm đã là mừng (Ảnh Lê Huy Hoàng Hải)
Mua được ít thực phẩm đã là mừng (Ảnh Lê Huy Hoàng Hải)
Một góc đường trước chợ Đông Ba (Ảnh Lê Huy Hoàng Hải)
Một góc đường trước chợ Đông Ba (Ảnh Lê Huy Hoàng Hải)

Chị Giang trong xóm mua được mấy tép sả, chị cầm lên đếm rồi ngao ngán: “6 nhánh sả mà 18 ngàn đồng”. Chúng tôi nhìn nhau: “Sả kho thịt mà chẳng biết thịt với sả thứ nào đắt hơn”. Rồi cả nhóm cười to hơn khi thấy một cậu trai trẻ để cô gái ngồi yên trên xe máy, còn mình kiên nhẫn đẩy xe đi.

Mưa lụt năm 2020 đã thành kỷ niệm với rất nhiều người dân Cố đô (Ảnh Lê Huy Hoàng Hải)
Mưa lụt năm 2020 đã thành kỷ niệm với nhiều người dân Cố đô (Ảnh Lê Huy Hoàng Hải)

“Chắc tụi nó đang yêu nhau, chứ cưới nhau rồi thì sức mấy ga-lăng thế nữa”, tiếng chị Bân vang lên. Người chị lớn của xóm tên Nga góp chuyện: “Như ông Thanh nhà chị, ngủ suốt. Mặc cho mẹ con bưng tủ, kê giường. Nhờ ra chợ chở gạo về giùm mà ông cứ nằm ì ra ghế".

Từ đề tài chồng, chị Nga sang chuyện con dâu. Chẳng biết nội tình nhà chị thế nào mà nàng dâu về nhà mẹ ruột cả tuần không thấy mặt. “Tôi giận thằng con, nó lấy vợ mà không bảo ban được vợ. Lụt lội thế này ít ra cũng điện qua hỏi thăm tình hình cha mẹ chồng thế nào chứ im ỉm như thóc". chị thở dài.

May có chị Sang giục về để cắt ngang câu chuyện mẹ chồng nàng dâu, nếu không khí lội nước sẽ trở nên u ám như bầu trời ảm đạm.

Ăn sáng vội trên vỉa hè ngập nước (Ảnh Lê Huy Hoàng Hải)
Ăn sáng vội trên vỉa hè ngập nước (Ảnh Lê Huy Hoàng Hải)

Mấy hôm nay nhà tôi ăn đơn giản. Rau và hành khan hiếm nên bữa ăn khá "nhợt nhạt". Hai thằng cu thì hớn hở vì được ăn trứng chiên, trứng luộc đều đều ngày đôi bữa. Chỉ có ba chúng là khó nuốt vì thiếu ớt, thiếu hành. Tôi chẳng mất thời gian để giải thích như những lần trước “em quên”, mà cười thầm “mọi chuyện đều có thể thích nghi”.

Chơi game, uống cà phê lúc này cũng là một sự lựa chọn (Ảnh Lê Huy Hoàng Hải và Trường Bùi)
Chơi game, uống cà phê lúc này cũng là một sự lựa chọn (Ảnh Lê Huy Hoàng Hải, Trường Bùi)

Nhìn sang nhà bên, tôi thấy mệ An đã được anh Long bế qua nhà. Mệ ở với con trai đầu, anh Long là con thứ và ở sát nhà bên. Lâu nay mẹ con anh vẫn bất đồng vì cái tính rất khó của mệ. Vợ anh nấu món gì mang sang mệ cũng chê, đích thân anh mua phở về mệ cũng kêu đắng kêu dở.

Từ ngày anh làm nhà mới, mệ không bước chân qua. Ấy thế mà, lụt về mệ đã chịu sang. Chẳng biết do mệ sợ nước vào nhà hay tình mẫu tử đã được đánh thức đúng lúc để giờ trông mệ hiền khô như đứa trẻ ưa nghe lời.

Ngồi nhìn nước lên (Ảnh Phan Hiếu)
Ngồi nhìn nước lên (Ảnh Phan Hiếu)

Món thịt heo kho sả đã xong, chị Giang chia cho mỗi nhà một chén. Chị nấu ăn "chuẩn Huế" nên nhìn hạt đậu phụng nằm lẫn trong miếng thịt ba chỉ thái nhỏ và sả băm nhuyễn, cùng mùi ruốc đặc trưng đã thấy thèm. Chị quan tâm đến mọi người như thế, nhưng chồng chị lại đi biệt tăm với cô bồ trẻ từ lâu. Mùa mưa bão, ai nhìn mấy mẹ con leo lên mái nhà chằng chéo ngói cũng thương. Chồng tôi và mấy người đàn ông trong xóm qua phụ một tay, có thế mà chị cảm ơn rối rít. Thật may, ông trời chẳng lấy hết sạch mọi thứ của ai bao giờ, bởi ba con chị, đứa nào đứa nấy rất ngoan.

Với trẻ con, được chơi đùa trong nước là một trải nghiệm khó quên (Ảnh Trà Mi)
Với trẻ con, được chơi đùa trong nước là một kỷ niệm khó quên (Ảnh Dương Trà Mi)

Có tiếng ai đó bì bõm lội nước đi trong đêm. Rất có thể là bước chân của những người công nhân vệ sinh môi trường. Chiều qua tôi thấy chiếc xe của họ rác đã cao hơn đầu người. Mùa này nhiều người làm việc tăng ca, có những nữ công nhân rời nhà đi từ 2 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau mới có mặt ở nhà. Tôi như tỉnh ngủ khi nghĩ tới ngoài kia có ông bố bà mẹ vì nghề nghiệp, vì mưu sinh mà phải dầm mưa gió, hiểm nguy nào kể được.

Vẫn có những người đang mưu sinh trong lũ (Ảnh Lê Huy Hoàng Hải)
Còn có những người đang mưu sinh trong lũ (Ảnh Lê Huy Hoàng Hải)

Chỉ có bọn trẻ là thích mưa lụt, bao lâu cũng được. Có đứa không được lội nước, nhưng vẫn thích, vì chí ít chúng cũng được nghỉ học mấy ngày. Nhìn con háo hức chờ lụt, lâu lâu lại nhắc: “Ba ơi, sao nước chưa vào nhà mình”, anh hàng xóm chỉ biết ngậm cười.

Đã mấy tháng nay do COVID-19, công ty may mặc nơi anh làm đã cho công nhân nghỉ việc. Anh mới xin được chân thợ hồ, làm được 5 ngày thì lụt tới. Tình hình này thì công trình phải đợi nước rút hết, đất khô ráo mới có thể tiếp tục, trong khi đó, tiền ăn, tiền sinh hoạt của gia đình đứng yên tại chỗ. Chồng và vợ cùng thất nghiệp, lại thêm nước lũ vào nhà, hỏi làm sao tiếng cãi vã lại không thể nhỏ hơn tiếng nước đang oàm oạp.

Đường về nhà còn cách bao xa (Ảnh lê Huy Hoàng Hải)
Đường về nhà còn bao xa? (Ảnh Lê Huy Hoàng Hải)
Nét lo âu trên gương mặt mẹ chiều nay (Ảnh Lê Huy Hoàng Hải)
Nét lo âu trên nhiều gương mặt sáng mai (Ảnh Lê Huy Hoàng Hải)

Nhà chức trách đang cảnh báo mực nước sông Hương mỗi lúc một lúc một dâng cao, vượt ngưỡng lụt năm 1999. Dấu tích của cách đây 21 năm vẫn còn khi mực nước để lại vết hằn trên những bức tường nhà. Tôi cầu trời cho đêm nay đừng mưa và ngày mai cũng thế. Trong mỗi ngôi nhà đã có quá nhiều chuyện để lo...

                                     Lâm Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI