Ngập lụt Đà Nẵng: Phải xem lại tính dự báo trong quy hoạch

19/12/2018 - 07:06

PNO - Một trong những nguyên nhân khiến cả thành phố ngập lụt, theo nhiều chuyên gia, là do lỗi quy hoạch.

Tại kỳ họp thứ chín Hội đồng nhân dân TP.Đà Nẵng khóa IX diễn ra từ ngày 17-19/12, trận ngập lịch sử xảy ra ngày 9-10/12 vừa qua trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của cử tri và các đại biểu. Một trong những nguyên nhân khiến cả thành phố ngập lụt, theo nhiều chuyên gia, là do lỗi quy hoạch.

Thừa nhận về yếu kém trong việc xử lý môi trường hiện nay, ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.Đà Nẵng - nói: “Do quá trình phát triển nhanh nên còn nhiều bất cập. Trách nhiệm của lãnh đạo thành phố là phải rà soát lại quy hoạch nước thải và phải phân kỳ để đầu tư có hiệu quả, đồng bộ, đặc biệt là chú ý giải pháp chống ngập”.

Ngap lut Da Nang: Phai xem lai tinh du bao trong quy hoach
TP.Đà Nẵng ngập sâu trong trận mưa ngày 10/12.

Ông Trung thừa nhận, trong đợt mưa gây ngập nặng vừa qua, ông đi kiểm tra thì thấy tình trạng “chỗ có bơm thì không ngập nước, chỗ ngập nước thì không có máy bơm”. “Mỗi năm, thành phố chi 82 tỷ đồng, năm 2018 chi 85 tỷ đồng cho công tác nạo vét nhưng không hiệu quả. Bây giờ, cứ ngửi thấy mùi hôi, có con muỗi bay lên là bịt hết các hố ga, vậy thì nước thoát đi đâu được” - ông nói.

Ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị, Hội đồng nhân dân TP.Đà Nẵng - chỉ ra các nguyên nhân ngập nặng vừa qua: một là, do trong tính toán quy hoạch thoát nước, chưa dự báo hết khả năng ứng phó với điều kiện thời tiết cực đoan, chưa dự báo được sự phát triển của đô thị.

Quá trình phát triển đô thị đã làm giảm số lượng hồ điều tiết tự nhiên trong thành phố từ 42 hồ còn 32 hồ, tương đương với diện tích hồ còn khoảng gần 200ha với sức chứa khoảng 3,5 triệu m3.

Hai là, không thực hiện công tác duy tu, nạo vét trong thời gian dài, chưa kiểm soát tốt tình trạng xả thải nước ngầm lẫn bùn đất của các công trình thi công, chưa có biện pháp hạn chế xả thải của nhiều dự án lớn, gây quá tải hạ tầng lên hệ thống thoát nước của đô thị.

Để giải quyết căn cơ vấn đề thoát nước đô thị của TP.Đà Nẵng, ông Tiến đề nghị cần rà soát, đánh giá lại tổng thể quy hoạch hệ thống thoát nước của thành phố, qua đó nhận diện những khu vực yếu thế, những khu vực phát triển tập trung đô thị để cập nhật, bổ sung, tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố sắp tới. Căn cứ vào quy hoạch, mới tính toán, nâng cấp các tuyến cống hiện có và đầu tư tuyến cống mới đảm bảo năng lực thoát nước cho phù hợp.

Đối với khu vực trung tâm cũ như các quận Hải Châu, Thanh Khê, ông Tiến cho rằng, cần tiếp tục đầu tư để khớp nối hệ thống thoát nước hiện có nhằm tăng khả năng chia sẻ việc thoát nước, mở rộng tiết diện một số tuyến cống chính như tuyến đường Hùng Vương, Ông Ích Khiêm, Hải Phòng, Đống Đa, Phần Lăng… để đảm bảo tăng dung tích chứa của các tuyến này và làm thông hệ thống thoát nước.

Ông Tiến cũng đề nghị, đối với các khu đô thị mới, cần quy định cụ thể về diện tích hồ điều tiết để giải quyết bài toán thoát nước ở gần khu dân cư. Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch duy tu, nạo vét định kỳ cho hệ thống thoát nước hiện có, kiểm soát nghiêm việc xả thải, thi công phần móng của các công trình xây dựng, có lộ trình thay thế đồng bộ các cửa thu nước kết hợp với công tác tuyên truyền để bảo vệ không cho rác thải lọt vào cống gây tắc nghẽn cục bộ.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho rằng, công tác quản lý, công tác dự báo đều có vấn đề: “Nếu chúng ta dự báo tốt thì sẽ sẵn sàng ứng phó với thời tiết cực đoan. Gần như tất cả điểm nóng môi trường hiện nay đều xuất phát từ việc quy hoạch không có dự báo. Do đó, tôi đề nghị, trong công tác quản lý, cần phải làm tốt việc này. Nếu cần thiết, thành phố ra một quyết nghị riêng về công tác bảo vệ môi trường ngoài hệ thống quy chuẩn hiện nay do trung ương ban hành”.

Chi hàng trăm triệu USD, vẫn chưa thể xử lý hiệu quả nước thải

Ông Nguyễn Thành Tiến thông tin: đầu tư cho dự án thoát nước vệ sinh môi trường của thành phố giai đoạn 1998-2008 khoảng 15 triệu USD, dự án hạ tầng ưu tiên giai đoạn 2008-2013 khoảng 70 triệu USD, dự án phát triển bền vững giai đoạn 2013-2019 khoảng 143 triệu USD.

Tổng kinh phí đầu tư trên 5.200 tỷ đồng từ trước đến nay để phục vụ việc thoát nước cho thành phố với nhiều tuyến cống thoát nước chủ lực đã hoàn thành, cơ bản thoát nước tốt cho thành phố, đặc biệt là các khu vực ngập úng “truyền thống”. Nhưng hệ thống này chưa đáp ứng yêu cầu trước thời tiết cực đoan như đợt ngập lịch sử vừa qua.

Ông Tô Văn Hùng cho biết, mỗi ngày, thành phố thải ra hơn 200.000m3 nước nhưng hiện chỉ có 4 nhà máy xử lý nước thải với công suất khoảng 150.000m3/ngày đêm.

Hoàng Thanh Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI