Ngạo nghễ đàn bà

20/10/2017 - 12:11

PNO - Đến thời điểm này, phong trào Phụ nữ hai giỏi vẫn được duy trì như một… “danh hiệu vui tính”, đến hẹn lại trao. Nó hiện diện như một sự nhắc nhở hơn là soi xét, đánh giá.

Cô giáo dạy tiếng Pháp của tôi kể, ngày mình sinh Oliu, mở mắt thấy con gái, mình đã khóc, thương nó cái kiếp đàn bà. 

Bạn tôi, một doanh nhân thành đạt, bảo: nhiều khi, mình ngắm nhìn mẹ chồng, tự hỏi, không biết bà nghĩ gì về đứa con dâu duy nhất lại sinh một bề. 

Ngao nghe dan ba

Tôi lập tức… nổi giận, không cơn cớ nhưng dai dẳng. Như thể, làm đàn bà là một khiếm khuyết, là sự bất toàn, là lỗi định mệnh. 

Trong một chuyến công cán, phía bạn giao đãi, rót trà cho toàn thể khách đoàn; riêng phái nam có thêm tách cà phê. Tôi chẳng khô khát gì nhưng ấm ức mùi vị cà phê bởi sự mặc định về giới len cả vào trong phép xã giao. Hoặc, tôi chúa ghét uống bia bởi ngoài vị đắng, nó chẳng thơm tho gì.

Nhưng hễ là phụ nữ, cầm ly bia là lập tức bị quy về… đạo đức, đã thế, tôi sẽ chọn cái màu vàng ấy thay vì lỏn lẻn, e dè bên ly nước lọc. Một phản xạ vô điều kiện để yêu thương, để bảo vệ và để thưởng thức cái nhân vị đàn bà. Tại sao không? 

Sự dịu dàng, nữ tính chưa bao giờ sóng sánh trong tách cà phê hay ừng ực theo vại bia. Mà có khi, bạn nhấp một tí capuchino, rồi cúi xuống, lắng nghe những lời thủ thỉ hoặc khẽ “dzô” một tiếng, bạn ngồi lại để cho ai đó trút bỏ những muộn phiền, họ cần được bạn sẻ chia. Thế thôi.

Tính nữ, một khi còn tô vẽ bề ngoài thì mãi chỉ là sự trang điểm. Còn nó thuộc về bạn, là phần sâu thẳm bên trong, là tính năng đàn bà trong chính bản thể bạn được sinh ra, được nuôi dưỡng, bạn bay nhảy, đùa giỡn, vuốt ve và thi vị với nó, đấy là cái nữ tính đầy ngạo nghễ mà văn sĩ người Pháp S.de Beauvoir đã xác lập thành tuyên ngôn nữ quyền: “Chúng ta sinh ra không phải là đàn bà mà để trở thành đàn bà”! 

Ngao nghe dan ba
 

Những nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã dành cho giới nữ khá nhiều ưu ái. Có vô số chương trình, dự án, các văn bản thể chế nhằm hướng tới cái gọi là “giải phóng phụ nữ”, hoặc mang lại “sự bình đẳng, tiến bộ cho phụ nữ”. Đó là một xu hướng tích cực, tạm gọi là… văn minh.

Nhưng thụ hưởng các nội dung ấy, thông qua các bước triển khai, đánh giá, kiểm định, kết quả, đôi khi có vẻ như lưu lại trên báo cáo là chính; còn thực tế, sự tác động và thay đổi lại chưa nhiều. Những nỗ lực, các cơ hội, thành quả mà giới nữ đạt được, đóng góp cho xã hội lại đa phần dựa trên năng lực, năng lượng của chính họ, dẫn tới cái quyền năng phụ nữ - do chính phụ nữ tạo dựng - không phải là không có cơ sở. 

Đến thời điểm này, phong trào Phụ nữ hai giỏi vẫn được duy trì như một… “danh hiệu vui tính”, đến hẹn lại trao. Nó hiện diện như một sự nhắc nhở hơn là soi xét, đánh giá. Chẳng ai phải thấy rằng mình chưa xứng đáng hay vượt trội. Cũng không còn là cái áp lực hay gánh nặng cho chị em. 

Một tâm thế tự tin, một bước tiến bày tỏ, thể hiện khả năng, ý chí, mục tiêu sống, làm việc, thụ hưởng của giới nữ hay là cái thụt lùi, trễ nải, vô hiệu lực của các chính sách, chương trình xã hội dành riêng cho phụ nữ? 

Ngao nghe dan ba

Riêng tuổi hưu cho nữ giới, lại là câu chuyện khác. Nhưng cái cách “kêu gào” để tăng hay giảm cứ bị quy chiếu theo phân biệt giới, lại có phần yếm thế. Văn minh và tiến bộ nhất trong tham vấn chính sách liên quan tới nội dung “nhạy cảm” này chính là từ mức trần sẽ đưa ra các mốc lựa chọn, có các căn cứ, tiêu chí rõ ràng để chính người lao động sẽ chủ động quyết định tuổi hưu của mình - trong biên độ cho phép. 

Những ngày này, thị trường mạng sốt món hàng “hồng bất tử”, nhập từ Ecuador, được thiết kế mô phỏng từ hình ảnh đắt giá trong bộ phim Người đẹp và quái thú. Người phụ nữ nào sẽ may mắn nhận được món quà đắt đỏ này trong dịp 20/10, để mơ màng về một tình yêu vĩnh cửu? Hẳn là có. Nhưng, khi hồng cánh mỏng cuối cùng rụng xuống, quái thú vẫn mang hình dạng cũ; chỉ có sự thổn thức và tình yêu của người đẹp Belle mới cứu rỗi, mặc cho hoa hồng tan biến, hình thù cũng không màng.

Đó là chuyện trên phim. Còn đời thực, trong bao nhiêu diện mạo người, ngay cả nàng Belle và người đàn ông của bạn, vẫn có một con quái thú ẩn nấp, “hồng bất tử” liệu có đủ sức giải cứu khỏi lời nguyền, khỏi những bức bối, thất vọng và bế tắc của nhau, về nhau?

Sự bất tử chỉ dành cho… cổ tích. Còn cuộc sống vẫn cứ trôi và hạnh phúc - bất hạnh đi ngang qua mình, chẳng hề dừng lại vì là đàn ông hay đàn bà. 

 Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI