Một cái nhìn

Ngao ngán với “văn hóa khẩu hiệu”

05/10/2020 - 06:30

PNO - Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0, do đó khẩu hiệu tuyên truyền phải tiếp cận được với truyền thông hiện đại.

Trước đây, dư luận cũng đã từng dậy sóng với những khẩu hiệu phản cảm, ngô nghê như Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học!, Lái xe thể hiện bản chất con người, Thảm họa tai nạn giao thông - Hãy hành động ngay!, Ra sức thi đua thực hiện phong trào toàn thành phố xây dựng nông thôn mới, Nhiệt liệt chào mừng ngày Thương binh liệt sĩ... “Biết rồi, khổ lắm nói mãi” nhưng vẫn phải nói, bởi khẩu hiệu không chỉ là khẩu hiệu, nó còn là một phần của văn hóa - văn hóa ứng xử, văn hóa nhận thức, văn hóa hành động của một xã hội.

Khi đã là một phần của văn hóa thì khẩu hiệu và các hình thức thể hiện như pa-nô, bảng hiệu, băng rôn... phải đảm bảo những yêu cầu tối thiểu về chuẩn mực văn hóa, từ mục đích, hình thức cho đến nội dung thể hiện.

Điều đáng bàn là hiện nay, dường như chúng ta đang quá lạm dụng khẩu hiệu trong hoạt động tuyên truyền, dẫn đến tình trạng khẩu hiệu tràn lan khắp mọi góc phố, con đường, công sở... không chỉ gây cảm giác nhàm chán cho người xem, còn làm mất mỹ quan đường phố, phản cảm, phản tác dụng, dẫn đến lãng phí tiền bạc, vật chất, không gian sống.

Những khẩu hiệu... chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Những khẩu hiệu... chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Phải khẳng định, khẩu hiệu có vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, động viên cổ vũ con người nhằm đạt được một mục đích chính trị, xã hội nào đó. Nhớ lại thời chiến, khẩu hiệu không xuất hiện rợp trời như hiện nay.

Nhưng những khẩu hiệu được sử dụng đều hết sức cô đọng, súc tích, đảm bảo chuẩn mực về ngôn từ, nội dung, tư tưởng; vì thế khơi dậy được khát vọng độc lập, tự do của cả một dân tộc. 

Còn bây giờ, khẩu hiệu tràn lan khắp nơi nhưng liệu có đạt được sức mạnh tiềm ẩn như khẩu hiệu của một thời nói trên? Có lẽ cần một cuộc điều tra của các nhà xã hội học để có thể kết luận chính xác, thuyết phục về vấn đề này. Nhưng dễ nhận thấy: khẩu hiệu chăng đầy đường, lòe loẹt sắc màu, đa dạng hình khối nhưng lại không mấy thu hút sự chú ý của người dân. Đơn giản vì nó nhàm chán, sáo rỗng, có khi ngô nghê. 

Khẩu hiệu bây giờ cùng mô-típ cố hữu kiểu như “Nhiệt liệt”; “Chào mừng”; “Quyết tâm”; “Ra sức”... lại còn dài dòng, dàn trải; ngôn từ thiếu chắt lọc, gọt giũa, khiến thông điệp mà khẩu hiệu đem đến không có chiều sâu, mới mẻ, cuốn hút.
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0, do đó khẩu hiệu tuyên truyền phải tiếp cận được với truyền thông hiện đại. Khẩu hiệu trong truyền thông hiện đại là slogan. Để có được một slogan ấn tượng không phải dễ, đòi hỏi trí tuệ, công sức, tâm huyết của người được giao trọng trách sáng tạo ra nó.

Về vấn đề này, dịch giả Lê Quang cho rằng: “Việt Nam chưa suy nghĩ nghiêm túc về vai trò của copywriter (thuật ngữ truyền thông chỉ những người đảm trách những vấn đề liên quan tới ngôn ngữ trong PR) với việc viết khẩu hiệu. Trong các cơ quan truyền thông ở nước ngoài luôn có giám đốc sáng tạo. Họ điều phối copywriter nghĩ ra slogan, nghĩ ra các ngôn ngữ PR thích hợp. Nhưng Việt Nam không hề có điều này trong bộ máy hành chính công”. Phải chăng vì thế mà ở ta, ai cũng có thể nghĩ và làm khẩu hiệu, dẫn đến tình trạng xô bồ, phản cảm như đã nói ở trên?

Phó giáo sư - tiến sĩ ngôn ngữ Phạm Văn Tình kể, ông từng được nhiều công ty truyền thông nước ngoài mời làm cố vấn ngôn ngữ khi họ tiếp cận thị trường Việt Nam. Cùng với chuyên gia ngôn ngữ, văn hóa, họ còn làm điều tra xã hội rất kỹ đối tượng cần tiếp cận. Từ đó, họ thực hiện bài bản quá trình sáng tạo slogan sao cho hiệu quả nhất.

Thiết nghĩ, đó là một cách làm khẩu hiệu nghiêm túc, khoa học, hướng vào đời sống xã hội nhằm đem lại hiệu quả tác động - kinh tế thực sự, tránh được tình trạng hô khẩu hiệu suông - một biểu hiện của lối tư duy nói nhiều làm ít đang rất phổ biến trong xã hội ta hiện nay. 

Nguyễn Duy Xuân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI