PNO - Dù còn không ít phụ huynh lo lắng trước khi tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ nhỏ từ 5 - 11 tuổi, song chuyên gia của Bộ Y tế khẳng định, vắc xin này an toàn, thậm chí hơn cả các loại vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bộ Y tế tự tin thực hiện thành công chiến dịch này với mức độ bao phủ ít nhất 90%.
Bộ Y tế vừa phê duyệt tiêm vắc xin Pfizer liều 0,2ml cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trước đó, nhóm trẻ từ 11 - 12 tuổi đã được phê duyệt và tiến hành tiêm trên diện rộng với liều 0,3ml. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, dự kiến trong tuần sau, Bộ Y tế sẽ hoàn thành việc ký hợp đồng với hãng Pfizer mua 21,9 triệu liều vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Trong quý I/2022, Việt Nam có thể nhận được 7 triệu liều. Ngay sau khi có vắc-xin, Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm chủng cho nhóm tuổi này trên toàn quốc.
Bộ Y tế tự tin thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi bởi tính an toàn và hiệu quả mang lại (trong ảnh: Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên ở Hà Nội) - Ảnh: Bảo Khang
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực phía Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ - Bộ Y tế), cho biết, tương tự như với nhóm trẻ từ 12 - 17 tuổi, ở nhóm trẻ nhỏ hơn, vắc xin COVID-19 sẽ được tiến hành tiêm từ một nhóm nhỏ và sau khi đánh giá hiệu quả, độ an toàn sẽ tiếp tục tiêm trên diện rộng. Theo kế hoạch, vắcxin sẽ được tiêm ở lứa tuổi lớn rồi sau đó lùi về lứa tuổi nhỏ hơn. Trước khi tiêm, trẻ phải có sự đồng ý của cha mẹ, người bảo hộ và theo dõi trong suốt quá trình tiêm chủng. Là lứa tuổi nhỏ, nhận được nhiều sự lo lắng của phụ huynh, song theo bác sĩ Phạm Quang Thái, trẻ vẫn được tiêm tại y tế cơ sở hoặc trường học như chiến dịch tiêm chủng đã triển khai với nhóm từ 12 - 17 tuổi. Trẻ được theo dõi chặt chẽ sau tiêm, các điểm tiêm bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị y tế để xử lý khi cần thiết…
“Vắc xin này còn an toàn hơn cả các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, cho nên những gì áp dụng cho vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều áp dụng với vắc-xin này”, bác sĩ Phạm Quang Thái nhấn mạnh.
Liên quan tới mức liều 0,2ml vừa được Bộ Y tế phê duyệt, nhiều phụ huynh cũng lo lắng, liệu liều thấp hơn này có đủ kháng thể để phòng, chống virus? Bác sĩ Phạm Quang Thái lý giải, các nhà nghiên cứu đã có nhiều thử nghiệm và quyết định mức liều này để đưa vào cơ thể trẻ một lượng vừa đủ, giúp sinh miễn dịch, đồng thời không gây ảnh hưởng tới hệ miễn dịch còn non nớt và khá nhạy cảm của trẻ. “Kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 với nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi, vấn đề viêm cơ tim là rất hiếm, gần như không có nếu so sánh với nhóm người lớn, trẻ lớn”, vị chuyên gia nói.
Từ kinh nghiệm và thành công từ chiến dịch tiêm chủng cho nhóm trẻ 12 - 17 tuổi, phó giáo sư - tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng tự tin khi triển khai ở nhóm tuổi nhỏ hơn này: “Chúng tôi rất vững tay để chúng ta có một chiến dịch tiêm chủng an toàn cho nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi, với mong muốn đạt được độ bao phủ trên 90%, thậm chí 95%. Các cháu sẽ được bảo vệ, chủ động phòng, chống dịch COVID-19”.
Chia sẻ với lo lắng của phụ huynh
Vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi đã được Bộ Y tế lên kế hoạch và nhiều đơn vị đã lấy ý kiến khảo sát từ phụ huynh. Theo khảo sát mới đây của Viện Dư luận xã hội, 81% phụ huynh cho biết sẵn sàng đưa trẻ trong nhóm tuổi này đi tiêm phòng COVID-19. Chỉ 12% cho biết do dự hoặc chưa muốn đưa trẻ đi tiêm và 3% không sẵn sàng. Trên mạng xã hội, đây cũng là câu chuyện được quan tâm và có không ít ý kiến trái chiều. Một số phụ huynh bày tỏ sự lo lắng vì cơ thể của trẻ nhỏ khá nhạy cảm, trong khi đó, vắc xin COVID-19 lại quá mới mẻ, điều gì có thể đảm bảo được an toàn cho con em họ. Bác sĩ Phạm Quang Thái chia sẻ với những suy nghĩ này: “Những lo lắng của các phụ huynh là rất dễ hiểu. Tuy nhiên, những lo lắng đó không có cơ sở khoa học mà hoàn toàn là hiệu ứng truyền miệng”.
Bộ Y tế tự tin sẽ thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi bởi tính an toàn và hiệu quả mang lại. (Trong ảnh: Đo kiểm tra thân nhiệt trước khi tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên ở Hà Nội) - Ảnh: Bảo Khang
Vị chuyên gia phân tích, vắc-xin Pfizer được sản xuất theo công nghệ mRNA hiện đại, rút ngắn được thời gian nghiên cứu và sản xuất so với các loại vắc xin dựa trên công nghệ truyền thống. Do đó, dù ra đời sau một thời gian ngắn nhưng vắc xin này vẫn được thử nghiệm lâm sàng kỹ càng, đầy đủ, không đốt cháy giai đoạn, đảm bảo được hiệu quả, an toàn, chất lượng. Chính vì vậy, mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh, đây là thời điểm phù hợp để tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 -11 tuổi, đặc biệt ở các quốc gia đã bao phủ vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên. Theo thống kê của WHO, tới nay đã có hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho nhóm tuổi này. Khoảng 80 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia, trong đó, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia… cũng đã chấp thuận sử dụng vắc xin.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, trẻ em khi mắc COVID-19 thường nhẹ nhàng hơn so với người lớn, giống như cảm cúm thông thường, tại sao vẫn cần phải tiêm vắc xin? Bác sĩ Phạm Quang Thái cho biết, thời gian gần đây, khi tham gia vào mạng lưới thầy thuốc đồng hành hỗ trợ các gia đình có trẻ nhỏ là F0, xuất hiện một vấn đề là rất nhiều em bé có thời gian dương tính lâu, khác hẳn với người lớn, đặc biệt với người đã tiêm ba mũi. Nhiều trẻ, sốt cao tới 39 - 40 độ C, khò khè, thậm chí có nhiều trẻ khó thở, SpO2 tụt, phải hỗ trợ… Việc đào thải virus ở các bé này cũng rất lâu. Lý do, theo vị chuyên gia là do cơ thể trẻ chưa được tập dượt như khi tiêm vắc xin, do đó khi nhiễm virus thật sẽ có phản ứng mạnh cũng như tình trạng đào thải virus lâu hơn. Việc tiêm vắc xin cho trẻ, vì vậy, bên cạnh làm giảm các triệu chứng, biến chứng, các vấn đề hậu COVID-19 như hô hấp, thần kinh, giảm trí nhớ… còn góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm. Nguyên nhân là thời gian ủ bệnh, lây truyền được giảm đi.
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng kêu gọi, phụ huynh nên đồng thuận để con trẻ được tiêm vắc-xin COVID-19, phòng, chống dịch bệnh: “Sau khi tiêm vắc xin nếu không may mắc COVID-19 trẻ sẽ không chuyển nặng và đặc biệt là không dẫn đến tình trạng tử vong. Đây là lời khuyên của tôi với tư cách một bác sĩ nhi khoa”.
Không biến đổi gen, không gây vô sinh
Đến nay, không ít phụ huynh vẫn còn lo ngại vấn đề biến đổi gen, gây vô sinh… do thành phần vắc xin COVID-19 có chứa RNA. Về vấn đề này, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Minh Điển phân tích, bản chất của vắc xin COVID-19 tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi chứa các thành phần RNA thông tin (messenger RNA). Khi đi vào trong tế bào, thành phần này tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Những ảnh hưởng ngay lập tức 5 - 7 - 10 ngày sau tiêm, chúng ta cũng không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn”, phó giáo sư Trần Minh Điển nói.
Bác sĩ Phạm Quang Thái lưu ý, virus SARS-CoV-2 có thể tích hợp vào hệ gen của người trong quá trình cơ thể nhiễm bệnh, virus thật tương tác với hệ thống gen. Do đó, sau khi nhiễm, virus có thể gây ra các tàn tích, khiến chúng ta có hiện tượng hậu COVID-19. Trong khi đó, vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA đưa vật liệu di truyền của con virus vào cơ thể với mục đích sản xuất ra gai của con virus, từ gai đó tạo miễn dịch. Thành phần này hoàn toàn không tích hợp với hệ gen của người nên không để lại những di chứng dài. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những biểu hiện lâm sàng hay biến cố bất lợi liên quan vắc xin thấp hơn nhiều so với nhiễm tự nhiên. Các nghiên cứu trên thế giới tới nay vẫn chưa nhìn thấy sự liên quan giữa vấn đề biến đổi gen, gây vô sinh hay các ảnh hưởng dài lâu mà vắc xin công nghệ mRNA mang đến.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.