Kỷ niệm134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)

Ngành y học Bác qua Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

19/05/2024 - 17:23

PNO - Từ mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, các cán bộ y tế và sinh viên y khoa ở TPHCM đã đúc rút được nhiều bài học quý để vận dụng vào việc học tập, làm việc, giao tiếp với đồng nghiệp và bệnh nhân.

Sinh viên Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TPHCM đang tìm hiểu thông tin về Bác Hồ trong giờ giải lao
Sinh viên Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TPHCM đang tìm hiểu thông tin về Bác Hồ trong giờ giải lao

Anh Nguyễn Minh Thiện - sinh viên năm thứ sáu, lớp y học cổ truyền, Phó bí thư chi bộ sinh viên, học viên Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh mang tên Hành trình vạn dặm được bố trí ở sảnh chính của Khoa Y học cổ truyền (lầu 12) từ cuối năm 2023, từng đoạt giải Nhì trong hội thi cùng năm do Đảng ủy khối cơ sở Bộ Y tế tổ chức.

Không gian này tập hợp, trưng bày hình ảnh, tư liệu do sinh viên sưu tầm về chặng đường bôn ba tìm đường cứu nước của Bác Hồ qua 4 châu lục, 28 quốc gia. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện liên quan tới các địa danh mà Bác đã tới, đã dừng chân. Sắp tới, các bức ảnh này sẽ được in mã QR; khi quét mã bằng điện thoại, các nội dung liên quan sẽ hiện lên.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong Bệnh viện Thống Nhất được thành lập từ tháng 10/2023, được bố trí ở sảnh tòa nhà chính của bệnh viện nên nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân người bệnh đều có thể tiếp cận.

Bác sĩ Lê Công Thuyên - Bí thư đoàn của bệnh viện - cho biết, đang xây dựng kế hoạch tạo QR code để khi mọi người quét mã, trên điện thoại sẽ hiển thị trang web của bệnh viện, trong đó cũng có một thư mục Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, chứa tất cả những nội dung liên quan tới cuộc đời, sự nghiệp của Bác.

Đảng ủy và Ban giám đốc Bệnh viện Đại học y dược TPHCM cũng xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với chủ đề “Tình cảm và lời dạy của Bác Hồ đối với nhân viên y tế”, đặt ở sảnh hội trường 3A - nơi diễn ra nhiều sự kiện, sinh hoạt quan trọng của bệnh viện.

Lật xem album ảnh tư liệu trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Phạm Thùy Linh - sinh viên năm thứ tư Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TPHCM - chia sẻ, những tấm ảnh được chú thích cặn kẽ Bác đang làm gì, gặp gỡ ai, tham gia hoạt động gì và biểu cảm trên nét mặt của các nhân vật trong ảnh khiến người xem cảm thấy lịch sử được tái hiện vô cùng sinh động.

Qua đó, các sinh viên thấm thía sự vất vả, hy sinh của Bác cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cảm thấy mình cần cố gắng cống hiến nhiều hơn nữa.

Theo anh Nguyễn Minh Thiện, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với chủ đề Hành trình vạn dặm đã giúp anh hiểu rõ hơn về đức tính nhẫn nại, giản dị của Bác. Dù trên hành trình tìm đường cứu nước hay khi đã là lãnh tụ của đất nước, Bác vẫn luôn gần gũi, thân ái với mọi người.

Anh Minh Thiện tự nhủ mình phải luôn cố gắng học theo gương Bác, luôn luôn thân ái, chân thành với sinh viên, sẽ dễ dàng hơn để mở lòng, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, bạn bè, đồng nghiệp.

Noi gương Bác Hồ, bác sĩ Lê Công Thuyên và các đồng nghiệp tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Làm việc ở Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Thống Nhất, thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân lớn tuổi, khó tính, bác sĩ Thuyên tự dặn mình phải luôn ân cần, hòa nhã, thậm chí nhẫn nại khi giao tiếp với bệnh nhân.

Có lần, thấy một đồng nghiệp khám bệnh cho một cụ ông, thông báo về tình trạng bệnh một cách máy móc khiến cụ ngơ ngác, bác sĩ Thuyên đã phụ giúp đồng nghiệp giải thích cho đến khi cụ hiểu. Sau đó, bác sĩ Thuyên đã khéo léo góp ý riêng với đồng nghiệp để phục vụ bệnh nhân tốt hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Lên - Phó bí thư thường trực Đảng ủy khối cơ sở Bộ Y tế - cho rằng, mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các đơn vị đã tạo được không khí tích cực, động viên người lao động, nhân viên y tế thực hiện tốt trách nhiệm, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phục vụ bệnh nhân, thân nhân người bệnh tốt hơn, sinh viên cũng phấn đấu hơn trong quá trình học tập.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI