Ngành tuyên giáo TPHCM: Sáng tạo trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

30/12/2023 - 06:12

PNO - Ngày 28/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2023. Trong năm qua, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một trong những hoạt động nổi bật ở các cơ sở.

Khi đến vãn cảnh chùa Phụng Sơn - ngôi chùa cổ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nằm ở phường 2, quận 11, chị Trần Nguyễn Kiều Mai Ly - có nhà gần đó - rất bất ngờ khi nhìn thấy không gian trang trọng trưng bày tư liệu, sách báo, tranh ảnh về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giảng đường của chùa.

Người dân đến tham quan Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong chùa Phụng Sơn (phường 2, quận 11), quét mã QR để dễ dàng tìm đọc các tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: Thiên Ân
Người dân đến tham quan Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong chùa Phụng Sơn (phường 2, quận 11), quét mã QR để dễ dàng tìm đọc các tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: Thiên Ân

Chị kể, do không có nhiều thời gian lưu lại chùa, chị đã quét mã QR để lưu những tư liệu về Bác, đọc lúc rảnh rỗi. Nhiều phật tử khi đến viếng chùa cũng nhận xét, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được bố trí trong chùa là rất hài hòa, với nhiều đầu sách có giá trị về Bác. 

Ông Đỗ Thanh Bình - Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 11 - cho biết, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở chùa Phụng Sơn được ra mắt từ tháng 2/2023. Trước đó, Quận ủy, UBND quận cùng hệ thống chính trị phường 2 đã trao đổi và nhận được sự nhất trí cao từ ban trị sự chùa. Quận ủy, UBND quận 11 đã huy động các nguồn lực để sưu tầm, giới thiệu những tư liệu quý, ấn phẩm hay về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác để giới thiệu đến cộng đồng phật tử. 

Ngoài Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở chùa Phụng Sơn, toàn quận đã xây dựng được 106 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trong đó có 12 điểm nằm trong cơ sở tôn giáo và 2 không gian trực tuyến. Theo ông Đỗ Thanh Bình, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các cơ sở tôn giáo là nhằm thực hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc theo lời dạy của Bác, đồng thời đa dạng hóa cách tiếp cận và quảng bá các bài học quý giá của Bác đến với nhiều cá nhân, tổ chức.

Bên cạnh các không gian văn hóa hiện hữu, Quận ủy, UBND quận 11 còn lập thư viện sách nói bằng song ngữ Việt - Hoa (tiếng Quảng Đông). Ông Đỗ Thanh Bình giải thích: “Toàn quận có 210.000 dân, trong đó người dân tộc Hoa chiếm 36,22% dân số. Thư viện sách nói là cách đổi mới hình thức, nội dung để tuyên truyền rộng rãi các giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đến với các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào người  Hoa, đặc biệt dành cho những người không có điều kiện tiếp cận các loại sách, báo, tạp chí”.

Quận ủy, UBND quận 11 đã xây dựng 68 bài kể chuyện, trong đó có 32 bài được chuyển thể qua tiếng Hoa để đọc và đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, trưng bày ở các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của các cơ quan, đơn vị, trường học. 

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê (thứ hai từ trái sang) trao đổi với các đại biểu dự hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2023 - Ảnh: Tú Ngân
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê (thứ hai từ trái sang) trao đổi với các đại biểu dự hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2023 - Ảnh: Tú Ngân

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, sau gần 2 năm phát động, đến nay, toàn thành phố đã có 2.908 mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Nhiều địa phương có mô hình, cách làm hay; nhiều cơ sở tôn giáo, cộng đồng các dân tộc đã tích cực hưởng ứng, triển khai xây dựng phòng trưng bày hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trụ sở, nơi thờ tự, khu sinh hoạt cộng đồng, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, tìm hiểu. 

Có nhiều cách làm sáng tạo khi xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, như công trình Bác Hồ với thanh niên, thiếu nhi; Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại cơ sở kinh doanh hộ cá thể đảm bảo tiêu chuẩn văn minh, sạch đẹp, an toàn; chuyên mục “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên trang Facebook (fanpage) Cột cờ Thủ Ngữ; xây dựng ứng dụng (app) Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Hàn; xây dựng bảo tàng trực tuyến, tủ sách điện tử, mô hình không gian văn hóa trực tuyến trên cổng thông tin điện tử với mô hình 3D thực tế ảo... 

Gắn công tác tuyên giáo với các vấn đề dân sinh

Để làm tốt công tác tuyên giáo, Quận ủy, UBND quận 5 luôn quan tâm các vấn đề dân sinh, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Ông Chu Xuân Khoa - Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 5 - cho biết, trong năm 2023, Quận ủy đã tổ chức buổi đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận với các nữ bác sĩ, y sĩ, nhân viên làm việc ở trạm y tế 14 phường. Toàn quận có 14/14 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia nhưng cơ sở vật chất của một số trạm đã cũ, diện tích trạm khá nhỏ. Từ phản ánh của các nhân viên y tế cơ sở, trong năm 2023, UBND quận 5 đã đầu tư xây mới Trạm Y tế phường 14 và dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Quận cũng chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường phân công, bố trí lực lượng luân phiên giữa các trạm nhằm giải quyết vấn đề thiếu nhân sự, đặc biệt là nữ hộ sinh.

Bà Phạm Thị Thúy Hà - Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận Gò Vấp - cho biết, ban đã tham mưu Thường trực Quận ủy chỉ đạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân bằng phương thức quét mã QR trên thẻ căn cước công dân gắn chíp thay cho việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, đem lại hiệu quả thiết thực, phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Hiện nay, cách làm này được áp dụng ở bệnh viện quận, trung tâm y tế quận và 16/16 trạm y tế phường. Bà nói: “Với phương thức quét mã QR, người dân không phải mất nhiều thời gian chờ đợi, xếp hàng; nhân viên y tế không phải thực hiện nhiều thao tác, giấy tờ trong quy trình khám, chữa bệnh”.

Năm 2024, tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm

2023 là năm mà TPHCM đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp. Toàn hệ thống chính trị vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý những vấn đề tồn đọng. Trong từng thời điểm, có việc còn chậm tiến độ, nhất là các công việc được giao đột xuất, bổ sung. Việc thể hiện vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao còn có lúc, có nơi chưa thật kịp thời. Công tác nắm bắt, tổng hợp, phản ánh, định hướng dư luận xã hội có lúc chưa toàn diện, năng lực phát hiện, dự báo, tham mưu những vấn đề mới, vấn đề mà xã hội quan tâm chưa nhạy bén. Một số nội dung tuyên truyền về xây dựng Đảng chưa thật sự lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. 

Năm 2024 là năm bản lề quan trọng chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ 2020-2025, ngành tuyên giáo TPHCM sẽ tăng tốc thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm: kịp thời tham mưu cho Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, hướng dẫn cấp ủy các cấp rà soát các nội dung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; triển khai hiệu quả các giải pháp thực hiện trên lĩnh vực tuyên giáo, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; triển khai các công trình, hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; chỉ đạo báo chí tuyên truyền đúng định hướng và thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo, đổi mới tư duy, tâm thế, lề lối làm việc, theo kịp với yêu cầu thực tế trong tình hình mới. 

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

Thiên Ân - Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI