Ngành mỹ phẩm: Sau vẻ hào nhoáng là sự cơ cực của lao động trẻ em

12/06/2024 - 06:02

PNO - Dù có những yêu cầu chứng nhận nghiêm ngặt, nhiều cam kết về quy trình sản xuất “minh bạch”, một số thương hiệu mỹ phẩm xa xỉ vẫn liên quan đến các bê bối về sử dụng, bóc lột lao động trẻ em trong hệ thống cung ứng, sản xuất.

Cậu bé Karulal  (7 tuổi) làm việc cạnh cha mình  trong mỏ mica  dưới lòng đất ở bang Jharkhand, Ấn Độ  - ẢNH: PETER BENGTSEN (Le Monde diplomatique)
Cậu bé Karulal (7 tuổi) làm việc cạnh cha mình trong mỏ mica dưới lòng đất ở bang Jharkhand, Ấn Độ - Ảnh: Peter Bengtsen (Le Monde diplomatique)

Những đứa trẻ làm việc trong đêm
Một cơ quan truyền thông của Anh vừa phát phóng sự điều tra Bí mật đen tối của nước hoa, cho thấy hình ảnh những đứa trẻ từ 5 tuổi ở Ai Cập đang hái hoa nhài phục vụ việc sản xuất mỹ phẩm của Lancôme - một thương hiệu thuộc Tập đoàn L’Oréal (Pháp) và Aerin Beauty - thuộc Tập đoàn The Estée Lauder Companies (Mỹ).

Hoạt động buôn bán hoa nhài ở Ai Cập có sự tham gia của hơn 30.000 người, chiếm khoảng một nửa nguồn cung hoa nhài trên thế giới. Phóng sự của BBC kể câu chuyện về một gia đình ở Gharbia phải đi làm vào lúc nửa đêm trong mùa thu hoạch hoa.

“Tôi ghét hoa nhài” - Basmalla (10 tuổi) thổ lộ trong một đoạn video. Đứa trẻ than thở về việc phải dậy sớm lúc 3g sáng hoặc ngủ dưới gốc cây khi cùng các anh chị em đi làm. Cô bé biết rằng những bông hoa mình vừa hái sẽ được dùng sản xuất nước hoa, sau đó bán ra “khắp nơi trên thế giới”. Phóng sự còn chỉ ra rằng, những đứa trẻ này thường xuyên làm việc trong điều kiện nguy hiểm và 1 gia đình kiếm được chưa đến 1 USD mỗi ngày.

Việc hái hoa có khả năng dẫn đến các vấn đề y tế như nhiễm trùng mắt, dị ứng da và đau tức ngực. Tomoya Obokata - Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về các hình thức nô lệ đương đại - cho biết trong một đoạn clip khác: “Các thương hiệu xa xỉ lớn không thực sự làm những việc mà họ đã hứa về trách nhiệm đạo đức. Điều đó rất đáng lo ngại”.

Hành động để bảo vệ trẻ em

Báo cáo năm 2023 có tên Cái giá cao của sắc đẹp: Lao động trẻ em trong ngành mỹ phẩm toàn cầu từ World Vison - một tổ chức vận động, phát triển và viện trợ nhân đạo có trụ sở tại Anh - cho biết, nhiều sản phẩm làm đẹp có khả năng chứa các thành phần được thu thập bởi lao động trẻ em.

Rebekah Armstrong - người đứng đầu cơ quan vận động và tư pháp của tổ chức World Vision ở New Zealand - nhận định: sự thiếu minh bạch về nguồn gốc và quy trình khai thác nguyên liệu thô khiến người tiêu dùng khó có thể yên tâm rằng họ đã mua các sản phẩm không sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Giai đoạn 2019-2023, World Vision đã xem xét hoạt động của 7 công ty mỹ phẩm đa quốc gia đang nắm giữ hơn 40% thị phần toàn cầu.

Ước tính 30% thành phần trong mỹ phẩm có nguồn gốc từ khai thác khoáng sản hoặc canh tác nông nghiệp. Theo bà Armstrong, có “những hình thức tồi tệ nhất về sử dụng lao động trẻ em trong việc chiết xuất các thành phần phổ biến trong mỹ phẩm như bơ thực vật, vani, dầu cọ, ca cao, mica và đồng”.

Bà Armstrong cho biết: “Mica là loại chất liệu sáng bóng, xuất hiện trong rất nhiều loại phấn má hồng, phấn tạo khối và những thứ tương tự. Những đứa trẻ đã làm việc vất vả để khai thác mica từ các khu mỏ. Hoạt động này thực sự rủi ro khi không được kiểm soát”.

Ấn Độ sản xuất 60% tổng số mica tấm trên thế giới. Đối với nhiều gia đình ở những vùng giàu mica, tình trạng nghèo đói khiến họ không thể gửi con đến trường và phải dựa vào sức lao động của con cái để có thu nhập. Trẻ em tham gia khai thác mica kiếm được mỗi ngày 15 rupee, tương đương 0,18 USD. Lao động trẻ em được sử dụng nhiều vì khả năng di chuyển linh hoạt trong các hang động và đường hầm hẹp - nơi diễn ra hoạt động khai thác mica.

Cả L’Oréal và Estée Lauder đều phản hồi BBC, thừa nhận vấn đề và nhắc lại cam kết ngăn chặn lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng của họ. Đại diện của Estée Lauder cho biết: “Chúng tôi tin rằng quyền của tất cả trẻ em cần được bảo vệ và đã liên hệ với các nhà cung cấp trong khu vực để điều tra, vì đây là vấn đề cấp bách”.

L’Oréal tuyên bố trên trang web của mình rằng, công ty cam kết tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, đồng thời khẳng định mọi hình thức lao động trẻ em đều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Theo sau tuyên bố, L’Oréal quyết định hành động ngay lập tức và đưa ra các hành động cụ thể trước vụ thu hoạch hoa nhài tiếp theo trong tháng Sáu.

Vào năm 2017, Ấn Độ tuyên bố sẽ hợp pháp hóa việc khai thác mica để điều tiết sản xuất tốt hơn, loại bỏ lao động trẻ em ra khỏi chuỗi cung ứng. Sáng kiến phi chính phủ “​​Mica không có lao động trẻ em” là bước phát triển đáng hy vọng nhất tại Ấn Độ trong cuộc chiến chống lại nạn bóc lột lao động trẻ em.

Mục tiêu của Chính phủ Ấn Độ là chấm dứt lao động trẻ em vào năm 2025. Một trong những thành công lớn nhất của sáng kiến ​​này là xây dựng các ngôi làng thân thiện với trẻ em, tạo ra một cộng đồng gồm các bậc cha mẹ và những chủ thể khác giúp xây dựng, hỗ trợ quyền trẻ em.

Linh La
(theo Global Cosmetics News, RNZ, The Voice of Fashion)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI