Ngành mỹ phẩm đang dần "nói không" với nước?

22/10/2023 - 06:37

PNO - Một chai dầu gội tiêu chuẩn chứa gần 70% nước. Ở dầu dưỡng tóc, con số này lên đến 90%. Bên trong nhiều mặt hàng chăm sóc cơ thể, trang điểm, nước cũng là thành phần có tỉ lệ áp đảo. Ngược lại, những dưỡng chất giá trị thật sự của sản phẩm chỉ chiếm số ít. Trào lưu loại trừ nước khỏi mỹ phẩm đang thúc đẩy người tiêu dùng hướng tới một phong cách làm đẹp hiệu quả và bền vững hơn.

“Lượng lớn nước được thêm vào dầu gội, sữa tắm dễ gây ảo giác cho chúng ta khi đi mua sắm. Bạn mua một chai dầu gội kích thước lớn hơn với suy nghĩ rằng vừa được lợi, vừa tiết kiệm nhưng sự thật có thể không phải như vậy” - nữ doanh nhân Brianne West - Giám đốc sáng lập Ethique - một trong những hãng mỹ phẩm bền vững tiên phong từ New Zealand - bày tỏ. West cũng như hàng loạt nhà kinh doanh ủng hộ ý tưởng sản xuất mỹ phẩm khô (không chứa nước), tranh cãi rằng sự góp mặt của nước chỉ nhằm lấp đầy thành phần nhiều loại sản phẩm làm đẹp.

Kem dưỡng da mặt dạng sáp của thương hiệu SBTRCT (Anh) với chiết xuất dầu tầm xuân, bơ hạt mỡ và hợp chất dưỡng ẩm squalene Nguồn ảnh: SBTRCT
Kem dưỡng da mặt dạng sáp của thương hiệu SBTRCT (Anh) với chiết xuất dầu tầm xuân, bơ hạt mỡ và hợp chất dưỡng ẩm squalene - Nguồn ảnh: SBTRCT

Mặt khác, nạn khan hiếm nước sạch trên toàn cầu cũng đang buộc ngành mỹ phẩm phải thay đổi thói quen lạm dụng nước bấy lâu nay. “Mỹ phẩm khô là một giải pháp thiết thực. Từ các công thức dạng đặc, bột hay thay thế nước bằng tinh dầu tự nhiên, chúng ta có không ít sản phẩm lành mạnh hơn với môi trường lẫn sức khỏe người tiêu dùng” - Clare Varga - giám đốc ngành hàng mỹ phẩm của công ty dự báo xu hướng thị trường WGSN (Anh) - nhận xét. 

Loại bỏ nước, loại bỏ nhiều nỗi lo 

Khởi nguồn từ Hàn Quốc và dần lan tỏa đến thị trường Âu Mỹ khoảng 5 năm trở lại đây, mỹ phẩm khô tồn tại phổ biến ở dạng thanh đặc (bánh xà phòng, son thỏi...), tấm mỏng (mặt nạ dưỡng) hoặc bột mịn (dầu gội, sữa rửa mặt khô...). Vì không hoặc chứa rất ít nước, chúng có thể được dùng độc lập hoặc cho phép bạn thêm nước vào khi sử dụng. 

Năm 2020, ước tính sản phẩm chăm sóc cá nhân không chứa nước chiếm khoảng 12% thị trường toàn cầu. Năm 2022, tỉ lệ này tăng lên 23% tại khu vực Bắc Mỹ. Giới chuyên gia dự đoán tổng giá trị thị trường mỹ phẩm khô có thể vượt mốc 33 tỉ USD trước năm 2033.  

Ben Grace - cựu giám đốc điều hành một hãng kinh doanh sản phẩm chăm sóc da thành công ở Anh - quyết định tìm lối đi riêng với thương hiệu mỹ phẩm khô SBTRCT ra mắt năm 2019. Lo ngại về sức ép môi trường mà ngành mỹ phẩm gây ra, Grace chọn cách lập nghiệp theo định hướng bền vững: “2 thập niên qua, rất nhiều thứ đã thay đổi. Công chúng đang nhận thức nghiêm túc hơn bao giờ hết về khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng nguồn nước. Đó cũng là động lực khiến tôi muốn đầu tư vào xu hướng mỹ phẩm khô và không gây áp lực rác thải. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm dưỡng da, làm đẹp hiệu quả cao mà không làm lãng phí nguồn nước quý giá” - anh chia sẻ. 

SBTRCT chuyên về các sản phẩm dưỡng ẩm và sữa rửa mặt khô, chỉ chứa 0.5% nước, với nguyên liệu lẫn bao bì đều thân thiện môi trường - Nguồn ảnh: SBTRCT
SBTRCT chuyên về các sản phẩm dưỡng ẩm và sữa rửa mặt khô, chỉ chứa 0.5% nước, với nguyên liệu lẫn bao bì đều thân thiện môi trường - Nguồn ảnh: SBTRCT

Grace chỉ ra, rất nhiều công thức sản xuất mỹ phẩm truyền thống chứa trung bình từ 60 - 80% nước. “Con số này rất đáng lo. Đã bỏ tiền cho những sản phẩm chăm sóc cơ thể, làm đẹp, người tiêu dùng nên có được những thành phần với giá trị làm đẹp đúng nghĩa” - anh nói. 

Ethique là một trong những cái tên tiên phong nổi bật trong thị trường mỹ phẩm khô. Sản phẩm dầu gội khô dạng rắn của hãng có thiết kế tiện lợi làm từ thành phần 100% thuần tự nhiên và bao bì tự hủy sinh học, ra mắt năm 2012. Hoạt động hơn 10 năm, tuy nhiên đến gần đây, tầm nhìn nhạy bén về môi trường của đội ngũ sáng lập Ethique, dẫn đầu là Brianne West, mới dần được công nhận rộng rãi. 

“Loại bỏ nước để giảm trọng lượng sản phẩm còn giúp nhà sản xuất loại bỏ bớt bao bì nhựa và nguy cơ phát thải nhiên liệu hóa thạch. Bạn vừa có thể tiết kiệm nước, vừa giảm được nguy cơ gây ô nhiễm khi sử dụng sản phẩm ở trạng thái khô, đặc. Về lâu dài, tôi tin mỹ phẩm khô sẽ là giải pháp vàng trong mục tiêu bảo vệ môi trường” - West nhận định. 

Tăng cường lợi ích làm đẹp 

Bên cạnh đó, lượng lớn nước trong mỹ phẩm dễ dẫn đến tình trạng vi khuẩn sinh sôi, đồng nghĩa chất bảo quản cần được bổ sung nhiều hơn. “Nhiều người tiêu dùng vẫn ngộ nhận thêm nước vào sản phẩm làm đẹp nhằm tăng cường khả năng giữ ẩm hoặc làm sáng da nhưng đây là quan niệm sai lầm” - chuyên gia phân tích thị trường Clare Varga cảnh báo. 

Dầu gội dạng rắn của thương hiệu Ethique là một trong những sản phẩm mỹ phẩm khô  đầu tiên trên thị trường - Nguồn ảnh: Ethique
Dầu gội dạng rắn của thương hiệu Ethique là một trong những sản phẩm mỹ phẩm khô đầu tiên trên thị trường - Nguồn ảnh: Ethique

Để hóa giải lo âu liên quan đến chất bảo quản, Gaelle Thieme - một nữ doanh nhân đồng hương của West bắt đầu phát triển mỹ phẩm khô dạng bột mịn. Cô tin rằng nguyên liệu giữ ở thể khô, tinh khiết sẽ đảm bảo được giá trị dưỡng chất nguyên thủy. Dust & Glow - công ty chuyên doanh sản phẩm làm đẹp dạng bột Thieme thành lập năm 2021 - phản ánh hy vọng nâng tầm chất lượng mỹ phẩm khô của cô.

“Dưới dạng thanh hay sáp, dù đã giảm tối thiểu thành phần nước, có khả năng mỹ phẩm vẫn cần dùng đến một lượng nhất định chất bảo quản. Chúng tôi muốn loại trừ hẳn sự tồn tại của nước, chất bảo quản, đồng thời tăng cường lợi ích làm đẹp. Cách làm hữu hiệu là biến tất cả thành phần sản phẩm thành dạng bột. Ví dụ tiêu biểu như vitamin C, một dưỡng chất không quá hợp với nước nhưng khi ở dạng bột khô, nó có thể phát huy tốt hơn chức năng dưỡng da” - Thieme lý giải.

Sản phẩm hút khách của Dust & Glow như dầu gội và sữa rửa mặt khô được khách hàng ưa chuộng không chỉ bởi chất lượng mà còn vì yếu tố tiện dụng: thiết kế bao bì bền, nhẹ, thân thiện môi trường, thích hợp sử dụng tại nhà lẫn khi đi du lịch. 

Đã có kế hoạch mở rộng thị trường sang Anh, Nhật và Hồng Kông (Trung Quốc), Thieme tiết lộ, khách hàng phương Đông thể hiện góc nhìn khác biệt với mỹ phẩm khô so với phương Tây. “Ở châu Âu, người tiêu dùng chú tâm nhiều hơn đến thành phần nguyên liệu, thời hạn sử dụng cũng như ảnh hưởng lên môi trường của sản phẩm. Trong khi đó, tại khu vực châu Á, chúng tôi thường nghe khách hàng phản hồi về hiệu quả, sự gọn nhẹ, tiện lợi ở những mặt hàng làm đẹp không chứa nước”. 

Dust & Glow có các sản phẩm bán chạy như sữa rửa mặt, sản phẩm chăm sóc tóc và chăm sóc cơ thể - Nguồn ảnh: Dust & Glow
Dust & Glow có các sản phẩm bán chạy như sữa rửa mặt, sản phẩm chăm sóc tóc và chăm sóc cơ thể - Nguồn ảnh: Dust & Glow

Không riêng các thương hiệu trẻ, độc lập, một số tên tuổi lớn đã bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc về thực trạng lạm dụng nước trong thành phần mỹ phẩm. Tập đoàn L’Oréal vừa tuyên bố, trước năm 2030 sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ công thức mỹ phẩm của họ nhằm đảm bảo tiêu chí tôn trọng hệ sinh thái thủy sinh. P&G, công ty hàng tiêu dùng danh tiếng của Mỹ đứng sau nhiều thương hiệu làm đẹp cũng đang bắt đầu cắt giảm 20% nước khỏi quy trình sản xuất.

Đối với mục tiêu phát triển mỹ phẩm khô, giới chuyên gia, doanh nghiệp ủng hộ xu thế sản xuất bền vững đều mong mỏi có thể thay đổi tích cực tư duy người tiêu dùng. “Việc cứ tiếp tục sử dụng những nguyên liệu không cần thiết, đặc biệt là nước - thứ chúng ta tuyệt đối không nên lãng phí - hoàn toàn không ổn. Từ nhà sản xuất, đơn vị bán lẻ cho đến nhà cung ứng nguyên liệu… - bất kỳ ai đang làm việc trong ngành mỹ phẩm đều nên góp phần phổ biến những giải pháp an toàn hơn vì môi trường và sức khỏe con người” - Ben Grace của thương hiệu SBTRCT bày tỏ. 

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI