Ngành mới tuyển sinh năm 2025: Lần đầu tiên có ngành phân tích dữ liệu

25/01/2025 - 10:43

PNO - Nhu cầu thị trường lao động cao, nhiều trường đại học ở TPHCM mở ngành mới về phân tích dữ liệu với dự báo nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn.

Mở ngành phân tích dữ liệu

Năm 2025, Đại học Kinh tế TPHCM mở ngành phân tích dữ liệu - đây là lĩnh vực đã được nhiều trường đào tạo dưới dạng chuyên ngành nhưng là ngành học độc lập lần đầu tuyển sinh ở Việt Nam.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh - Viện trưởng Viện Công nghệ Thông minh và Tương tác (Đại học Kinh tế TPHCM) - chia sẻ, đặc điểm nổi bật của chương trình là sự tích hợp giữa kiến thức kinh tế, quản trị và công nghệ thông tin. Chương trình đi sâu vào phân tích dữ liệu trong công nghệ, sử dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa và hỗ trợ ra quyết định về các lĩnh vực như đô thị thông minh, quản lý đô thị... Sinh viên có thể lựa chọn đi theo chuyên ngành phân tích dữ liệu trong kinh doanh hoặc phân tích dữ liệu hướng công nghệ.

Năm 2025, ngành phân tích dữ liệu của Đại học Kinh tế TPHCM tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với khoảng 40 chỉ tiêu. Tuyển sinh bằng các tổ hợp: A00 (toán, lý, hóa); A01 (toán, lý, Anh); D01 (toán, văn, Anh); D07 (toán, hóa, Anh).

Sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM trong một tiết học về dữ liệu - Ảnh: Nguyễn Loan
Sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM trong một tiết học về dữ liệu - Ảnh: Nguyễn Loan

Chương trình đào tạo kéo dài khoảng 3,5 năm, với tổng 122 tín chỉ. Sinh viên được trang bị kiến thức về toán học và thống kê; lập trình và công cụ phân tích dữ liệu; học máy và trí tuệ nhân tạo (AI); trực quan hóa dữ liệu; phân tích dữ liệu ứng dụng…

Tương tự, năm 2025, Trường Đại học Tài chính - Marketing cũng mở ngành khoa học dữ liệu với khá nhiều chỉ tiêu. Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thị Hằng Nga - Trưởng phòng Quản lý đào tạo của nhà trường - cho biết, khoa học dữ liệu (Data Science) là một ngành kết hợp giữa khoa học máy tính và toán học. Sinh viên được học các kiến thức về kinh tế tài chính nhằm thu thập, xử lý và phân tích các khối lượng dữ liệu lớn và phức tạp từ đó đưa ra các góc nhìn, quyết định trong phân tích dự báo trong kinh tế tài chính.

Ngành xét tuyển theo tổ hợp 3 môn bất kỳ trong đó có ít nhất 1 môn bắt buộc là toán. Thí sinh có thể đăng ký với 6 phương thức xét tuyển 2025, gồm: tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học của Bộ Giáo dục - Đào tạo; xét tuyển học sinh có kết quả học tập THPT tốt; xét tuyển kết quả học tập THPT theo tổ hợp môn; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2025; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) phục vụ tuyển sinh năm 2025 do Trường đại học Tài chính - Marketing tổ chức; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Ngoài ra, người học còn được nâng cao khả năng ngoại ngữ và các kỹ năng mềm. Chương trình đào tạo còn có phần thực hành và dự án thực tế với dự án nhóm và cá nhân; các đợt thực tập tại các công ty, doanh nghiệp trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, marketing, sản xuất, và công nghệ…

năm 2025, Trường Đại học Tài chính - Marketing cũng mở ngành khoa học dữ liệu với khá nhiều chỉ tiêu - Ảnh: NL
Năm 2025, Trường Đại học Tài chính - Marketing cũng mở ngành khoa học dữ liệu với khá nhiều chỉ tiêu - Ảnh: N.L.

Nhiều cơ hội việc làm, thu nhập hấp dẫn

Tốt nghiệp lĩnh vực phân tích dữ liệu, sinh viên có thể làm việc tại các công ty, tập đoàn về viễn thông, phần mềm với các vị trí như bộ phận IT, quản trị dữ liệu tại các doanh nghiệp, chuyên viên phân tích dữ liệu doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, cơ quan nhà nước, ngân hàng… Hoặc trở thành kiến trúc sư dữ liệu, kỹ sư phát triển phần mềm phụ trách phân tích, thống kê dữ liệu trong các công ty giải pháp công nghệ thông tin. Nghiên cứu, giảng dạy khoa học dữ liệu và các lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, hệ thống công nghiệp... tại các trường đại học, viện nghiên cứu.

Trong đó, có thể kể đến một số vị trí công việc nổi bật như, chuyên gia khoa học dữ liệu: phát triển và áp dụng các mô hình học máy để giải quyết các vấn đề phức tạp trong doanh nghiệp. Làm việc với các bộ dữ liệu lớn, sử dụng các kỹ thuật phân tích tiên tiến như học sâu (deep learning), học máy để đưa ra dự báo và các giải pháp tối ưu…

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh nhận định, dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích dữ liệu đang là xu hướng toàn cầu. Trong cuộc chạy đua công nghệ số, hầu hết các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực từ ngân hàng đến công nghệ, y tế, bán lẻ… đều có nhu cầu tuyển dụng. Sinh viên theo học ngành này vì vậy có nhiều cơ hội nghề nghiệp. Dự báo, mức thu nhập của sinh viên mới ra trường từ 10-18 triệu đồng/tháng; từ 2 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương trên 20-30 triệu đồng/tháng.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI