Ngành may mặc châu Á lao đao vì COVID-19

02/03/2020 - 07:08

PNO - Sự bùng phát của COVID-19 đang tàn phá chuỗi cung ứng hàng may mặc châu Á. Việc gián đoạn vận chuyển và nguyên liệu từ Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào bế tắc.

Chuỗi cung ứng đứt đoạn

Ngày 27/2, chính phủ Campuchia cảnh báo khoảng 200 nhà máy sản xuất quần áo có thể sẽ phải thu nhỏ hoặc ngừng sản xuất hoàn toàn do thiếu nguyên liệu. Thủ tướng Hun Sen kêu gọi đại sứ Trung Quốc thúc đẩy việc gửi thêm nguyên, vật liệu bằng tàu và máy bay để ngành công nghiệp này tránh phải đóng cửa. Cạnh bên, Việt Nam đang phải đối mặt với những tình huống tương tự trong ngành may mặc và hơn thế nữa, khi Trung Quốc còn là nhà cung cấp thép và linh kiện điện tử lớn. 

 

Các doanh nghiệp may mặc tại Đông Nam Á lao đao vì thiếu nguồn cung nguyên liệu thô từ Trung Quốc
Các doanh nghiệp may mặc tại Đông Nam Á lao đao vì thiếu nguồn cung nguyên liệu thô từ Trung Quốc

Tại Myanmar, các nhà máy đang giảm giờ làm hoặc tạm dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu từ Trung Quốc. U Aye Thaung - chủ tịch ủy ban đại diện cho một khu công nghiệp ở Yangon - nói với Myanmar Times: “Các nhà máy may mặc, sản xuất giày và túi còn nguyên liệu vẫn hoạt động cầm chừng cho đến nay, nhưng các nhà máy đã hết hàng thì phải ngừng hoạt động”.

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các tin tức xấu như trên đang diễn ra ở nhiều nơi, giữa ngành công nghiệp dệt may trị giá hơn 290 tỷ USD của châu Á, chiếm 60% hàng may mặc, dệt may và giày dép của thế giới. 

Trước nguy cơ phá sản

Giới chức Campuchia cho biết, có hơn 10 nhà máy trong ngành đã đình chỉ hoạt động và chỉ trả một phần tiền lương cho khoảng 3.000 công nhân. Tờ Khmer Times dẫn lời Bộ Lao động Campuchia cho hay, nếu tình trạng thiếu nguyên liệu từ Trung Quốc kéo dài, khoảng 90.000 công nhân có thể mất việc vào cuối tháng Ba. Thủ tướng Hun Sen công bố kế hoạch cho công nhân may mặc có nhà máy đóng cửa nhận 60% mức lương tối thiểu, với 40% là trách nhiệm của các chủ nhà máy và 20% do chính phủ chu cấp.

Tại Bangladesh - nơi có ngành công nghiệp sản xuất hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, các nhà máy vẫn đang hoạt động nhưng sự lo lắng không ngừng gia tăng. Hàng may sẵn là một sản phẩm chủ lực của nền kinh tế Bangladesh, đóng góp gần 16% tổng sản phẩm quốc gia và đạt giá trị xuất khẩu khoảng 34 tỷ USD trong năm tài chính cuối cùng kết thúc vào tháng 6/2019.

Nước láng giềng Myanmar có ngành công nghiệp may mặc nhỏ hơn nhưng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Myanmar cảnh báo, một nửa trong số 500 nhà máy tại đây có thể đóng cửa vào tháng Ba nếu khủng hoảng kéo dài. Đối với công nhân Myanmar 31 tuổi Aye Su Than, việc đình chỉ sản xuất tại Công ty Hunter Myanmar - nơi sản xuất quần áo cho một thương hiệu thời trang Ý, mà cô đang làm việc vào hai tuần trước là hoàn toàn bất ngờ. Trước đó, cô kiếm được khoảng 130 USD mỗi tháng, và nhận được 320 USD tiền bồi thường từ nhà máy. Tại Yangon, một người phụ nữ mang thai tháng thứ năm chia sẻ: “Gia đình tôi không biết phải làm gì bây giờ. Thật không dễ để xin việc ở nơi khác trong thời gian tôi mang thai”.

Tác động của vi-rút có thể dẫn đến sự thay đổi cách thức các công ty tìm nguồn cung nguyên liệu trong tương lai; các khâu kéo sợi, dệt, may và hoàn thiện có thể được thực hiện trong nước nhằm giảm rủi ro. Các nhà cung cấp nguyên liệu thay thế đang nổi lên ở Thái Lan, Indonesia, Pakistan và Ấn Độ, nhưng chi phí sẽ cao hơn đối thủ từ Trung Quốc.

Liang Kuo-yua - Chủ tịch Viện nghiên cứu Yuanta-Polaris (Đài Loan) nói: “Nếu bạn là doanh nghiệp lớn thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu bạn là công ty vừa và nhỏ, bạn không thể cầm cự và sau đó bạn phải đối mặt với vấn đề phá sản”. 

Tấn Vĩ (theo Reuters, Fashionating World, Quartz)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI