Ngành kỹ xảo điện ảnh và hoạt hình: Đông tay mới vỗ nên kêu

21/02/2025 - 17:51

PNO - Ngày 18/2 đánh dấu bước ngoặt lớn cho điện ảnh nói chung và ngành kỹ xảo - hoạt hình trong nước nói riêng với việc ra đời của Hiệp hội Kỹ xảo điện ảnh và hoạt hình Việt Nam (VAVA).

Ban điều hành gồm ông Đinh Trí Dũng - Giám đốc Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC, Chủ tịch; ông Thierry Nguyễn - nhà sáng lập AIOI Studios - và ông Đoàn Trần Anh Tuấn cùng giữ vai trò Phó chủ tịch.

Zombie mắt lác là phim hoạt hình dài của Việt Nam có kế hoạch ra rạp vào hè năm nay - Ảnh do nhà sản xuất cung cấp
Zombie mắt lác là phim hoạt hình dài của Việt Nam có kế hoạch ra rạp vào hè năm nay - Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

So với các khâu khác trong sản xuất phim, kỹ xảo “sinh sau đẻ muộn” nhưng lại có hiệp hội ngành nghề riêng. Điều này thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực cũng như quyết tâm của cộng đồng này trong việc chung tay xây dựng nền tảng cho ngành. Từ chỗ ban đầu chỉ phục vụ các dự án nội địa với quy mô nhỏ.

5-6 năm qua, kỹ xảo và hoạt hình đã có sự bùng nổ mạnh mẽ với hơn 100 studio mới được thành lập. Tính đến năm 2024, cả nước có tổng cộng 48 studio VFX (kỹ xảo) với hơn 3.563 nhân viên và 54 studio hoạt hình với hơn 4.719 nhân viên. VAVA ra đời giúp liên kết các studio với nhau và liên kết nhà đầu tư với các studio. Thông qua các hoạt động như tổ chức hội thảo, khóa đào tạo, kết nối hợp tác trong và ngoài nước, các thành viên được tiếp cận với những công nghệ tiên tiến, xu hướng mới nhất của ngành, cũng như mở rộng cơ hội làm việc và hợp tác với các đối tác quốc tế. Thêm nữa, thông qua VAVA, yêu cầu về “đầu ra” của các doanh nghiệp đối với sinh viên cũng được thông tin rõ ràng, kịp thời, nhờ đó sinh viên có được kiến thức, kỹ năng thực tế nhanh hơn.

Theo ông Đinh Trí Dũng, hiện VAVA có 3 đơn vị thành viên chủ chốt và khoảng 20 đơn vị thành viên sinh hoạt thường xuyên. Con số này so với lượng studio trong nước hiện có vẫn còn khiêm tốn. Tuy nhiên, như câu nói “buôn có bạn bán có phường”, sự xuất hiện của VAVA giúp các studio trao đổi thông tin, nhờ đó huy động được đội ngũ sản xuất đông đảo cho những dự án lớn. VAVA ra đời giữa lúc giới làm kỹ xảo, hoạt hình chứng kiến hiện tượng phòng vé phim Na Tra 2 đã hun đúc giấc mơ về một ngày bom tấn phim hoạt hình Việt sẽ đại náo thị trường trong nước.

Có đến 138 studio tham gia tạo ra Na Tra 2 và đạo diễn Sủi Cảo mất 5 năm mới ra tiếp phần 2. Theo đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn, để làm ra 1 phim hoạt hình, nhanh nhất phải mất từ 18-24 tháng, chậm thì vài năm và thành công của Na Tra 2 chính là trái ngọt đã được gieo trồng nhiều năm. Kỹ xảo hoạt hình Việt so về công nghệ không thua kém nước ngoài nhưng do hoạt động tản mát nên chưa thể tạo ra tác phẩm quy mô. Theo những người trong cuộc, 1 dự án tầm cỡ có thể cần tới 2.000 nhân sự nên 1 studio đơn lẻ của Việt Nam không thể nào đáp ứng. Một khi có hiệp hội, vấn đề này sẽ được giải quyết.

Từ VAVA nhìn rộng ra, điện ảnh Việt cũng cần thêm các hiệp hội ngành nghề khác như biên kịch, đạo diễn, diễn viên, giống như nền điện ảnh nhiều nước đã có. Hiệp hội giúp tăng cường tính kết nối, trở thành chỗ dựa chuyên môn, giúp thị trường điện ảnh ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, quy mô hơn, bởi đông tay mới vỗ nên kêu.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI